MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1075285
Số người trực tuyến:19
CÁCH LÀM SÁNG TẠO
Nằm trên dải đất ven sông Hoàng Long, thôn Đào Lâm (xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn) nổi tiếng với nghề làm bánh đa vừng. Trải qua bao thăng trầm, đến nay, những người còn gắn bó với nghề này không nhiều và cơ bản họ đã chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang sản xuất bằng máy. Tuy nhiên, nguyên liệu thì vẫn là những sản vật quê hương cộng với bí quyết chế biến truyền đời để tạo ra những chiếc bánh đa vừng đậm vị truyền thống.
 
 

Làng nghề bánh đa Điềm Giang. Ảnh: Trọng Kiên

Là một trong số ít người ở Gia Thắng hiện nay còn gìn giữ nghề làm bánh đa cha ông để lại, anh Trần Văn Lập, thôn Đào Lâm chia sẻ: Vào khoảng những năm 80, chiếc bánh đa giòn tan mà ông cụ thân sinh của anh tự tay tráng, nướng thủ công với công thức chế biến lưu truyền riêng đã hấp dẫn thực khách xa, gần khi đến với chợ Điềm (một chợ liên vùng thuộc xã Gia Trung). 

Ngày ngày phụ giúp cha, rồi anh cũng yêu và gắn bó với nghề này từ khi nào không hay. Ngót nghét hơn 30 năm, có những giai đoạn xu thế tiêu dùng của thị trường thay đổi, anh từng phải bỏ nghề làm bánh đa chuyển sang làm các sản phẩm khác. Tuy nhiên, sau đó anh lại quyết tâm quay lại với chiếc bánh đa truyền thống.

Để giảm giá thành, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, năm 2009, anh bàn với vợ mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua các loại máy tráng, xay bột, nướng, sấy... chuyển đổi mô hình từ thủ công sang công nghiệp.

"Mặc dù đưa máy móc vào sản xuất nhưng việc lựa chọn, pha trộn, ngâm ủ nguyên liệu thì vẫn phải có những bí kíp truyền thống riêng. Ví dụ, gạo để làm bánh phải là gạo mới, giống khô cơm như Q5, Khang Dân, đặc biệt không được sát trắng mà phải để lại vỏ cám, có như vậy thì chiếc bánh làm ra mới đậm vị, và giữ được nhiều dinh dưỡng" - anh Lập cho biết.
Những chiếc bánh đa vừng của Làng nghề bánh đa Điềm Giang. Ảnh: Trọng Kiên

Có sản phẩm ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm, lại năng động trong việc liên kết phân phối sản phẩm tại khắp các đại lý, điểm du lịch, Trạm dừng nghỉ đường bộ trong và ngoài tỉnh nên bánh đa của gia đình anh luôn có đầu ra ổn định. 

Trung bình mỗi tháng, gia đình sản xuất khoảng 18 đến 20 vạn tấm bánh, tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

Anh Hoàng Văn Bình (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) - một thương lái đã có gần 5 năm lấy bánh đa của gia đình anh Lập để phân phối trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho biết: Bánh đa ở đây chất lượng ổn định, giá cả phải chăng nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Thường thường mỗi tháng tôi cất buôn khoảng 15- 20 chuyến, mỗi chuyến khoảng 5-10 nghìn bánh.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, từ kinh nghiệm sản xuất của mình, anh Lập còn truyền đạt, hỗ trợ một số hộ dân khác cùng làm với mong muốn tiếp giữ lửa nghề, gìn giữ tinh hoa của thức quà quê giản dị vùng đất Điềm Giang xưa kia.


Phấn đấu xây dựng bánh đa Điềm Giang trở thành sản phẩm OCOP của địa phương.
Ảnh: Trọng Kiên
Hiện anh đang đứng ra xúc tiến thành lập HTX bánh đa Điềm Giang, đồng thời nỗ lực xây dựng sản phẩm này trở thành sản phẩm OCOP của địa phương.

Với hướng đi đúng đắn, hy vọng bánh đa vừng Điềm Giang sẽ dần nâng cao được thương hiệu và vị thế của mình.
Trọng Kiên
 


 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.