MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1075292
Số người trực tuyến:5
CÁCH LÀM SÁNG TẠO
Tận dụng những thuận lợi về khí hậu, tiềm năng của rừng, người dân ở xã Cúc Phương, huyện Nho Quan đã học hỏi kinh nghiệm, mạnh dạn nhân rộng các mô hình con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao. Trong đó nhiều mô hình như nuôi ong lấy mật, nuôi dê, hươu lấy nhung…đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
 

 

 Anh Đinh Quang Lâm đang nuôi 230 đàn ong mật

Trong tiết trời lất phất mưa của những ngày đầu xuân, chúng tôi có dịp tới thăm mô hình chăn nuôi con đặc sản của anh Đinh Quang Lâm, thôn Sấm 2, xã Cúc Phương. Dẫn chúng tôi thăm khu chuồng trại, anh Lâm cho biết, hiện nay con nuôi cho hiệu quả kinh tế cao nhất của gia đình là nuôi ong lấy mật. Tận dụng diện tích rừng ngay cạnh nhà, ban đầu anh chỉ nuôi vài đàn ong theo phương pháp truyền thống với quy mô nhỏ để phục vụ nhu cầu của gia đình. 
Nhận thấy điều kiện tự nhiên ở nơi đây rất thuận lợi để đẩy mạnh phát triển nghề nuôi ong theo hướng hàng hóa. Hơn nữa chất lượng mật ong rừng được người tiêu dùng đánh giá cao, anh quyết định mua thêm vài chục đàn ong về nhân giống. Đến nay anh Lâm đã phát triển lên 230 đàn ong mật.
"Với lợi thế sống gần rừng quốc gia Cúc Phương, nên đàn ong không bao giờ lo thiếu phấn hoa tự nhiên. Chỉ là mùa nào nhiều mật và mùa nào ít mật hơn. Mùa cho nhiều mật nhất vẫn là mùa xuân tầm từ tháng 2 đến tháng 5. Khi đó các loài hoa trong rừng nở rộ và người nuôi có thể đều đặn quay mật 3 lần/tháng." Anh Lâm chia sẻ. 
Được biết bình quân mỗi năm gia đình anh Lâm sản xuất được hơn 2.000 lít mật ong. Mật của gia đình anh có tiếng về độ thơm ngon, tinh khiết, đặc sánh nên bán chạy, sản phẩm làm đến đâu được bán hết đến đó. Đặc biệt từ khi sản phẩm mật ong Cúc Phương được chứng nhận là sản phẩm OCOP, giá mật cao hơn trước đây và luôn ổn định từ 280.000 - 300.000 đồng/lít. Sau khi trừ hết các chi phí, gia đình anh có thu nhập từ bán mật ong đạt hơn 300 triệu đồng/năm.
Cùng với con ong, anh Lâm còn nuôi 6 con hươu lấy nhung đang độ tuổi trường thành. Kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi của anh Lâm cho thấy, hươu sẽ cho lộc 1 lần/năm với số lượng khoảng 6-7 lạng nhung/con, cá biệt có con hươu cho hơn 1 kg nhung/năm. Hiện tại, nhung hươu được bán tại Cúc Phương có giá dao động từ 1,6 triệu đến 2 triệu đồng/lạng, một con hươu bình quân cho thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/năm. Như vậy mỗi năm anh thu được hơn 3 kg nhung và có lãi 50 triệu đồng. 
Ngoài hai con nuôi chủ lực là hươu và ong, anh Lâm còn nuôi thêm lợn rừng, nhím, dê, gà…. Từ mô hình con nuôi đặc sản mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định trên 500 triệu đồng/năm.
Ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương cho biết: Trên địa bàn xã chủ yếu là rừng tự nhiên của Vườn Quốc gia Cúc Phương và gần 100 ha rừng sản xuất, cộng thêm hơn 40 ha rừng phòng hộ. Phát huy lợi thế đó, những năm qua người dân đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nhất là các con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao như hươu, ong mật, dê, lợn rừng…

Nuôi hươu lấy nhung ở xã Cúc Phương
Thống kê sơ bộ, trên địa bàn xã có hơn 100 hộ nuôi hươu với tổng đàn gần 900 cá thể hươu, 80% trong số đó đang ở trong độ tuổi trưởng thành. Năm 2022, người dân cung cấp ra thị trường khoảng 750 kg nhung, 120 con hươu thịt, hươu giống, giá trị ước đạt 16,2 tỷ đồng. Toàn xã cũng có 1.640 đàn ong, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 16 tấn mật, giá trị ước đạt trên 4 tỷ đồng. Ngoài ra xã có hơn 400 con nhím, trên 500 con dê, trên 1.000 con thỏ…Thu nhập từ các loại con nuôi ước đạt trên 40 tỷ đồng.
Những năm qua để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, xã phối hợp với các cấp, ngành tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho vật nuôi. Đồng thời tạo điều kiện tiếp cận với các nguồn tín dụng của các ngân hàng để người dân có vốn đầu tư sản xuất. 
Xã cũng phối hợp thành lập Hợp tác xã dịch vụ thương mại nhung hươu Cúc Phương, Hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ mật ong Cúc Phương. Các Hợp tác xã hoạt động trên cơ sở tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau và liên kết của các thành viên trong sản xuất, tạo ra nguồn hàng dồi dào, thị trường tiêu thụ ổn định. 
Đặc biệt, thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, xã tập trung xây dựng các sản phẩm từ con nuôi đặc sản trở thành sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn OCOP. Đến nay đã có sản phẩm mật ong của Hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ mật ong Cúc Phương được chứng nhận là sản phẩm OCOP. Điều đó giúp sản phẩm mật ong của địa phương khẳng định được thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ và tạo động lực để người dân tiếp tục mở rộng sản xuất.
"Hoạt động chăn nuôi, nhất là chăn nuôi các con đặc sản tại xã Cúc Phương hiện đang phát triển tốt, tạo sinh kế cho người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo bền vững. Đặc biệt đã có không ít hộ khó khăn trở thành hộ khá giả nhờ chăn nuôi hiệu quả với thu nhập hằng năm đạt từ 100 triệu đến 200 triệu đồng/năm. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ liên kết với các cơ quan chuyên môn để định hướng người dân sản xuất theo tín hiệu của thị trường; đồng thời kết nối với các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở du lịch trên địa bàn nhằm xúc tiến thương mại, bảo đảm ổn định đầu ra của sản phẩm", ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã khẳng định.
Thảo Linh


 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.