MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1075272
Số người trực tuyến:6
CÁCH LÀM SÁNG TẠO
Năm 2022 là năm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Gần 2 nghìn hộ nghèo, trên 2 nghìn hộ cận nghèo trong toàn tỉnh đã nỗ lực thoát nghèo trong bối cảnh khó khăn ấy. Có được động lực thoát nghèo đó là nhờ các chính sách của Đảng, Nhà nước, các phương thức hỗ trợ phù hợp của tỉnh, của địa phương; từ khát vọng vươn lên của chính bản thân mình. Một mùa xuân mới lại về mang theo nhiều hy vọng cho những hộ nghèo và cận nghèo trong một tương lai không xa rồi cũng sẽ hết nghèo...
 
 

 Thu hoạch thanh long ở xã Phú Long (Nho Quan)

Những ngày giáp Tết, gia đình anh Đinh Văn Nguyên ở thôn Sấm 3, xã Cúc Phương (huyện Nho Quan) tất bật sửa soạn những phần việc cuối cùng để chuẩn bị đón năm mới. 
Anh Nguyên xúc động: Theo tục lệ của người Mường, ngày Tết các gia đình phải mổ lợn hoặc đụng lợn chứ ít khi mua, như vậy mới thể hiện được sự đoàn kết, sum họp của các gia đình, lại vừa thể hiện một năm làm ăn phát đạt. Tục là vậy, song nhiều năm trước, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên gia đình anh Nguyên chưa bao giờ thịt lợn. Lấy vợ, ra ở riêng với hai bàn tay trắng, lại sinh liên tiếp 2 đứa con, đó là nguyên nhân khiến gia đình anh nằm trong tốp nghèo của xã. 
Năm nay thì khác, để đánh dấu sự "ăn nên làm ra", vợ chồng anh Nguyên đã tìm mua một con lợn hơn 20 kg để nuôi chuẩn bị cho dịp Tết này. Giáp Tết, dù đã nghỉ việc ở công ty nhưng vợ anh Nguyên vẫn tranh thủ thu hoạch rau, củ trong vườn để bán. Anh Nguyên cũng tạm nghỉ việc đồng, việc rừng để tập trung chuẩn bị lo cho gia đình một cái Tết no đủ, đầm ấm. 
Theo anh Nguyên, hành trình thoát nghèo của gia đình anh nhận được sự quan tâm lớn của Nhà nước, địa phương. Nhờ được hỗ trợ xây dựng ngôi nhà kiên cố, vợ chồng anh có chốn an cư, từ đó yên tâm vươn lên làm kinh tế. Ban đầu, anh Nguyên vay vốn để mua trâu thả đồng. Từ con trâu đầu tiên, sau đó sinh sản dần thành hai, thành ba… khiến anh Nguyên càng thêm vững niềm tin và mạnh dạn đầu tư mua thêm dê để nuôi. Giờ, đàn dê của anh Nguyên đã có gần 30 con mập mạp, khỏe mạnh. 
Để có thêm thu nhập, vợ anh Nguyên xin vào làm ở một công ty gần nhà, vừa chăm chỉ việc công ty, ngoài ra còn phụ với anh trồng cỏ voi để chăn nuôi gia súc. Đến nay, không những thoát nghèo mà gia đình anh Nguyên còn hứa hẹn sẽ trở thành hộ khá của thôn.
Ông Đinh Văn Tuấn, Trưởng thôn Sấm 3 cho biết: Vì xã Cúc Phương đã đạt chuẩn nông thôn mới nên người dân trong xã không còn được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Khi người dân không còn được bao bọc bởi chính sách hỗ trợ đó cũng là một thách thức cho công tác giảm nghèo của địa phương trong giai đoạn mới 2022- 2025. 
Muốn giảm nghèo hiệu quả, không còn cách nào khác là phải làm thay đổi nhận thức, ý thức của người dân để họ không lệ thuộc vào chính sách, chủ động phát huy nội lực để vươn lên phát triển kinh tế. Trước thực tế đó, thực hiện sự chỉ đạo của huyện, của xã, các cán bộ của thôn đã tích cực, linh hoạt trong các biện pháp tuyên truyền, vận động để đánh thức khát vọng vươn lên của hộ nghèo, cận nghèo. 
Với nghị lực vươn lên của chính người nghèo, cuối năm 2022, thôn Sấm 3 đã giảm thêm được 2 hộ nghèo. Trong năm 2022, mặc dù dịch COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống nhưng các địa phương đã năng động, sáng tạo phát huy thế mạnh từng vùng, miền để khôi phục và phát triển kinh tế. 
Đặc biệt, tỉnh đã chủ động bố trí nguồn kinh phí để nâng mức trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội; hỗ trợ lao động không có giao kết lao động; lao động trong các cụm công nghiệp không thuộc diện được hỗ trợ tiền thuê nhà từ ngân sách của Trung ương… 
Những chính sách đặc thù, nhân văn ấy của tỉnh đã đồng hành, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 vượt qua chặng đường khó. Trong năm, có trên 20 nghìn người lao động nói chung, trong đó có không ít người nghèo đã được tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ vốn vay; trên 1.500 người đi xuất khẩu lao động, trong đó nhiều trường hợp được hỗ trợ vốn vay ưu đãi. 
Những hộ không còn trong độ tuổi lao động được hỗ trợ sinh kế phù hợp; người già, neo đơn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, của toàn xã hội thông qua các hoạt động thiết thực như: hỗ trợ nhà ở, tặng giống, vốn, trao quà, tặng sổ tiết kiệm… Nhờ đó, người nghèo có thêm nguồn lực, động lực để vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. 
Công ty may Văn Phú (Nho Quan) đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương
 
Theo kết quả rà soát sơ bộ, trong năm 2022, toàn tỉnh đã có gần 2 nghìn hộ nghèo, trên 2 nghìn hộ cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 2,45%, vượt kế hoạch đề ra. 
Bà Lê Thị Lựu, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện nay, tỉnh ta không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, do vậy không nhận kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. 
Để thực hiện chương trình này, tỉnh đã tự cân đối ngân sách và bố trí kinh phí thực hiện tại Quyết định số 709/QĐ-UBND ngày 11/8/2022, với tổng kinh phí 36.063 triệu đồng. Nguồn ngân sách này để thực hiện các dự án cụ thể như: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình… 
Hiện nay, các dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục, ngay sau đó sẽ khẩn trương được thực hiện… Để các chính sách này sớm đi vào cuộc sống, phát huy tối đa hiệu quả, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã và đang tích cực phối hợp với các địa phương, đơn vị tăng cường đối thoại, tiếp xúc với hộ nghèo, cận nghèo; nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông về giảm nghèo cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các địa phương…. 
Từ đó, tuyên truyền, phổ biến chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước và địa phương tới người nghèo một cách kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, tiếp thu, giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị, các vấn đề thắc mắc, tồn tại ở cơ sở... để tham mưu điều chỉnh kịp thời. Kỳ vọng, với "lực đẩy" từ các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, các địa phương sẽ tiếp tục phát huy nội lực để hỗ trợ người nghèo hướng thoát nghèo hiệu quả và thực sự bền vững. 
Thảo Linh


 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.