MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1075238
Số người trực tuyến:6
CÁCH LÀM SÁNG TẠO
Thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, thành phố Ninh Bình đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh tích cực huy động, tạo lập vốn, truyền tải vốn chính sách nhanh nhất đến đối tượng được thụ hưởng. Qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
 
 

 Cán bộ Ngân hàng CSXH giải ngân vốn tại phường Thanh Bình

Cả hệ thống chính trị "vào cuộc"

Đồng chí Vũ Hoài Chương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình cho biết: Thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy Ninh Bình đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị có liên quan từ thành phố đến phường, xã thường xuyên quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội và tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện trên địa bàn. 

Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH thành phố thường xuyên được củng cố, kiện toàn, các thành viên là lãnh đạo của các phòng, ban chuyên môn, đoàn thể của thành phố và Chủ tịch của UBND các xã, phường. Qua đó nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với tín dụng chính sách ngay từ cơ sở. 
Trong 20 năm, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH thành phố có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc cho Ngân hàng CSXH cũng như quan tâm chỉ đạo bố trí về địa điểm, thời gian, đảm bảo an ninh, an toàn đối với hoạt động giao dịch của Ngân hàng CSXH tại điểm giao dịch xã. 
Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban, ngành có liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương phối hợp với Ngân hàng CSXH triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn thành phố; chỉ đạo việc gắn kết giữa thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia với hoạt động tín dụng của Ngân hàng CSXH, góp phần nâng cao hiệu quả của các chương trình. 
Đặc biệt, sau khi có Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội" công tác chỉ đạo thực hiện tín dụng chính sách ở thành phố Ninh Bình được đặc biệt chú trọng, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội. 
Hàng năm thành phố quan tâm cân đối ngân sách, bố trí kế hoạch vốn ủy thác sang Ngân hàng CSXH nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Vì vậy nguồn vốn tín dụng dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn thành phố Ninh Bình ngày càng tăng trưởng. 
Đến 31/5/2022, tổng nguồn vốn tại Hội sở Ngân hàng CSXH tỉnh quản lý hơn 143 tỷ đồng, tăng 124 tỷ đồng (gấp 15,2 lần) so với thời điểm mới triển khai Nghị định 78, trong đó: Nguồn vốn từ trung ương đạt 119 tỷ đồng; Nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 24 tỷ đồng.
Không để người nghèo bị tụt lại phía sau vì thiếu vốn
Trong 20 năm qua, tín dụng chính sách trên địa bàn thành phố Ninh Bình đã đạt được những kết quả quan trọng, nguồn vốn ưu đãi được chuyển tải kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng, giúp hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. 
Ông Trịnh Đức Khoa, xã Ninh Phúc từng là hộ nghèo có 3 con bị tự kỷ và cuộc sống vô cùng khó khăn, bữa no bữa đói, bộn bề lo toan. Nhưng năm 2016, lần đầu biết tới Ngân hàng CSXH, ông được vay 50 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế. 
Có vốn, ông đầu tư làm chuồng trại và mua 5 con bê về nuôi. Sau 1 năm đàn bò được xuất bán, có vốn ông lại mua 10 con bê về nuôi để bán thịt. Cứ như thế, quy mô chuồng trại chăn nuôi của ông được mở rộng. Đến nay ông luôn duy trì 2 chuồng bò với hơn 40 con. Chăn nuôi hiệu quả, năm 2019 gia đình ông đã thoát nghèo và trả hết nợ gốc, nợ lãi cho Ngân hàng. 
"Có trải qua những tháng ngày gian khổ, vật lộn với cái đói, cái nghèo mới thấm thía hơn ý nghĩa của nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH. Nhờ đầu tư nguồn vốn hiệu quả, đến nay, cuộc sống của gia đình tôi không còn bấp bênh như trước. Không chỉ lo ăn ở chu đáo, tôi còn có tiền thêm thuốc thang cho các cháu"- ông Khoa chia sẻ.

 
Cán bộ Ngân hàng CSXH thăm xưởng may của chị Lê Thị Tươi.
Cũng nhờ tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, Chị Lê Thị Tươi, phường Đông Thành đã vươn lên trong nghịch cảnh. Được biết chị Tươi là người khuyết tật, chồng mất sớm nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Để mưu sinh, chị học nghề may và mở xưởng may gia công ở phường Ninh Khánh với quy mô nhỏ nhưng thu nhập mang lại không đáng là bao. Thấu hiểu những khó khăn, vất vả và mong muốn có thêm vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, Ngân hàng CSXH đã tạo điều kiện để chị tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi theo Chương trình cho vay giải quyết việc làm.
Được vay 50 triệu, chị Tươi đầu tư mở rộng cơ sở may ở phường Đông Thành, kết hợp mua thêm máy may, nhờ đó cuộc sống được cải thiện nhiều hơn. Hiện cơ sở may của chị Tươi tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.  
Chị Tươi tâm sự: "Khi chưa vay vốn, cuộc sống gia đình rất khó khăn, muốn mở rộng sản xuất cũng không có tiền. Được vay vốn Ngân hàng CSXH để đầu tư làm ăn nên thu nhập của gia đình tôi được cải thiện đáng kể. Tuy chưa phải là hộ giàu nhưng tôi tự hào vì nhờ nguồn vốn ưu đãi đã giúp thêm nhiều chị em có việc làm và thu nhập ổn định. ".
Được biết, qua 20 năm, tín dụng chính sách trên địa bàn thành phố Ninh Bình phát triển nhanh cả về quy mô lẫn chất lượng. Khi mới thành lập, từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với tổng dư nợ gần 19 tỷ đồng; đến nay, trên địa bàn thành phố Ninh Bình đang triển khai thực hiện 11 chương trình tín dụng chính sách. Nguồn lực tín dụng qua Ngân hàng CSXH đã tạo điều kiện cho hơn 42.000 lượt hộ nghèo và các hộ chính sách khác vay vốn, với doanh số cho vay đạt gần 590 tỷ đồng. 
Tổng dư nợ đến 31/5/2022 là  hơn 170 tỷ đồng, với trên 3.700 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ gấp 9 lần so với khi mới thành lập. Tốc độ tăng trưởng bình quân 20 năm là 13,8%/năm. 
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp trên 2.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 10 nghìn lao động; gần 6 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 10 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 100 căn nhà ở cho hộ nghèo và đối tượng chính sách. 
Hiệu quả tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố Ninh Bình, với tỷ lệ hộ nghèo năm 2005 là 8,63%, 2020 giảm còn 0,76% và đến cuối năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn thành phố còn 0,84%. Vốn tín dụng chính sách góp phần đưa 3 xã (Ninh Tiến, Ninh Nhất, Ninh Phúc) đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Ninh Bình là đơn vị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
"Tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đến nay đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để Thành ủy, HĐND, UBND thành phố thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế". Phó Chủ tịch UBND thành phố - Vũ Hoài Chương nhấn mạnh.
TTBCXB


 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.