MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1075275
Số người trực tuyến:9
CÁCH LÀM SÁNG TẠO
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, các làng nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu chúng ta đưa làng nghề vào khai thác, phát triển du lịch thì giá trị của nó sẽ còn được nâng lên một tầm cao mới.
 
 

 Chị Phạm Thị Huế (xóm 4B, Khánh Nhạc, Yên Khánh) cùng bà con trong xóm tranh thủ thời gian nhàn rỗi sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ

Tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn Sau khi đã hoàn thành công việc đồng áng, tranh thủ thời gian nhàn rỗi, chị Phạm Thị Huế - xóm 4B, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh cùng hàng chục chị em phụ nữ khác trong xã miệt mài đan, kết những sản phẩm cói, bèo bồng mỹ nghệ phục vụ cho xuất khẩu. 
Chị phấn khởi chia sẻ: Nay việc đồng áng đã có máy móc nên đỡ vất vả hơn, thời gian rảnh rỗi sau ngày mùa cũng khá nhiều. Do vậy, gần 10 năm qua, tôi đã đứng ra làm đầu mối cho một công ty chuyên sản xuất hàng thủ công xuất khẩu vừa cầm tay, chỉ việc, dạy nghề cho bà con, mặt khác cung ứng nguyên vật liệu và bao tiêu sản phẩm, qua đó giúp mọi người có thêm việc làm, thu nhập.
Hiện, trung mỗi tháng tôi cùng các chị em sản xuất được khoảng 10 nghìn sản phẩm các loại, thu nhập trung bình từ 2-5 triệu đồng/người/tháng. Còn tại cơ sở sản xuất khung đan lát bèo, cói của gia đình anh Vũ Văn Chiến (xóm 11, xã Kim Tân), 40 lao động, chủ yếu là thanh niên có được việc làm và mức thu nhập ổn định từ 7-12 triệu đồng/tháng. 
Anh Chiến cho biết: Nhận thấy nghề đan bèo, cói trên địa bàn ngày càng phát triển, kéo theo nhu cầu về khung đan tăng cao. Do vậy, tôi đã mở xưởng cơ khí này để anh em trong xóm có việc làm tại chỗ, không đi làm ăn xa, đồng thời lưu giữ, phát triển nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của quê hương. 
Hàng thủ công mỹ nghệ ở tỉnh ta hầu hết được tập trung sản xuất ở các làng nghề và các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ. Các nhóm sản phẩm chủ yếu gồm: sản phẩm từ cói và lục bình, mây tre đan, gốm, điêu khắc gỗ, thêu ren, điêu khắc đá. Lợi thế của hàng thủ công mỹ nghệ là sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn, giá rẻ tại chỗ, thậm chí có sản phẩm người làm chỉ cần mất công đi thu lượm chứ không mất tiền mua, như lục bình. 
Hơn nữa, không ít sản phẩm thủ công mỹ nghệ khá đơn giản trong chế tác nên từ người già, trẻ em đều có thể nhận việc, kiếm thêm thu nhập. Theo thống kê, các nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh hiện đang tạo việc làm ổn định cho gần 31 nghìn lao động với mức thu nhập trung bình gần 56 triệu đồng/người/năm. 
Phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch và quảng bá văn hóa Có thể thấy, phát triển nghề thủ công mỹ nghệ có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, quảng bá văn hóa,... 
Tuy nhiên, sự phát triển của nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh hiện nay còn gặp không ít khó khăn do hình thức tổ chức sản xuất quy mô nhỏ, thiếu sự liên kết. Một số mặt hàng của ta có tiềm năng xuất khẩu nhưng kim ngạch xuất khẩu chưa cao. 
Kém về thiết kế mẫu mã khiến các làng nghề thủ công không tạo dựng được thương hiệu, không tiếp cận được các thị trường lớn, thị trường mới và chấp nhận hình thức gia công cho thương hiệu của đối tác nước ngoài. Chỉ gia công, xuất khẩu qua khâu trung gian nên lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ rất thấp. 
Ngoài ra, các làng nghề trên địa bàn Ninh Bình còn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu các nghệ nhân, thợ giỏi, thiếu nguồn nguyên liệu; chưa có các trung tâm trưng bày, bảo tồn nghề có quy mô lớn, ... Tỉnh ta xác định, để tạo động lực cho sự phát triển kinh tế nông thôn, thời gian tới, cần đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống gắn với những nét đặc trưng văn hóa bản địa và định hướng phát triển du lịch. 
Thực tế, việc đưa làng nghề vào khai thác, phát triển du lịch đã thành công ở nhiều nước trên thế giới cả trên bình diện kinh tế và quảng bá văn hóa. Xu hướng du lịch này đem lại nhiều lợi ích cho cả khách và chủ nhà. Khách được tới tham quan những làng nghề truyền thống, nhiều làng có lịch sử hàng trăm năm; hiểu thêm về văn hóa bản địa và được mua sắm những món hàng, đồ lưu niệm đặc sắc mà mình yêu thích.
Các làng nghề nhờ nguồn khách du lịch có thêm việc làm, thu nhập và địa phương có thêm nguồn kinh phí chỉnh trang, làm đẹp làng xóm, khu dân cư. 

Gian hàng trưng bày các sản phẩm thêu ren của Công ty Minh Trang phục vụ khách du lịch.
Bà Lê Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Việt Nam nêu thực trạng: Ninh Bình có trên 70 làng nghề truyền thống nhưng để tìm được một món đồ lưu niệm độc đáo dành cho khách du lịch thì không phải là dễ. Hàng thủ công của tỉnh đang yếu về khâu thiết kế, trong khi sự khác biệt về mẫu mã là một trong những yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Như vậy, muốn bứt phá, ngành thủ công mỹ nghệ cần nhận được những hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm và mạnh mẽ hơn nữa. 
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND về việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống gắn với văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. 
Theo đó, sẽ xây dựng chính sách riêng cho bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống. Ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở triển khai, ứng dụng khoa học, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học để đổi mới công nghệ sản xuất kết hợp bảo tồn bí quyết nghề truyền thống. Khuyến khích nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề, truyền nghề truyền thống. 
Xây dựng không gian truyền thống trong nghề truyền thống, làng nghề truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch, bảo tồn di tích lịch sử làng nghề (nhà thờ Tổ nghề; Trung tâm bảo tồn và phát triển nghề; Khu trưng bày giới thiệu sản phẩm; khu trình diễn hoạt động sản xuất sản phẩm...); 
Xây dựng các tuyến du lịch gắn với nghề truyền thống, làng nghề truyền thống như: Tuyến du lịch Tam Cốc, Bích Động, Động Thung Nham, Cố đô Hoa Lư gắn với tham quan làng nghề truyền thống thêu ren Văn Lâm và các làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân; tuyến du lịch sinh thái Vân Long, Tràng An, Bái Đính với các làng nghề trên địa bàn huyện Gia Viễn; tham quan và trải nghiệm Rừng Quốc gia Cúc Phương với các làng nghề trên địa bàn huyện Nho Quan; Khu du lịch Hồ Yên Thắng, sân golf Hoàng Gia với trải nghiệm nghề gốm cổ Bồ Bát; các làng nghề cói trên địa bàn huyện Kim Sơn kết hợp tham quan Nhà thờ đá Phát Diệm, khu du lịch Cồn Nổi … 
Nghề thêu ren truyền thống của thôn Văn Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) phát triển, giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
Tin rằng, khi đã nhận được sự quan tâm đúng mức của tỉnh, ngành nghề thủ công mỹ nghệ chắc chắn sẽ sớm có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Hà Phương


 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.