MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1072455
Số người trực tuyến:1
CÁCH LÀM SÁNG TẠO
  Trà Cú là huyện nghèo vùng sâu vùng xa của tỉnh Trà Vinh nhưng nhờ chú trọng phát triển mô hình sản xuất theo hướng liên kết thông qua HTX, tổ hợp tác đã giúp tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm.

  Theo UBND tỉnh, Trà Cú có tỷ lệ đồng bào Khmer cao, chiếm hơn 62%. Do điều kiện đất đai bị nhiễm mặn, phèn đã khiến đời sống nhân dân ngày càng khó khăn hơn.

Tập trung phát triển nông nghiệp
 
Trước tình hình đó, huyện đã tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển đi liền với đẩy mạnh hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Là địa bàn thuần nông nên huyện ưu tiên hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
 
Trong 5 năm qua, huyện đã chuyển đổi hơn 7.400 ha đất sản xuất các loại cây kém hiệu quả sang các cây, con có giá trị kinh tế cao, cho hiệu quả tăng gấp nhiều lần trên cùng vùng đất. Nhiều mô hình cho lợi nhuận cao hơn từ 3 lần trở lên sau chuyển đổi, đang tiếp tục được nhân rộng tại địa phương, như nuôi lươn thương phẩm, nuôi tôm, trồng lúa hữu cơ, ớt chỉ thiên...
 
HTX Dịch vụ Thương mại thủy nông Định An (thị trấn Định An) là một trong những mô hình tiêu biểu giúp người dân và thành viên nâng cao thu nhập nhờ chú trọng sản xuất đi đôi với chế biến thủy sản, trong đó có đặc sản khô cá lóc.
 
 
 
HTX Định An giúp người dân nâng cao thu nhập từ sản xuất khô cá lóc (Ảnh:TL)
 
HTX đầu tư nhà xưởng biến trên diện tích 1000m2. Với công suất 450kg/mẻ/12 - 16 tiếng, HTX có thể cung ứng 700 tấn cá nguyên liệu/năm và 520 tấn khô cá lóc/năm, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 40 - 50 lao động với mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng. Hiện, sản phẩm của HTX đã có mặt trên hệ thống siêu thị Saigon Co.op, xuất sang Lào, Trung Quốc… Không ít thành viên từng có hoàn cảnh khó khăn nhưng nay đã nâng cao được đời sống nhờ không ngừng đầu tư và mở rộng sản xuất.
 
Cùng là đơn vị kinh tế tiêu biểu trên địa bàn huyện, mô hình sản xuất của HTX trồng rau Ấp Phố (xã An Quảng Hữu) có thể thu hoạch 10 vụ rau mỗi năm nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ. 22 thành viên của HTX có thể thu về 6-10 triệu đồng/tháng mà không phải lo lắng vấn đề đầu ra.
 
Mô hình sản xuất của HTX Ấp Phố đã giúp xã An Quảng Hữu giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình 5,7% mỗi năm. Người dân lại thay đổi quan điểm sản xuất và nâng cao được kỹ thuật nhờ tham gia HTX.
 
Trên cơ sở những thành tựu từ những mô hình HTX hoạt động hiệu quả, huyện Trà Cú tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình này nhằm thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng dần đời sống nhân dân từng bước ổn định và phát triển.

Giảm tỷ lệ hộ nghèo
 
Để tạo điều kiện cho người dân, các HTX phát triển sản xuất, huyện tích cực liên kết với các dự án,  tạo điều kiện để các hộ nghèo, HTX vay vốn phát triển sản xuất. Theo UBND huyện, giai đoạn 2011-2019, Trà Cú đã giải ngân tổng số tiền gần 1.772 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn huyện được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ nhà ở, đất ở…
 
Huyện cũng tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo có chủ hộ là nữ, hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách, người có công được tiếp cận các chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ đó tạo nền tảng để người dân phát triển sản xuất.
 
Nhờ vậy, đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 40,52 triệu đồng/người/năm, tăng 28 triệu/người/năm so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 33% (cuối năm 2010) đã giảm còn 4,6% (cuối năm 2019).
 
 
 
Nông dân xã Ngọc Biên trồng ớt hàng hóa 
 
Không chỉ giảm tỷ lệ hộ nghèo, huyện còn nâng cao được chất lượng nông sản với 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP tỉnh Trà Vinh gồm: Gạo Hạt ngọc rồng (Long Hiệp), sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre (xã Hàm Giang) và sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ thu nhỏ (xã Đại An). Song song đó, Trà Cú còn xây dựng và phát triển các vùng cây màu thuộc các xã: Long Hiệp, Tân Hiệp, Hàm Giang, Tân Sơn, An Quảng Hữu với một số cây màu chủ lực như bắp, ớt, bí đỏ, môn sáp, rau các loại...
 
Để tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo, huyện xác định thời gian tới tập trung vào công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đúng đối tượng, đúng tiêu chí; phân loại nhóm hộ nghèo có nhu cầu được hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất đi đôi với giải quyết việc làm và phát triển các tổ hợp tác, HTX nhằm đảm bảo các chính sách giảm nghèo thực sự đi vào cuộc sống.
 
Như Yến, Thời báo kinh doanh (mic.gov.vn)


 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.