MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1072433
Số người trực tuyến:2
CÁCH LÀM SÁNG TẠO

 Một chiều cuối năm 2016, chúng tôi đến xã Phú Long (Nho Quan) để tìm hiểu về hành trình xây dựng nông thôn mới ở vùng quê này. Trong chuyến công tác, chúng tôi được các đồng chí lãnh đạo xã giới thiệu về những mô hình hay trong phát triển kinh tế, đồng thời cũng được giới thiệu về những tấm gương vươn lên thoát nghèo. Một trong những tấm gương tiêu biểu ấy là trường hợp của chị Bùi Thị Thìn ở thôn 8.

 

Nắm vững kiến thức chăn nuôi là bí quyết để chị Bùi Thị Thìn ở xã Phú Long thoát nghèo. Ảnh: Anh Tuấn

 

Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, chị Thìn kể cho tôi nghe câu chuyện thoát nghèo của mình. Chị cho biết: Vốn là cô gái dân tộc Mường, ngày trước, do chưa hiểu hết ý nghĩa của con chữ nên lớn lên chẳng theo học một ngành nghề nào mà ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nông. 

Đến tuổi “cập kê” thì chị đi lấy chồng. Gia cảnh nhà chồng cũng không dư giả nên anh chị nhờ cậy vào bố mẹ đẻ. Thương con gái, bố mẹ chị “cắt” cho mảnh đất để vợ chồng dựng tạm căn nhà cấp bốn lợp fibro xi măng và vài sào ruộng để “làm vốn”. Nhận “của hồi môn”, hai vợ chồng chăm chỉ bảo ban nhau cày, cấy. Thế nhưng do thiếu kiến thức kỹ thuật nên mùa màng thường thất bát, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng kém phát triển. 

Để có thu nhập cho gia đình, chồng chị đành “khăn gói” lên đường làm thuê tận bên nước bạn Lào. Cuộc sống gia đình càng khó khăn hơn khi năm 2012, chị sinh cô con gái thứ hai. Ca sinh nở tốn nhiều chi phí do phải mổ phẫu thuật. 

Chị Thìn tâm sự: “Thực sự, lúc bấy giờ gia đình tôi hoàn toàn suy sụp vì tiền lương không có, bao nhiêu vốn liếng trông chờ vào hạt thóc, củ khoai cũng giành để mua sữa cho con. Cuộc sống gia đình lâm vào khốn khó, có lúc tôi nghĩ không biết khi nào mình mới vượt qua”...

Đó là câu chuyện khó khăn của chị Thìn 4 năm về trước. Còn hôm nay cuộc sống của chị đã được cải thiện hơn rất nhiều. Chị kể: năm 2013, gia đình tôi được cán bộ thôn, xã quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cho vay vốn từ nguồn vốn ưu đãi hộ nghèo. 

Được sự tư vấn của cán bộ khuyến nông, của chị em trong Chi hội phụ nữ thôn và từ thực tiễn làm nông nghiệp trong nhiều năm qua, chị Thìn quyết định đầu tư chăn nuôi bò để tận dụng đồng cỏ của vùng cao. Với số vốn ban đầu là 40 triệu đồng, chị mua một cặp bò và 1 con lợn mẹ. Số tiền còn lại chị dùng để đầu tư xây dựng chuồng trại, bởi hơn ai hết chị hiểu gia súc cũng cần phải được giữ ấm về mùa đông và bảo đảm thoáng mát về mùa hè. 

Để có nguồn thức ăn dồi dào cho gia súc, chị Thìn còn trồng cỏ voi ở vườn nhà. Những lúc rảnh, chị lại tranh thủ đi làm thuê để kiếm tiền trả lãi suất ngân hàng và nuôi con ăn học. Có kinh nghiệm trong chăn nuôi lại là người hay lam hay làm nên đàn bò, lợn của gia đình chị Thìn phát triển nhanh. Từ một cặp bò ban đầu, đến nay chị đã nhân lên 7 con và từ 1 con lợn mẹ, đến nay chị đã có thêm 4 con lợn mẹ. Từ đó cuộc sống gia đình chị đã vơi bớt khó khăn, năm 2015 gia đình chị đã thoát nghèo và chuyển số vốn đó cho những người nghèo khác trong thôn, xã được vay.

Trò chuyện với chị Thìn, chúng tôi nhận thấy người phụ nữ này,  ngoài sự cần mẫn, chịu thương chịu khó thì chị còn có tinh thần vươn lên khắc phục khó khăn và tư duy đổi mới. Chị Thìn cũng là một trong những người đầu tiên ở thôn mua máy cắt cỏ voi phục vụ việc nuôi bò. 

Chị nói: Khi tôi mua máy cắt cỏ voi, có người bảo “đã nghèo lại lười”. Nhưng tôi thì không nghĩ vậy. Chính chiếc máy này đã giúp tôi tiết kiệm được thời gian, công sức, hơn nữa lại có thể tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi.

Nói về chuyện thoát nghèo, chị Thìn cười vui, bảo: Tôi không xấu hổ khi mình từng là hộ nghèo, nhưng cũng không cho phép mình được tái nghèo nữa. Bây giờ chỉ mong sao có sức khỏe để cùng chồng con vun đắp cuộc sống mới, mà ưu tiên hàng đầu là lo cho con cái học hành đầy đủ, không được để thất học như bố mẹ. Có như vậy chúng mới không khổ.

Hiện nay, cô con gái lớn của chị Thìn đang học lớp 8, còn cô con gái thứ hai đã bước sang tuổi thứ 5. Cả hai cháu đều chăm ngoan, học giỏi. Đánh giá về mô hình vươn lên thoát nghèo của gia đình chị Thìn, đồng chí Đoàn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Long cho biết: Cách thoát nghèo và suy nghĩ về đầu tư sự học cho con cái là điều mà không phải phụ nữ Mường nào cũng làm được như chị Thìn. Chị là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

Mai Lan (baoninhbinh.org.vn)

 



 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.