MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1072450
Số người trực tuyến:3
CÁCH LÀM SÁNG TẠO
 Hiện nay, nông nghiệp sạch không còn là khái niệm mới mẻ mà đã thực sự trở thành nguồn cảm hứng được nhiều người, trong đó có các bạn trẻ theo đuổi khi khởi nghiệp.

 Anh Nguy?n Van Biên ki?m tra ch?t lu?ng t?o xo?n.

 Anh Nguyễn Văn Biên kiểm tra chất lượng tảo xoắn.

Nuôi trồng thành công tảo xoắn Spirulina

 
Là giáo viên dạy toán nhưng thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Biên ở thôn 3, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp lại đang sở hữu “bí kíp” nuôi trồng và chế biến một loại dược liệu vô cùng quý giá - tảo xoắn Spirulina.

“Vài năm trước cha tôi bị tai biến khá nghiêm trọng, ông đi lại, ăn uống kém nên không đủ sức khỏe để đáp ứng điều trị. Gia đình lo lắng, mua đủ các loại thuốc tẩm bổ mà chẳng mấy hiệu quả, thế rồi có người mách cho ông uống tảo khô của Nhật, sau một thời gian sức khỏe ông tốt lên rất nhiều. Từ đó, mỗi khi rảnh tôi lại lên mạng Internet tìm hiểu về loại tảo kỳ diệu này, càng đọc càng thấy say mê.

Từ đó tôi nảy ra ý tưởng tại sao không trồng thử”, thầy Biên kể về cơ duyên đến với cây tảo xoắn Spirulina. “Những lần nuôi đầu tiên, mặc dù tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn như trên Internet nhưng tảo vẫn chết. Đến khi đọc thêm tài liệu tôi mới phát hiện tảo xoắn rất dễ bị sốc và chết khi thay đổi đột ngột môi trường sống, kể cả về ánh sáng, lượng ô xy… cho nên phải cấy và nuôi thích nghi tảo giống trước. Ngoài ra, môi trường nuôi cũng như nguồn nước phải tuyệt đối sạch, hạn chế cao nhất sự xâm nhập các loại vi khuẩn và bụi bẩn”, thầy Biên nhớ lại.

Ông trời không phụ công người, sau thời gian kiên trì mày mò, thử nghiệm, Nguyễn Văn Biên đã tìm ra được phương pháp nuôi phù hợp. Những mẻ tảo xoắn đầu tiên cho thu hoạch trong niềm vui sướng của cả gia đình. Với thành công bước đầu này, thầy Biên bàn với vợ (cũng là giáo viên dạy hóa) đầu tư 150 triệu đồng để làm nhà nuôi, mua giống và các trang thiết bị để mở rộng quy mô sản xuất. Trên diện tích 50 m2, trung bình mỗi tháng gia đình thầy Biên xuất bán ra thị trường được hơn 15kg tảo xoắn tươi dạng ép viên, giá 1 triệu đồng/1kg, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Thầy Nguyễn Văn Biên cho biết: Tảo xoắn Spirulina được ví như một loại “siêu thực phẩm” có chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Tuy nhiên hiện nay loại thực phẩm này chưa được người tiêu dùng biết đến nhiều, hơn nữa ở Việt Nam cũng không có mấy nơi sản xuất được nó. Thời gian tới,  gia đình sẽ mở rộng quy mô sản xuất lên 250 m2. Ngoài tảo tươi đông lạnh thì làm thêm tảo khô và các sản phẩm dinh dưỡng kết hợp khác, qua đó đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm đa dạng, giàu dinh dưỡng với giá cả hợp lý so với các sản phẩm nhập ngoại.

Làm giàu từ trồng hẹ xuất khẩu
 
 
Trồng hẹ xuất khẩu luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật từ khi trồng đến khi thu hoạch.

Tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản nhu cầu về nông sản là rất lớn, đặc biệt là rau xanh. Tuy nhiên, cùng với đó là những yêu cầu khá khắt khe, nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, chứng nhận xuất xứ, kiểm dịch… ấy vậy mà, 3 năm nay, thông qua Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, anh Đoàn Văn Mười ở thôn Bãi Sải, xã Quang Sơn (thành phố Tam Điệp) đã sản xuất và bán sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản 500-600 tấn rau hẹ tươi, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Khu đất hơn 2 ha trồng hẹ được anh Mười đầu tư xây dựng từ năm 2017 với hệ thống máy bơm, bể nước, hàng rào… Theo anh, quy trình trồng hẹ xuất khẩu phải đảm bảo nghiêm ngặt, giống do Công ty cung cấp, đất được xới tơi bằng tay, nước tưới bằng hệ thống phun sương. Mọi công đoạn từ khi trồng đến chăm sóc đều thuận theo tự nhiên, hạn chế tối đa sử dụng hóa chất. Cây hẹ để xuất khẩu cũng phải đảm bảo về kích cỡ, được phân loại, làm sạch, đưa vào kho lạnh ngay sau khi thu hoạch.

Anh Mười cho biết: Làm hàng nông sản xuất khẩu tuy khó mà dễ. Chỉ cần tuân thủ đầy đủ các quy định phía đối tác yêu cầu là được bởi chúng ta có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng hơn đất nước họ.

Hẹ là cây trồng dễ tính, trồng một lần nhưng thu hoạch được nhiều năm, trung bình mỗi tháng cho thu hoạch một lứa. Năng suất đạt 22-25 tấn/ha/lần thu hái. Với giá bán 4.000đồng/kg, mỗi năm từ 2 ha hẹ anh Mười có thu nhập trên 300 triệu đồng.

Say mê sản xuất rau mầm

Chị Nguyễn Thị Phượng với các khay rau mầm thành phẩm.

Nhận thấy nhu cầu rau sạch của người tiêu dùng, từ năm 2017, Nguyễn Thị Phượng, sinh năm 1988, ở xã Khánh Thượng (huyện Yên Mô) đã khởi nghiệp với sản phẩm rau mầm từ số vốn vẻn vẹn 5 triệu đồng và diện tích sản xuất 20 m2. “Phải mất nửa năm thất bại tôi mới làm rau mầm thành công. Khi làm ra được rau rồi thì lo đi tìm nơi tiêu thụ. Năm nay, công việc làm ăn mới suôn sẻ”, Nguyễn Thị Phượng cho biết.
Rau mầm được chị Phượng trồng trong các khay, tận dụng khoảng sân sau nhà, phòng khách và cả trong bếp để đặt. Không phân hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật cũng chẳng chất kích thích, trồng hoàn toàn bằng xơ dừa trộn với phân vi sinh và dùng nước sạch để tưới.

Theo chị Phượng, để trồng rau mầm thành công, cần đảm bảo 5 yếu tố: Giống tốt, nhiệt độ, độ ẩm phù hợp, môi trường và nước tưới phải sạch. Quy trình làm rau mầm là 4 ngày rưỡi. Ngày thứ nhất, gieo hạt xong phải đậy lại, che tối hoàn toàn. Ngày thứ hai, chuyển đến nơi có ánh sáng vừa phải. Ngày thứ ba là ánh sáng hơi nhiều và ngày thứ tư là ánh sáng hoàn toàn, cũng là thu hoạch luôn”.

Mỗi tháng Nguyễn Thị Phượng xuất bán ra thị trường khoảng 4-5 tạ rau thành phẩm, trừ các khoản chi phí thu lãi 10-15 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ rau mầm của chị chủ yếu là các nhà hàng, khách sạn và hệ thống cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Chị Phượng chia sẻ: “Mình luôn mong muốn gắn bó với nông nghiệp sạch và phát triển có chiều sâu, lâu bền”.

Qua câu chuyện của thầy giáo Biên, anh Mười, chị Phượng cho thấy, dù họ đến với nông nghiệp sạch với những lý do khác nhau nhưng có một điểm chung là họ đều làm bằng tất cả niềm đam mê, sự tử tế và có kiến thức. Điều này cho thấy sự chuyển động đáng khích lệ, không chỉ là hướng đi mới để tìm kiếm giá trị kinh tế mà còn là sự khởi đầu cho một nền nông nghiệp vì môi trường, vì sức khỏe cộng đồng.

 Bài, ảnh: Hà Phương (baoninhbinh.org.vn)


 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.