MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1072307
Số người trực tuyến:4
KHUYẾN NÔNG
 

 1. Chuẩn bị ruộng nuôi

 

 

Chọn những ruộng có diện tích từ 2000-3000m2, bờ bao cao hơn mực nước lũ cao nhất từ 0,3-0,4m. Thiết kế và xây dựng mương trú có chiều ngang 4-5 m, độ sâu từ 0,8-1,2m xung quanh ruộng. Xung quang bờ ruộng phải chắn lưới để ngăn chặn địch hại lọt vào ruộng. Lưới chắn phải được chôn sâu và chặt, phân cách đều từng khoảng cách có cột chống để tránh bị đổ ngã. Trong khi chuẩn bị mương trú để thả cá, vẫn tiến hành làm đất ruộng để gieo sạ hoặc cấy lúa.

 

2. Cỡ cá thả và mật độ

 

Chọn cá khỏe mạnh, không bị sây sát, nhiều nhớt, màu sắc thân sáng và bơi lội nhanh nhẹn, có trọng lượng thân từ 4-5g/con (200-300con/kg).

 

Mật độ thả cá giống 2-3 con/m2. Cá được tắm muối 2,5% từ 1-2 phút trước khi thả nuôi.

 

Nên thả vào lúc sáng sớm hoặc buổi chiều. Lúa sau khi cấy hoặc sạ được 20 ngày trở lên hoặc khi cây đã bén rễ chắc thì mới dâng cao mực nước trong mương để cá tự động tràn lên ruộng lúa.

 

Có thể thả ghép một số cá khác nhưng đối tượng nuôi đó không cạnh tranh thức ăn với rô đồng như mè vinh, cá chép, sặc rằn. Lượng cá thả ghép từ 15-20% về số lượng đầu con. Cỡ cá thả ghép nên tương đương với với kích cỡ của cá rô đồng. Thả cá ghép cùng lúc với cá rô đồng.

 

3. Thức ăn cho cá

 

 

Cá có thể sử dụng thức ăn tự nhiên sẵn có trong mương và trên ruộng lúa cấy. Ngoài thức ăn tự nhiên, nên bổ sung thức ăn chế biến cho cá tương tự như nuôi cá trong ao. Nếu không đủ thức ăn chế biến, có thể bổ sung bằng nhiều loại khác như thóc lép, bèo tấm, rau lang, rau muống, rau cải băm nhuyễn.

 

Nếu sử dụng thức ăn chế biến nên tính khẩu phần ăn từ 8-10% trọng lượng cá trong tháng đầu và giảm dần vào các tháng sau. Ngoài ra, hàng ngày phải căn cứ vào mức độ ăn, đồng thời theo dõi môi trường nước nuôi như màu sắc, mùi nước… để điều chỉnh kịp thời lượng thức ăn cấp cho cá.

 

Thường xuyên kiểm tra bờ bao, cống và sửa chữa lưới chắn, lưới bị rách, hở chân. Phải lấp ngay các hang cua, rắn chuột, ếch; tìm cách bắt cá lóc, cá dữ khác lọt vào mương, ruộng. Hàng tháng dùng chài để kiểm tra mức độ tăng trưởng của cá, để tính toán và bổ sung lượng thức ăn hợp lý.

 

Định kỳ thay nước hàng tuần. Khi thấy nước trong mương có màu xanh quá đậm hoặc chuyển màu nâu và có mùi hôi, phải nhanh chóng tháo bỏ nước cũ và thay nước mới.

 

Khi phát hiện cá bị bệnh, phải ngưng cho ăn, thay nước mới sạch, nhanh chóng chẩn đoán bệnh để có biện pháp xử lý và điều trị kịp thời.

 

Hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian ruộng đang nuôi cá. Trong trường hợp bắt buộc sử dụng, phải rút nước trên ruộng và dồn hết cá xuống mương trú. Sau khi cá đã xuống hết dưới mương, kiểm tra kỹ bờ ngăn giữa ruộng và mương đảm bảo không bị rò rỉ xuống mương mới phun thuốc cho lúa. Cần phải xem xét thời tiết để quyết định thời gian phun thuốc hợp lý, không phun thuốc vào thời điểm sắp có mưa. Cũng nên chọn những loại thuốc ít độc hại cho cá, tôm và con người.

 

Sau khi phun thuốc, tùy vào tính độc hại và thời hạn tác dụng của thuốc, phải tính toán thời gian an toàn để thuốc bảo vệ thực vật hết tác dụng mới đưa cá lên ruộng trở lại.

 

4. Nuôi cá lưa qua hai vụ lúa

 

 

Thường sau một vụ lúa (4 tháng), cá chưa đạt cỡ thương phẩm nên phải nuôi tiếp tục vụ lúa thứ hai. Trước khi thu hoạch lúa, cần có biện pháo dồn cá trên ruộng xuống mương triệt để, không để sót cá trên ruộng nhằm tránh hao hụt khi thu hoạch lúa và làm đất. Có thể thu tỉa cá cỡ lớn và tránh làm sây sát số cá còn lại.

 

Thời gian sống trong mương trú, do đã lớn nên không gian hoạt động của cá bị hạn chế, cần phải thường xuyên thay nước và cấp nước mới để không ảnh hưởng đến sự phát triển của cá. Giai đoạn này phải tăng cường thức ăn và quản lý giống như nuôi trong ao. Sau khi thu hoạch lúa, tiếp tục bừa trục và làm đất gieo sạ hoặc cấy lúa trở lại rồi đưa cá tràn lên ruộng khi cây lúa đã lớn và bén rễ chắc.

 

Trường hợp không làm vụ lúa thứ hai, sau khi thu hoạch lúa, để nguyên gốc rạ rồi dâng nước ngập toàn bộ mương và ruộng để lúa chét, tiếp tục quản lý và chăm sóc cá cho đến khi thu hoạch.

 

Nguồn: TTKNKNQG



 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.