MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1074843
Số người trực tuyến:1
MÔ HÌNH HAY
Dựa vào lợi thế từ thiên nhiên cùng với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong các khâu sản xuất, những năm gần đây, sản phẩm mật ong rừng của HTX sản xuất và tiêu thụ mật ong Cúc Phương đã nâng cao được giá trị đồng thời, tạo việc làm, mang lại nguồn thu nhập cao, đưa mô hình kinh tế tập thể ngày một lớn mạnh, bền vững.

 

 Mô hình nuôi ong của HTX Sản xuất và Tiêu thụ mật ong Cúc Phương. Ảnh: Thành Trung

Rừng quốc gia Cúc Phương được biết đến là khu rừng nguyên sinh lớn nhất Việt Nam với thảm thực vật vô cùng phong phú. Tận dụng lợi thế này, những năm qua, người dân xã Cúc Phương đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Tuy nhiên trước đây, hoạt động nuôi ong và thu hoạch mật được tiến hành với quy mô nhỏ lẻ và mang tính tự phát, hiệu quả kinh tế chưa cao. Để phát huy lợi thế của vùng, nâng cao đời sống cho hội viên, tháng 4/2021, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ thành lập HTX Sản xuất và Tiêu thụ mật ong Cúc Phương với 42 thành viên. Các hộ nuôi ong đã liên kết với nhau nhằm xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, phát triển hơn nữa nghề nuôi ong lấy mật.

 

HTX Sản xuất và Tiêu thụ Mật ong Cúc Phương hoạt động trên cơ sở các thành viên tự nguyện cùng góp vốn, góp sức, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy mới thành lập hơn 2 năm, nhưng các hoạt động của HTX đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Hiện nay, trung bình HTX thu hoạch gần 50.000 lít mật mỗi năm, ước tính doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng. 

 

 Mỗi hộ thành viên có thể nuôi từ 50 - 70 đàn ong, thậm chí có hộ nuôi lên đến 100 đàn. Ảnh: Thành Trung

 

Theo ông Bùi Văn Thuận - một trong những hộ nuôi ong có thâm niên xã Cúc Phương, đồng thời cũng là Giám đốc HTX Sản xuất và Tiêu thụ Mật ong Cúc Phương, Vườn quốc gia Cúc Phương rất đa dạng các loài hoa cho đàn ong lấy mật: Tháng 3, tháng 4 là hoa vải hoa nhãn nở rộ trong vườn nhà; những tháng còn lại là hoa rừng… vì vậy nguồn thức ăn tự nhiên cho ong luôn dồi dào. Đây cũng chính là điều làm nên sự khác biệt về chất lượng mật so với nhiều địa phương khác.

Mỗi hộ có thể nuôi từ 50 - 70 đàn ong, hộ nuôi nhiều có thể lên đến 100 đàn. Năm nay, quy mô nuôi ong của HTX đã đạt khoảng 3.300 đàn, tăng gần 1.000 đàn so với năm ngoái. Trong một năm, nếu gặp thời tiết thuận lợi sẽ có thể khai thác mật tới 12 lần. Bình quân mỗi đàn ong cho thu hoạch từ 13 - 14 lít mật/năm.

Giá bán mật ong chưa chiết khấu khoảng 380.000 đồng/lít, sau khi chiết khấu còn khoảng 290.000 đồng/lít. Các sản phẩm của HTX chủ yếu vẫn tiêu thụ theo cách thức truyền thống là bán trực tiếp cho khách quen hoặc liên kết với thương lái để bán với số lượng lớn.

 

 Sản phẩm mật ong rừng Cúc Phương đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Ảnh: Thành Trung

Ông Đinh Minh Châu là một trong những thành viên của HTX sản xuất và tiêu thụ Mật ong Cúc Phương. Hiện nay, ông Châu là một trong những người sở hữu nhiều đàn ong nhất hiện nay ở Cúc Phương với trên 200 đàn ong mật. Ông Châu chia sẻ, gia đình ông nuôi ong mật đã lâu. Đến khi tham gia vào HTX thì việc chăn nuôi cho hiệu quả hơn nhiều. Ở trong HTX, các thành viên được chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau về kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ thị trường tiêu thụ… ông Châu mạnh dạn mở rộng đàn, mỗi năm cung cấp hơn 2 tấn mật ra thị trường.

 

Những người có kinh nghiệm trong HTX thường xuyên đi sát, hướng dẫn các hội viên về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ bệnh, đến từng gia đình, kiểm tra từng tổ ong, hướng dẫn cho hội viên các phương pháp tạo chúa, san đàn, quay mật... Đồng thời, hướng dẫn hội viên từ quy trình làm hòm ong sao cho phù hợp với điều kiện thời tiết theo mùa để ong phát triển tốt, cho ra nhiều sản phẩm như: Loại thùng ong bằng đất, bằng gạch mộc, bằng tre, bằng thùng gỗ…

 

Vì vậy những năm qua, đàn ong của HTX không bị dịch bệnh, năng suất mật ngày một tăng, chất lượng mật ngày càng tốt hơn. Mặt khác, sinh hoạt trong CLB, các hộ nuôi ong còn bắt tay liên kết với nhau, tìm và giới thiệu sản phẩm cũng như tiêu thụ sản phẩm… Nhờ sự hỗ trợ thiết thực đó, nhiều hội viên đã bắt đầu nuôi nhiều và có thu nhập cao từ nghề nuôi ong.

 

Để tối ưu hóa các khâu sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, thời gian qua, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, HTX đã đầu tư các thiết bị máy móc phục vụ các công đoạn sản xuất. Mỗi sản phẩm đều có tem, mã vạch riêng truy xuất nguồn gốc, được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm.

 

Sản phẩm mật ong rừng Cúc Phương đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Mỗi năm, tổng lượng mật ong thu được trên địa bàn xã ước khoảng 40 tấn, riêng lượng mật từ các thành viên trong HTX đạt khoảng 30 tấn mỗi năm, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên HTX và nhân dân quanh vùng, là hướng phát triển nông nghiệp sạch, bền vững.

Ngoài ra, HTX còn được tập huấn cách quảng bá thương hiệu ứng dụng các nền tảng mạng xã hội, gian hàng điện tử góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Nhờ cách làm nông nghiệp hiện đại, nghề “thu mật ngọt tinh hoa” của rừng già đang giúp người dân Cúc Phương có cuộc sống ngày một khấm khá, khẳng định vị thế của các cấp Hội Nông dân trong công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay.

Thành Trung

 

 

 

 



 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.