MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1074930
Số người trực tuyến:7
MÔ HÌNH HAY
Nhờ chuyển đổi diện tích sau dồn điền đổi thửa, chị Nghiêm Thị Loan, hội viên phụ nữ xóm Chùa, xã Yên Từ (huyện Yên Mô) đã đầu tư trồng các loại cây ăn quả kết hợp chăn nuôi thủy sản và một số con nuôi khác trên diện tích gần 1.000m2, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, mở ra triển vọng về mô hình cây-con hiệu quả phù hợp với đồng đất địa phương.
 
 

Những cây bưởi đường Cát Quế sai trĩu quả sẽ được chị Loan bán vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới.

Chị Nghiêm Thị Loan cho biết: Cách đây 3 năm, do không có vốn đầu tư, lại  không có người làm, nên diện tích đất vườn của gia đình sau dồn điền đổi thửa hầu như không tận dụng được. Nhiều diện tích đất bỏ không cho cỏ mọc hoặc trồng các loại cây truyền thống, nuôi mấy con nuôi tận dụng được, nên hiệu quả kinh tế không cao.
Đến cuối năm 2018, được Hội Phụ nữ xã Yên Từ cho vay vốn từ Quỹ vốn vay giải quyết việc làm của tổ chức Hội 30 triệu đồng, chị Loan bỏ thêm kinh phí mà gia đình tiết kiệm được, quyết tâm đầu tư mô hình trồng cây, nuôi con khép kín. 
Cùng với thuê máy móc đào ao trên diện tích hơn 300m2, chị phân bố các khu vườn để trồng các loại cây ăn quả phù hợp. Mô hình được thiết kế đảm bảo khoa học, hài hòa, ngoài cung cấp đủ nước tưới cây còn đảm bảo diện tích mặt nước để thuận lợi cho nuôi tôm thẻ và thả các loại cá.
Trong quá trình phát triển mô hình kinh tế gia đình, chị Nghiêm Thị Loan tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển đổi cây con, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật do Hội Phụ nữ và Hợp tác xã Yên Từ tổ chức. Đồng thời tham khảo, đi tham quan tại các mô hình kinh tế đã phát triển theo hướng mình đang xây dựng, lấy tiêu chí các loại cây, con nuôi phải phù hợp với đồng đất quê hương để áp dụng vào mô hình cho gia đình mình.
Sau 3 năm đầu tư, tích cực quay vòng, lấy ngắn nuôi dài, trồng xen canh, nuôi gối vụ các loại cây, con, mô hình kinh tế của chị Nghiêm Thị Loan dần dần cho thu hoạch. 2 năm trước đây, mỗi năm đã cho thu hoạch hơn 200 triệu đồng/năm, trừ các loại chi phí cũng thu về số lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Đến năm nay, nhiều loại cây trồng bắt đầu cho thu hoạch, với số quả đạt chất lượng và số lượng nhiều hơn do đã qua kỳ cây bói quả.
Hiện mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Loan đang có hàng trăm cây ăn quả các loại, với đa dạng các loại, như hàng trăm gốc bưởi đường Cát Quế, rất sai quả, được chị hãm bán phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán, với giá bán vài chục nghìn đồng/quả. Cùng với đó là hàng trăm cây mít Thái, hồng xiêm, na, táo, ổi.... cho thu hoạch quanh năm. 
Trên diện tích mặt nước, chị Loan nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt, 1 năm nuôi 2 lứa, mực nước sâu chị nuôi thêm cá trắm, trôi, mè..., mỗi năm cũng cho thu hoạch hàng chục tấn tôm, cá các loại.
Trên diện tích vườn trồng cây ăn quả, chị cũng tận dụng nuôi thêm gà, ngan, vịt, chó... Tổng mức thu nhập hàng năm hiện nay trừ chi phí cũng cho lãi hàng trăm triệu đồng, nâng tổng giá trị kinh tế trên diện tích canh tác vào khoảng 500 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. 
Đặc biệt, nguồn thu này tương đối ổn định, bởi các cây ăn quả hiện đã trồng được vài năm, đến kỳ thu hoạch rộ, còn các con nuôi thì sau vài năm rút kinh nghiệm, chị Loan chọn lọc chỉ nuôi những loại con nuôi vừa dễ chăm sóc vừa cho giá trị kinh tế khá, có đầu ra ổn định...
Chị Nghiêm Thị Loan cho biết, trong quá trình phát triển mô hình kinh tế, cũng có những cây trồng và con nuôi cho thấy không phù hợp, hiệu quả kinh tế không đạt được như mong muốn, thì cần phải được thay thế loại khác hoặc giảm số lượng trồng, nuôi. Đồng thời đầu tư, nhân rộng thêm các loại cây, con cho giá trị kinh tế cao hơn. Với mỗi người nông dân, việc thử sức và mạnh dạn với các loại cây trồng, con nuôi mới có ý nghĩa rất quan trọng, có thể mở ra hướng phát triển cho bản thân mỗi gia đình và rộng hơn là cho người dân địa phương.
Theo chị Lê Thị Dịu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Từ (huyện Yên Mô), trước đây, những diện tích như thế này được nhân dân cấy lúa nhưng kém hiệu quả, năng suất đạt thấp, không ổn định. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Hội Phụ nữ xã khuyến khích và tạo điều kiện về nguồn vốn, kỹ thuật, động viên chị em phụ nữ phát triển kinh tế gia đình bằng nhiều hình thức. 
Từ mô hình phát triển kinh tế trồng cây ăn quả và chăn nuôi bước đầu thành công của gia đình chị Nghiêm Thị Loan cho thấy, nếu mạnh dạn chuyển đổi và quyết tâm học hỏi, phát triển kinh tế đúng hướng, thì việc làm giàu tại quê hương không khó.
Kim Duyên
 


 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.