MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1072173
Số người trực tuyến:7
MÔ HÌNH HAY
 Trang bị kiến thức, kỹ năng, tích cực chuyển giao KHKT để người dân đủ năng lực vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, là cách làm của các xã vùng đặc biệt khó khăn (xã 135) của huyện Nho Quan trong thời gian qua.
 

 

Mô hình nuôi lợn của gia đình anh Trịnh Hoàng Cương mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những cách làm đó góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo ở các xã giảm nhanh và bền vững. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 4,92%. Huyện Nho Quan chỉ còn 5 xã và 5 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn (giảm 26 thôn đặc biệt khó khăn so với giai đoạn 2013-2015). 

Anh Trịnh Hoàng Cương vốn xuất thân trong một gia đình nghèo ở xã Thạch Bình. Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh Cương thi vào Trường cao đẳng Thú y để có thể vừa học, vừa làm. Sau hơn 3 năm học, anh Cương rời quê vào miền Nam làm quản lý cho một trang trại nuôi lợn lớn. Hơn chục năm làm việc, vốn liếng thu được không chỉ là hàng trăm triệu đồng tích cóp được, mà quan trọng hơn là những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn để anh Cương tự tin lên tàu về quê lập nghiệp.

Tận dụng diện tích đất rộng của gia đình, anh Cương vay mượn hơn 1 tỷ đồng để xây dựng trang trại và mua giống lợn cỏ để nuôi. Khi mới lập nghiệp, anh Cương gặp nhiều khó khăn về giống, vốn... Nhưng tin tưởng vào hướng đi của anh Cương, gia đình, họ hàng, làng xóm, đặc biệt là Đoàn thanh niên xã động viên, hỗ trợ cho vay vốn không lấy lãi, tạo điều kiện cho anh tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, bắt tay vào công việc chăn nuôi. 

Việc làm ăn có thời điểm bị lỗ hàng trăm triệu đồng. Nhưng với bản lĩnh được rèn luyện, với những kiến thức được tích lũy, anh Cương tự tin phân tích nguyên nhân để đưa ra biện pháp ứng phó. Đến nay, nuôi lợn vẫn mang lại cho anh Cương nguồn thu nhập tốt. "Nhờ áp dụng tốt các kiến thức về khoa học kỹ thuật, đồng thời vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm trong hơn chục năm vừa học vừa làm, đến giờ đàn lợn của gia đình tôi chưa bao giờ bị dịch bệnh"- anh Cương cho biết.

Trung bình mỗi năm, anh Cương thu được từ 600-700 triệu đồng, có năm đạt doanh thu 1 tỷ đồng từ mô hình chăn nuôi lợn. Làm không xuể việc, anh Cương còn thuê thêm 2 lao động địa phương với mức lương từ 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng. 

Ông Đinh Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình khẳng định: Vẫn là một vùng đất cằn với rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, nhưng Thạch Bình đang dần được chinh phục bởi sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, biết cách vận dụng sáng tạo kiến thức vào thực tiễn của người dân. Hiện nay, tại địa phương ngày càng xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế lớn, cho hiệu quả cao như gia đình anh Cương. 

Đối với xã vùng cao Kỳ Phú, trong năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nếu như cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 6,83% thì chỉ một năm sau đó, cuối năm 2020, tỷ lệ này chỉ còn 2,41%.

Ông Bùi Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú khẳng định: Qua rà soát cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo ở những hộ gia đình còn sức lao động, là do thiếu kiến thức làm ăn. Vì vậy, chúng tôi xác định rõ, việc trang bị kiến thức cho người dân được xem là giải pháp hiệu quả để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế tại địa phương.

Theo đó, một mặt, địa phương phát huy tối đa hiệu quả vai trò của người uy tín trong thôn bản trong việc tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên. Đồng thời, cung cấp kiến thức, kỹ năng và giới thiệu các mô hình giảm nghèo hiệu quả để đồng bào dân tộc thiểu số vận dụng vươn lên thoát nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Bên cạnh đó, Kỳ Phú cũng tranh thủ sự phối hợp của các ngành, đoàn thể tổ chức các buổi chuyển giao KHKT, hướng dẫn nông dân cách làm nghề nông một cách có hiệu quả. Đồng thời, tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động trẻ, phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Có tay nghề, nhiều lao động trong xã đã tìm được việc làm. Hiện, toàn xã có trên 700 lao động đang đi làm việc tại các công ty, xí nghiệp trong các lĩnh vực dày da, may mặc, điện tử… với mức thu nhập ổn định. 

Đối với người nông dân, bà con đã ứng dụng KHKT vào sản xuất, lựa chọn được cây trồng, con nuôi phù hợp với thị trường. Hiện nay, xã đã thành lập được 1 HTX nuôi hươu lên đến hàng nghìn con. Hươu được chăm sóc tốt nên chất lượng nhung và thịt hươu thương phẩm được thị trường ưa chuộng. Xã cũng đang hỗ trợ người dân thành lập thêm 1 HTX nuôi dê và nuôi lợn. Khi tham gia vào các HTX này, các thành viên được chia sẻ kỹ thuật, kỹ năng chăm sóc vật nuôi và thị trường tiêu thụ, thực sự vươn lên làm giàu từ nông nghiệp.

Ông Bùi Văn Thể, Trưởng phòng Dân tộc huyện Nho Quan khẳng định: Thực tế cho thấy, muốn hỗ trợ đồng bào thoát nghèo, vươn lên làm giàu thì vấn đề đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số được coi là nhiệm vụ then chốt.

Theo đó, huyện Nho Quan đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cung cấp thông tin, kiến thức về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân trên địa bàn vùng khó khăn. Trong giai đoạn 2017-2020, huyện đã thực hiện cấp phát không thu tiền 18 loại ấn phẩm, báo, tạp chí cho các đối tượng thụ hưởng là các cơ quan, đơn vị, người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, với số lượng trên 132 nghìn tờ.

 Huyện Nho Quan cũng phối hợp tổ chức các hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng. Công tác khuyến nông, khuyến lâm và ứng dụng KHKT vào sản xuất được triển khai rộng khắp, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi trên địa bàn.

Ông Bùi Văn Thể, Trưởng phòng Dân tộc huyện Nho Quan cho biết thêm: Mục tiêu đến cuối năm 2021 này, tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo các chương trình giáo dục nghề nghiệp phấn đấu đạt trên 31% và đến năm 2030, phấn đấu sẽ đưa tỷ lệ này lên trên 45%.

Đặc biệt, trong năm 2021 này, huyện phấn đấu đạt 50% số lao động người dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi được cung cấp thông tin thị trường lao động, việc làm, để có thể lựa chọn cho mình một cơ hội việc làm phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống… 

Bài, ảnh Đào Hằng (baoninhbinh.org.vn)



 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.