MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1072391
Số người trực tuyến:2
MÔ HÌNH HAY
 Những năm qua, ngành Nông nghiệp tiếp tục được tái cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững, sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 đạt 9.219,3 tỷ đồng, tăng 3,15% so với 2019. Đây là kết quả quan trọng để Ninh Bình bước vào hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp.
 

 

Mô hình trồng hoa công nghệ cao của nông dân xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Ninh Bình đã tập trung phát triển ngành nông nghiệp với các sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường, nông nghiệp hữu cơ có giá trị cao, có lợi thế xuất khẩu phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh. 

Trong giai đoạn 2020-2025, nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện và ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vữngTốc độ tăng giá trị sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân đạt 2,03%/năm. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt 135 triệu đồng, vượt mục tiêu kế hoạch. 

Riêng năm 2020, giá trị sản xuất toàn ngành đạt 9.214 tỷ đồng, tăng 3,15% so với năm 2019. Sản lượng lương thực có hạt đạt gần 462,2 nghìn tấn, đạt 98% kế hoạch. Diện tích lúa đặc sản chất lượng cao chiếm 7,4% diện tích, tăng so với năm 2019. Sản xuất thủy sản tiếp tục khẳng định là ngành mũi nhọn của ngành nông nghiệp, phát triển mạnh cả về nuôi trồng và khai thác; tổng sản lượng thủy hải sản ước đạt 60,7 nghìn tấn, tăng 10,2%.

Tỉnh đã tập trung triển khai các biện pháp canh tác tiên tiến, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất; chuyển đổi tập quán sản xuất nông nghiệp thủ công, phụ thuộc vào thời tiết sang sử dụng nhà lưới, nhà kính; ứng dụng công nghệ tưới và bón phân tự động tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa an toàn... 

Năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai thực hiện 3 đề tài khoa học cấp tỉnh, 5 sáng kiến cấp tỉnh, 32 sáng kiến cấp cơ sở và 52 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, an toàn thực phẩm. 

Các địa phương trong tỉnh cũng đã ưu tiên lựa chọn phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, tiếp nhận và chuyển giao cho nông dân những tiến bộ khoa học - kỹ thuật và các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện sinh thái được chọn lọc và đưa vào sản xuất.

Qua thực tế cho thấy, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã cho kết quả tốt và là cơ sở để lựa chọn áp dụng cho sản xuất đại trà. Nhiều địa phương, doanh nghiệp, HTX đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, theo hướng hữu cơ làm hướng đi chính, đầu tư hàng tỷ đồng và đã đạt được những thành công. 

Một số doanh nghiệp có tiềm năng trở thành doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Công ty Việt Xanh, huyện Yên Khánh đã hình thành chuỗi giá trị rau củ khép kín: sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, thu hoạch, chế biến, xuất khẩu. Công ty có vùng nguyên liệu rau, nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn; Công ty Cổ phần thủy sản Bình Minh, huyện Kim Sơn, nuôi tôm công nghệ cao...

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng phối hợp với các ngành, địa phương chuẩn hóa các sản phẩm OCOP như: hỗ trợ chuẩn hóa và xây dựng hồ sơ chất lượng sản phẩm; xây dựng tài liệu quản lý chất lượng nội bộ; xây dựng clip quảng bá sản phẩm; thiết kế hệ thống website, hộp đựng sản phẩm; hoàn thiện và in tem truy xuất nguồn gốc; xây dựng câu chuyện sản phẩm; chứng nhận tiêu chuẩn VietGap cho nguyên liệu đầu vào; chứng nhận tiêu chuẩn ISO... 

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo. Năm 2020, toàn tỉnh có thêm huyện Gia Viễn đạt chuẩn nông thôn mới, 06 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 05 xã đạt NTM kiểu mẫu và 68 thôn, khu dân cư đạt kiểu mẫu. Đến nay, Ninh Bình có 03 huyện Hoa Lư, Yên Khánh, Gia Viễn đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 106/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 91,4%. 

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, khẳng định vai trò "trụ đỡ" trong nền kinh tế, tuy nhiên việc chuyển dịch cơ cấu trong ngành nông nghiệp của tỉnh Ninh Bình vẫn còn chậm, nhất là lĩnh vực trồng trọt.  Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, tính ổn định chưa cao, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, bảo quản sau thu hoạch và dịch vụ nông nghiệp chưa phát triển; diện tích sản xuất hàng hóa tập trung gắn kết giữa sản xuất với chế biến, xuất khẩu chưa nhiều, công tác thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.

Để ngành nông nghiệp có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế hội nhập trong thời gian tới, tỉnh cần nghiên cứu ban hành những chính sách ưu tiên đầu tư cho hạ tầng nông thôn, hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu, hoàn thiện chính sách khuyến khích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ giúp giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm trong nước. 

Nguyễn Thơm - Hoàng Hiệp (baoninhbinh.org.vn)



 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.