MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1072249
Số người trực tuyến:3
TIN TỨC - SỰ KIỆN
 Nhằm triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội và phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đang triển khai mô hình điểm giao dịch xã tiêu biểu. Qua 1 năm hoạt động, mô hình được cấp ủy, chính quyền các địa phương và nhân dân đánh giá cao.

 

Điểm giao dịch xã Lưu Phương (Kim Sơn) đang triển khai xây dựng điểm giao dịch tiêu biểu.


Theo ông Phạm Đức Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh cho biết: Ngay sau khi có kế hoạch triển khai xây dựng điểm giao dịch xã tiêu biểu, Ngân hàng CSXH tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá cụ thể và hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện. 

Theo đó, tiêu chí đánh giá điểm giao dịch xã tiêu biểu gồm 3 nội dung: Điểm giao dịch xã, hoạt động điểm giao dịch xã và sự hài lòng của người dân. Trong mỗi nội dung có nhiều tiêu chí nhỏ với tổng điểm các tiêu chí là 100 điểm. Điểm giao dịch xã đạt từ 95 điểm trở lên mới đạt tiêu chuẩn điểm giao dịch xã tiêu biểu. 

Để triển khai có hiệu quả kế hoạch trên, Ngân hàng CSXH tỉnh đã chỉ đạo Phòng Nghiệp vụ tín dụng, các phòng giao dịch huyện, thành phố lựa chọn và đăng ký số lượng xây dựng điểm giao dịch xã tiêu biểu. Đồng thời, bố trí cán bộ đủ năng lực, điều kiện phụ trách xã và phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác tích cực triển khai. Kết quả từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã có 41 điểm giao dịch xã được công nhận điểm giao dịch xã tiêu biểu. 

Qua kết quả đánh giá việc thực hiện theo Bộ tiêu chí xây dựng điểm giao dịch xã tiêu biểu của Ngân hàng CSXH tỉnh cho thấy, điều thay đổi rõ nét nhất ở các điểm giao dịch này là chất lượng giao dịch được nâng lên. UBND các xã đã bố trí hội trường, lực lượng bảo vệ để Tổ giao dịch Ngân hàng CSXH làm việc thuận lợi. 

Tại các điểm giao dịch đều được bố trí đầy đủ các biển chỉ dẫn, niêm yết công khai nội quy giao dịch; hòm thư góp ý; niêm yết, cập nhật kịp thời thông báo chính sách tín dụng, thông báo lãi suất cho vay… ở những nơi dễ quan sát. Các điểm giao dịch thường xuyên duy trì lịch giao dịch cố định và lịch giao ban định kỳ hàng tháng kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật. 

Ngoài các nội dung trên, tại các điểm giao dịch tiêu biểu còn ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng và nêu cao tinh thần trách nhiệm của chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể trong việc nâng cao chất lượng tín dụng. 

Hàng tháng, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp xã đã bố trí thời gian tham gia họp giao ban để nắm bắt tình hình hoạt động và chỉ đạo các hội, đoàn thể nhận ủy thác cho vay, Trưởng Ban quản lý các thôn, khu phố, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) phối hợp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc và triển khai hiệu quả việc quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách tại địa phương. 

Trong các phiên giao dịch, các hội, đoàn thể nhận ủy thác đã bố trí lãnh đạo tham dự, giám sát suốt quá trình của phiên giao dịch; đôn đốc tổ trưởng các tổ TK&VV đến đúng giờ, tham dự cuộc họp giao ban đầy đủ, khi dự họp có sổ ghi chép. 

Các thành viên trong tổ giao dịch xã được giám đốc phòng giao dịch các huyện phân công trách nhiệm cụ thể, thực hiện đúng các quy trình nghiệp vụ và có thái độ giao tiếp, ứng xử văn minh... Vì vậy, hiệu quả giao dịch được nâng lên rõ rệt, thời gian giao dịch đã được rút ngắn so với trước đây. 

Đặc biệt đã có 100% các tổ TK&VV tham gia giao dịch; tỷ lệ giải ngân và tỷ lệ thu lãi tại điểm giao dịch đều nâng lên trên 98%; tỷ lệ thu nợ gốc đạt trên 90%. 

Chị Lưu Thị Hương, Tổ trưởng Tổ TK&VV xóm 1, xã Lưu Phương, huyện Kim Sơn cho biết: Từ khi triển khai điểm giao dịch xã tiêu tiểu, chất lượng mỗi phiên giao dịch tại xã đã nâng lên rõ rệt. Tác phong phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ các cấp, các hội, đoàn thể và cán bộ Ngân hàng CSXH ngày càng chuyên nghiệp. Người dân có ý thức hơn trong việc trả nợ gốc và lãi khi đến hạn, tỷ lệ nợ quá hạn từ đó giảm hẳn. 

Bên cạnh đó, chất lượng tư vấn được nâng lên giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Việc nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch xã không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận kịp thời nguồn vốn, mà còn tiết kiệm thời gian khi hàng tháng đến giao dịch giải ngân, trả nợ, gửi tiết kiệm.

Cũng theo ông Phạm Đức Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 143 điểm giao dịch xã. 

Để chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch xã trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, đóng góp hiệu quả hơn cho hoạt động tín dụng chính sách, thời gian tới Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục chỉ đạo phòng giao dịch các huyện phối hợp với 4 hội, đoàn thể nhận ủy thác tiếp tục phát huy vai trò tham mưu, lựa chọn, xây dựng các điểm giao dịch xã tiêu biểu. 

Đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra để củng cố, kiện toàn kịp thời đối với các điểm giao dịch hoạt động kém hiệu quả. 

Bài, ảnh: Hồng Giang (baoninhbinh.org.vn)


 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.