MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1072467
Số người trực tuyến:5
THÔNG TIN TỪ CƠ SỞ
 Lời dẫn: An toàn thực phẩm đang là 1 vấn đề được cả xã hội quan tâm, mỗi chúng ta trong từng hoàn cảnh, điều kiện và công việc của mình đều có thể góp phần nhỏ bé để mang đến cho người tiêu dùng sự an toàn về thực phẩm trong cuộc sống thường ngày. Và Câu chuyện “tôi biết rồi” của Đài TTTP TĐ hôm nay chính là lời cảnh tình nhắc nhở nhẹ nhàng cho những ai vì cái lợi của riêng mình mà vô tình hay hữu ý  mang đến sự mất an toàn thậm chí là hiểm họa cho người khác. Nội dung câu chuyện như sau:

  Nhạc vào cảnh , tiếng mở cổng 

Bà Hường vợ ông Hùng vừa đi chợ về tay cắp chiếc rổ không nét mặt hồ hởi chưa vào đến sân bà đã gọi to giọng vui vẻ:
 
-  Thầy nó đâu rồi
 
Không thấy có tiếng trả lời bà chạy vào nhà ngó trước ngó sau rồi lẩm bẩm một mình:
 
- Ô hay mới sớm ra cửa rả chẳng đóng để trống hoang trống hoắc thế này chắc lại sang mấy ông hàng xóm thuốc lào tán ngẫu rồi.
 
Bà đứng ra giữa sân rôi lớn tiếng gọi:
 
- Ông Hùng đâu rồi về nhà tôi có việc bàn nào?
 
Từ phía vườn sau nhà tiếng ông Hùng khẽ khàng đáp lời vợ:
 
- Tôi đây! Đang ở ngoài vườn, đang chăm chút cho cái mỏ vàng của bà đây.
 
Bà Hường vội vàng đi ra phía vườn, túm lấy tay chồng giọng phấn khởi:
 
- Thầy nó vào đây đã tôi thông báo cho một tin vui, rất là vui, nhưng mà thầy nó phải bí mật cấm có được nói cho ai biết nhá. Thấy nét mặt phấn chấn của vợ ông Hùng cũng vui lây nhưng vẫn giữ được sự bình thản, ông chậm rãi hỏi vợ:
 
- Có chuyện gì mà quan trọng vậy? Hay là bu nó trúng sổ xố độc đắc. 
 
Bà Hường vẫn không giấu nổi cảm xúc vui vẻ nói ngay:
 
- Thì cũng gần như thế!
 
Ông Hùng đùa vợ:
 
- Vậy thì tốt quá! Từ nay tôi khỏi phải bắt sâu tưới rau, còn bu nó thì cũng khỏi phải đi chợ bán rau, thế trúng được bao nhiêu triệu để tôi đi gửi ngân hàng nào? Từ nay cứ rong ruổi ăn chơi lấy tiền lãi mà chi tiêu.
 
Nghe chồng chọc mình bà Hường bĩu môi khự lại:
 
- Gớm thầy nó cứ tưởng lấy được tiền thiên hạ dễ lắm.
 
Rồi bà kéo ông lại gần ghé tai nói nhỏ:
 
- Tôi thông báo một tin vui thật nhưng thầy nó phải hứa không được khoe ai nhé, không là hỏng hết mánh làm ăn của tôi đấy.
 
Thấy vợ cứ vòng vo mãi ông Hùng gằn giọng
 
- Gớm u nó cứ làm như tôi giống mấy bà đàn bà buôn dưa lê chẳng bằng, nói tóm lại là có chuyện gì nói nhanh tôi nghe nào sốt cả ruột.
 
Lúc này bà Hường mới chậm rãi khoe chồng.
 
- Hôm nay tôi vừa kiếm được 300 ngàn đấy! 
 
Nghe vợ thông báo tin vui, ông Hùng hỏi ngay:
 
 -  Sao bà nhặt được tiền của ai đánh rơi à? 
 
Thấy chồng hỏi vậy, Bà Hường ngắt lời ngay
 
- Làm gì có chuyện nhặt được tiền rơi là tôi kiếm được 300 ngàn từ tiền bán rau đấy, cứ đà này mấy bữa nữa nhà mình cũng giàu to, mỗi tháng kiếm ngót chục triệu chứ chẳng bỡn. 
 
Nghe đến đây, ông Hùng ngạc nhiên hỏi lại vợ
 
– Sao có hơn chục mớ rau muống mà bán được những 300 ngàn, vậy rau nhà mình đắt ngang với vàng à?
 
Lúc này bà Hường mới chẫm rãi khoe với chồng
 
 - Thế mới gọi là mánh làm ăn, cứ nhìn mãi vào đám vườn nhà mình, mỗi ngày chỉ hái được hơn chục mớ rau thì đến bao giờ mới khá lên được.
 
Nghe vợ nói ông Hùng vẫn chưa hiểu câu chuyện thế nào, liền gằn giọng hỏi lại vợ:
 
- Nói tóm lại mánh khóe gì, bà nói tôi nghe xem nào cứ vòng vo tam quốc mãi.
 
Thấy chồng có vẻ đã hơi cáu, bà Hường vội vàng kể lại cái cách làm ăn của mình cho chồng nghe.
 
 - Này nhé, đám vườn nhà mình sưa nay chỉ chuyên trồng rau bán ở chợ làng, vườn nhà mình mùa nào rau đấy không bón phân bắc không phun thuốc sâu chỉ tưới bằng nước sạch ai cũng biết, ai cũng hẹn mua họ cứ truyền tai nhau nên cả người thiên hạ cũng tìm đến, sáng nào cũng vậy ra chợ chỉ một loáng là mình hết hàng, còn các hàng khác có khi đến trưa vẫn còn ế, nghĩ mà tiếc.
 
- Thế là sáng nay tôi đến chợ sớm mua thêm hơn hai chục mớ rau muống của mấy bà xã bên trộn lẫn với rau nhà mình, bó lại một chút và nói là toàn rau nhà mình trồng ai mà chả tin, mớ nào cũng có vài cọng rau bị sâu ăn, tôi còn bắt được mấy con sâu non cho vào túi bóng để ai còn lăn tăn thì chứng minh luôn là rau nhà mình không có thuốc sâu nên sâu vẫn còn sống, thấy nó biết không?
 
- Mấy chục mớ rau vậy mà tôi chỉ bán một loáng là song, mỗi mớ lãi ngót chục ngàn nghĩ mà sướng, cứ như này lương mình còn hơn cánh thanh niên đi làm giày da, cứ đà này mấy bữa nữa nhà mình cũng có tiền gửi ngân hàng chứ chả chơi!
 
Nghe bà Hường hổ hởi kể, nét mặt ông Hùng từ lúc đầu đăm chiêu tập trung chuyển dần sang ngạc nhiên và cuối cùng là thẫn thờ thất vọng khi bà Hường dừng lời ông mới chậm rãi buồn rầu nói:
 
- Tôi tưởng bu nó khoe chuyện gì hóa ra là làm hàng nhái à, bà có biết như vậy là có tội là vi phạm pháp luật không.
 
Nghe chồng phản đối, bà Hường đang vui bỗng nhiên bị hẫng hụt bà khự lại ông bằng cái giọng có vẻ gay gắt:
 
- Gớm ông làm gì mà quan trọng hóa lên vậy, tôi có buôn hàng quốc cấm ma túy đâu mà vi phạm pháp luật biết thế này tôi chẳng kể với ông nữa đúng là các cụ ta nói chẳng sai: Thật thà mãi thì có mà ăn cháo!
 
Biết vợ cố bảo thủ cái việc mình đang làm ông Hùng bình tĩnh thẽ thọt 
 
 - Đâu cứ phải là hàng quốc cấm mới là vi phạm pháp luật, hôm rồi tôi vừa đi dự hội nghị nông dân của xã về vấn đề an toàn thực phẩm, một mớ rau, con gà cân thịt nếu không đảm bảo an toàn mà mình bán cho người ta họ ăn bị ngộ độc thì coi như mình vi phạm luật pháp.
Nói rồi ông kéo tay bà vào nhà, vừa đi vửa nói.
 
- Bu nó vào đây để tôi đọc cho nghe cái vấn đề này:
 
Rồi ông cầm ngay tập tài liệu hôm trước được phát ở hội nghị dõng dạc đọc cho vợ nghe:
 
- Bu nó nghe rõ này: Nghị định số 115/2018/NĐ-CP Nghị định Chính phủ ngày 04/9/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm tại mục 3, điều 22 phần 6 khoản a có ghi rõ: Phạt tiền từ 40 triệu đến 50 triệu đồng đối với 1 trong các hành vi sau: “Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe từ 1 đến 4 người”.
 
Hôm nay bu nó bán rau không rõ nguồn gốc cho mấy chục người biết đâu rau có thuốc sâu, thuốc kích thích sinh trưởng, người ta ăn vào tất cả bị ngộ độc thì rõ ràng là vi phạm pháp luật còn gì.
 
Đến lúc này bà Hường mới như vỡ lẽ bà nhìn ông rồi chậm rãi nói:
 
- Thì tôi đâu có biết cứ tưởng mấy mớ rau thì nhằm nhờ gì hóa ra cũng phức tạp gớm nhỉ. 
 
Thấy vợ đã nhận ra vấn đề ông Hùng nhân đà thuyết trình luôn: Các cụ ta nói rồi “đói cho sạch rách cho thơm”, giàu nghèo có số, nhà mình xưa nay làm ăn chân thật ai cũng tin cũng quý mình phải giữa lấy chữ tín để làm phúc cho con cháu, với lại hôm rồi tôi đi họp, cái vấn đề an toàn thực phẩm bây giờ đang được cả xã hội quan tâm, nhà mình phải làm tốt rồi tuyên truyền để cả làng cả xóm làm theo đó cũng chính là học tập theo gương Bác Hồ rồi đấy. 
 
Bà Hường vui vẻ liếc yêu chồng: Thầy nó hôm nay nói cứ như mấy anh cán bộ trên huyện, tôi hiểu ra rồi.
 
Được vợ khen ông Hùng liền tiếp tục trổ tài
 
- Bu nó nói quá đúng, chẳng gì thì tôi cũng là cán bộ khuyến nông viên của xã,  mà cán bộ khuyến nông thì phải có trách nhiệm tuyên truyền bà con sản xuất đúng kỹ thuật không được làm ăn gian dối, gây nguy hiểm cho người khác mà muốn nói để người ta nghe thì mình phải hiểu luật pháp phải nêu gương làm trước, chứ chỉ vì cái lợi cho riêng mình không ít người đã đang tâm làm hàng giả thậm chí là hàng độc hại bán cho người tiêu dùng những đối tượng ấy là mình phải hết sức lên án, bu nó có nhất trí với tôi không.

Bà Hường Vâng biết rồi, khổ lắm nói mãi,Từ nay tôi xin chừa.
 
Nhạc chuyển cảnh 
 
CT CCB: Đc Hùng có nhà không
 
Ông Hùng: Chào đc chủ tịch CCB xã, có mệnh lệnh gì sao không thông báo  trước để tôi còn quân phục chỉnh tề  đón tiếp, đang dở làm vườn tay còn lấm lem cả đây.
 
CT CCB: Chứ đc không nhớ đột kích bí mật, bất ngờ vốn là sở trường của cánh lính trinh sát mình à.
 
Ông Hùng Chứ lại có việc gì hả chủ tịch
 
CT CCB: Tôi tranh thủ qua để triển khai nhiệm vụ tới đc và anh en CCB xã mình. Hôm qua tôi thay mặt HCCB xã đăng ký giao ước thi đua với HND xã cùng chung tay xây dựng các tiêu chí để cuối năm về đích xây dựng NTM kiểu mẫu, trong đó có 1 nội dung quan trọng là không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm trong chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, đc nắm tinh thần để triển khai tới các đc trong chi hội nhé.
 
Ông Hùng Báo cáo thủ trưởng. rõ
 
CT CCB: Thế nào đc vợ có ủng hộ anh em chúng tôi không
 
Bà Hường Thế đc chủ tịch  không tính tôi cũng là Hội viên cựu TNXP à, trong chiến đấu thì chia lửa, trong thời bình thì cũng chia sẻ, đúng không đc chồng.
 
Ông Hùng Bu nó hôm nay đối đáp quá chuẩn. Các Bà mà ủng hộ thì anh em mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đồng chí chủ tịch nhỉ………
 
CT CCB: tất nhiên rồi.
 
Mọi người đang cười nói vui vẻ thì từ phía cổng lại có tiếng phụ nữ gọi vọng vào:
 
 Chị Lan (Chủ tịch HPN xã): - Bác Hường có nhà không?
 
Ông Hùng: - Kìa, hình như bu nó có khách!
 
Bà Hường: Từ sân nói với ra phía cổng.
 
- Ai đấy, tôi có nhà đây! 
 
Chị Lan: - Xin chào cả nhà, may quá gặp cả 2 bác đây rồi. Ô anh Dũng (HCCB) cũng đang ở đây ah? Chắc lại sang triển khai nội dung hội nghị liên tịch hôm qua họp trên xã phải không? 
 
Ông Dũng (HCCB): - Đúng rồi! cánh lính bọn tôi quen tác phong rồi cứ đùng là tành, đánh mau thắng mau.
 
Bà Hường: - Mùng 1 đầu tháng mà có 2 Chủ tịch tới thăm nhà tôi thì có mà cả tháng gặp may rồi. Vinh dự quá! 
 
Chị Lan (CT HPN xã): Em tranh thủ qua triển khai một số nội dung vừa được họp hôm qua trên xã liên quan đến Hội phụ nữ mình.
 
Ông Hùng: - Thôi để các bà ấy tiếp tục trao đổi việc. Anh em mình vào nhà ta làm cốc trà xanh cho mát ruột.
 
Ông Dũng (HCCB): Phải đấy! Tôi là rất khoái món nước trà xanh nhà anh, nhất là cái loại trà cành, uống đậm đà mà lại có vị ngọt.
 
Ông Hùng: Chè nhà trồng không thuốc sâu thuốc xia gì cả, hơi mất công một chút nhưng uống nó yên tâm anh ah. Chứ cái loại trà khô ở quán bán có tiện đấy nhưng mà xem mấy cái phóng sự tivi  nó đưa từ bữa đó là tôi tránh luôn ai lại lấy phân lân làm cho xanh nước, lấy cả bột đá cho nó nặng cân. Xem mà thấy hãi luôn. 
 
Ông Dũng(HCCB): Nghe nói tới đây cái chè xanh của xã mình đang được xây dựng thương hiệu, chè nhà mình lúc ấy lại tha hồ được giá đấy ông ạ!
 
Ông Hùng: Nghe vậy, tôi cũng thấy vui nhiều nhà phá chè đi trồng dứa lắm rồi, nhưng tôi thì cứ quyết tâm để mấy xào chè các cụ để lại có cây tới trăm tuổi, coi như là mình giữ lại làm kỉ niệm. Và trước hết mình dùng cho nó yên tâm.
 
Ông Hùng quay ra sân – Thế nào, chị em các bà trao đổi song công việc chưa?
 
Chị Lan (HPN): - Có việc thì đã xong, nhưng có việc chưa ổn! Khéo em phải nhờ anh  làm công tác tư tưởng cho chị nhà giúp em.
 
Ông Hùng: - Sao có vấn đề gì mà quan trọng vậy? 
 
Chị Lan (HPN): Em sang có 2 việc: Thứ nhất là: Thông báo chị mai đi dự hội nghị tập huấn trên xã về canh tác nông nghiệp an toàn, và một việc nữa HPN xã chọn gia đình mình đi dự hội nghị các hộ sản xuất tiêu biểu trên huyện, mà chị cứ khăng khăng từ chối. Em thấy chị cứ lăn tăn điều gì ấy anh ạ!
 
Ông Hùng: Tôi đoán ra rồi cô ạ, Bà nhà tôi lăn tăn là đúng đấy.
 
Chị Lan (HPN): Chuyện thế nào hả anh?
 
Ông Hùng: Chắc chị cũng biết rồi đấy, nhà tôi có mảnh vườn chuyên trồng rau để phục vụ cho gia đình và bán cho những người trong làng. Rau chỉ tưới bằng nước sạch nên lâu nay đã có tiếng chỉ tội không có nhiều nên mới chỉ phục vụ được cho một số người dùng thôi.
 
- Chẳng hiểu sao sáng nay, ra chợ bà ấy lại mua thêm ít mớ rau của mấy bà xã bên để bán lẫn với rau nhà mình. Lúc nãy về biết chuyện tôi đã góp ý thành ra bà ấy cứ lăn tăn áy náy mãi, sợ rau người ta trồng không đảm bảo an toàn đâm mang tiếng cả đời bao năm nay được cả làng tin tưởng. giờ bỗng chốc…..
 
Chị Lan (HPN): Vậy là em hiểu rồi! Không sao anh ah. Đây là do mình sơ xuất không nghĩ thấu đáo cứ coi như là tai nạn nghề nghiệp mình sẽ rút kinh nghiệm. Và theo em nghĩ từ sự việc này trong các hội nghị tuyên truyền mình cũng lấy làm minh chứng để những ai đang làm hoặc có ý định như vậy thì phải dừng ngay, như các cụ ta vẫn dạy “Treo đầu dê bán thịt chó”
 
Ông Hùng: Thôi được để tôi góp ý với bà nhà tôi.
 
Chị Lan (HPN): Vâng, vậy anh động viên chị giúp em nhé. Chọn cả xã rồi, chẳng ai xứng đáng bằng nhà mình đâu.
 
Ông Hùng: Bu nó đâu rồi! Không phải lăn tăn nữa chuẩn bị quần áo đẹp cuối tuần này lên trên huyện họp. 
 
Bà Hường: Tôi ý là tôi băn khoăn lắm ông ạ.  Đúng là tham lời lãi mấy mớ rau, không khéo lại mang tiếng để đời. 
 
Ông Hùng: biết rồi, khổ lắm nói mãi…thế tôi phân tích sáng nay mà bà vẫn không để vào đầu à ? 
 
Bà Hường: thôi được tôi biết rồi. ông chuẩn bị đi cuối tuần này chở tôi đi họp đấy nhá.
 
Ông Hùng: việc ấy bu nó khỏi phải lo.
 
Ông Dũng CCB: sao… mọi người thống nhất công việc xong chưa ? hội CCB và hội phụ nữ xã ta cùng bắt tay nhau để thi đua nhé.
 
Tất cả đông thanh: nhất trí. 
 
Dấn kết (chèn nhạc): Quý vị và các bạn thân mến ! Sức khỏe có một tầm quan trọng rất lớn trong đời sống thì ai cũng công nhận. Vì thế, lên án hay bài trừ những hành động đang phá hoại đến sức khỏe của cộng động là việc cần làm ngay từ hôm nay. Bắt người khác thực hiện tốt “vệ sinh an toàn thực phẩm thẩm” thì phải có thời gian, nhưng chính bản thân mình ra tay hành động thì hoàn toàn có thể. Vậy ngay từ hôm nay, chúng ta hãy bắt tay hành động và tuyên truyền bảo vệ “an toàn thực phẩm” để mang lại không chỉ cho bản thân mà còn cho cộng đồng một cuộc sống hạnh phúc. Việc đảm bảo VSATTP chỉ có thể được giải quyết tốt nếu có sự tham gia thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, từ người quản lý, người sản xuất, đến người tiêu dùng đều phải đồng lòng thực hiện với mục tiêu giữ gìn sức khoẻ cho thế hệ chúng ta hôm nay và cả thế hệ tương lai của chúng ta.

Tiến Quang (TH)
 


 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.