MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1072432
Số người trực tuyến:1
THÔNG TIN TỪ CƠ SỞ


Những năm qua, việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình cho vay giải quyết việc làm thông qua Ngân hàng CSXH trên địa bàn huyện Hoa Lư đã, đang giúp cho nhiều hộ dân có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, giải quyết nhu cầu việc làm và nâng cao thu nhập.

 

Theo báo cáo của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hoa Lư, dư nợ cho vay Chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn huyện tính đến ngày 31/8/2018 đạt trên 13 tỷ đồng với trên 340 dự án được vay vốn, tạo việc làm mới cho hàng nghìn lao động nông thôn. Đối tượng cho vay chủ yếu là các hộ gia đình có mục đích sản xuất kinh doanh rõ ràng, có tiềm năng phát triển, hiệu quả kinh tế cao và có khả năng giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. 

 

 

Hầu hết hộ vay đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, chủ yếu đầu tư vào xây dựng trang trại, gia trại trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm và sản xuất, kinh doanh nhỏ. Nhờ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ưu đãi này nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Hoa Lư đã vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ trở nên khá giả.

 

Gia đình chị Nguyễn Thị Gấm, ở thôn Bãi Trữ, xã Ninh Giang trước đây đã đầu tư xây dựng mô hình trang trại tổng hợp chăn nuôi dê, gà kết hợp nuôi cá với quy mô nhỏ, hiệu quả kinh tế không cao. Chị luôn mong muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng gặp phải khó khăn đó là thiếu vốn. 

 

Được sự tư vấn, giới thiệu và bình xét của Hội Phụ nữ xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn, đầu năm 2017, gia đình chị Gấm được Ngân hàng CSXH huyện Hoa Lư tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ Chương trình cho vay giải quyết việc làm với lãi suất ưu đãi để đầu tư mua thêm gà, trâu, dê về nuôi. Tận dụng diện tích ngoài đê, kết hợp kinh nghiệm sẵn có, các con nuôi của gia đình chị sinh trưởng và phát triển tốt. 

 

Hiện, trang trại chăn nuôi tổng hợp với diện tích hơn 4 mẫu luôn duy trì 100 con dê (gồm dê sinh sản, dê sữa và dê thương phẩm), 500 con gà lai Đông tảo, hơn chục con trâu và 2 mẫu mặt nước nuôi trồng thủy sản. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm mô hình cho thu lãi hơn 200 triệu đồng. Nhờ mở rộng quy mô trang trại chăn nuôi tổng hợp, gia đình chị giải quyết việc làm cho 3-4 lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định. Chị Gấm tâm sự: “Nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH đã hỗ trợ đắc lực cho các hộ dân đang khao khát phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu nhưng lại thiếu vốn.

 

Cũng từ nguồn vốn Chương trình cho vay giải quyết việc làm, bác Vũ Thị Định, thôn Trung Trữ, xã Ninh Giang bước đầu xây dựng thành công mô hình trang trại trồng cây ăn quả kết hợp nuôi cá. Nói về quá trình xây dựng mô hình và hiệu quả nguồn vốn vay, bác Định chia sẻ: Các đây 3 năm, xã thực hiện dồn điền, đổi thửa, gia đình bác tự nguyện xin được dồn gọn vùng để chuyển đổi mô hình sản xuất. Được xã tạo điều kiện, cùng với thuê mượn thêm đất của các hộ dân không có nhu cầu sản xuất, gia đình bác đã có gần 4.000 m2 đất tập trung. 

 

Năm 2016 nhờ vào sự hỗ trợ của Ngân hàng CSXH huyện Hoa Lư và Tổ tiết kiệm và vay vốn, bác Định được vay 50 triệu đồng từ Chương trình cho vay giải quyết việc làm. 

 

Có vốn trong tay, bác đã bàn với các con thuê máy móc đào ao thả cá và cải tạo đất đai trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: bưởi diễn, chuối goòng, chuối tiêu hồng, táo và ổi găng.  Hiện nay mô hình phát triển kinh tế của gia đình bác đang có 100 gốc bưởi diễn, 10 gốc táo Thái Lan, hàng nghìn gốc chuối, ổi đều đang sinh trưởng và phát triển tốt, trong đó nhiều loại cây đã cho thu hoạch. Nhìn vào những gốc bưởi diễn sai trĩu quả, bác Định nói với chúng tôi: Chắc chắn năm nay gia đình tôi có nguồn thu tương đối từ các cây ăn quả, đặc biệt là từ cây bưởi diễn. Ước thu nhập có thể đạt được hàng trăm triệu đồng.

 

Ông Phạm Đình Hòe, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hoa Lư cho biết: Trong những năm qua để nguồn vốn Chương trình cho vay giải quyết việc làm phát huy hiệu quả, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác chủ động trong công tác điều hành, quản lý, phân bổ vốn, trong đó ưu tiên đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động. 

 

Việc triển khai cho vay vốn thực hiện theo phương châm “3 đúng” đó là đúng quy định, đúng quy trình nghiệp vụ, đúng đối tượng thụ hưởng. Sau khi giải ngân vốn có sự phối hợp chặt chẽ với mạng lưới các Tổ tiết kiệm và vay vốn, thường xuyên giám sát các thành viên để đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. 

 

Ngân hàng cũng tăng cường công tác kiểm tra, thu hồi nợ đến hạn, đẩy nhanh quay vòng vốn để tạo thêm nhiều cơ hội cho người lao động có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm. Qua kiểm tra cho thấy các đối tượng được vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như mục tiêu phát triển kinh tế tại địa phương. Hầu hết các đối tượng vay đều trả nợ gốc và lãi đúng hạn./.

 

Xuân Kiên (Đài TT huyện Hoa Lư)



 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.