
Thời gian qua, xác định giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tỉnh đã tập trung ban hành các văn bản triển khai thực hiện Chương trình kịp thời, sáng tạo, đúng, trúng, sát thực tiễn.
Ngày 10/5/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình với 02 mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến cuối năm 2025 giảm 2/3 số hộ nghèo so với cuối năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025. Đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo có đủ điều kiện đều được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.
Sau 02 năm triển khai thực hiện, các mục tiêu trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình đã đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, năm 2021- năm đầu tiên áp dụng chuẩn nghèo đa chiều đoạn 2022-2025, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 3,07% (tương đương 9.614 hộ), tỷ lệ hộ cận nghèo 3,49% (tương ứng 10.881 hộ). Đến nay tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 1,86% (5.905 hộ), hộ cận nghèo là 2,27% (7.207 hộ). Kết quả giảm số hộ nghèo hàng năm của tỉnh đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm. Dự kiến cuối năm 2025 mức giảm số hộ nghèo toàn tỉnh đạt mục tiêu đề ra.
Khảo sát thực tế tại một số gia đình được hỗ trợ nhà ở trên địa bàn huyện Nho Quan. Ảnh: Tiến Đạt
Công tác giảm nghèo luôn được quan tâm thực hiện đạt kết quả tốt, các chính sách đã đến được với người dân, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản. Các chính sách cụ thể, thiết thực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững như: tín dụng chính sách, sửa chữa, xây mới về nhà ở, cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, hỗ trợ tiền điện sinh hoạt cho hộ nghèo, đào tạo nghề….Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho trên 2 triệu thẻ BHYT cho các đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện hỗ trợ tiền điện sinh hoạt cho hộ nghèo kịp thời, đúng quy định, với định mức hỗ trợ hiện nay là 59.000 đồng/hộ/tháng; hỗ trợ miễn giảm học phí, chi phí học tập và tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách với tổng kinh phí hỗ trợ hàng năm trên 13 tỷ đồng. Đồng hành cùng các hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 964/QĐ-UBND ngày 01/9/2021 về việc hỗ trợ tiền nước sạch sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, theo đó mỗi hộ được hỗ trợ 350 nghìn đồng/hộ trong 6 tháng năm 2021, tính từ tháng 5 đến hết tháng 10 năm 2021. Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh phê duyệt và hỗ trợ cho 919 hộ nghèo được xây mới và sửa chữa nhà ở với tổng số tiền 78,4 tỷ đồng.
Chương trình "Tặng sách cho em" dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Kim Sơn. Ảnh: Tuệ Linh
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực xã hội trong việc chăm lo đời sống người có công, các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em, các đối tượng bảo trợ xã hội. Trong năm, toàn tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà trong các dịp lễ, tết và hỗ trợ cho cho các đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi.... Ngoài ra còn rất nhiều các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã trích kinh phí thăm hỏi, tặng quà các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, tháo gỡ một phần khó khăn, ổn định cuộc sống.
Tuệ Linh
Trực tuyến: 5
Hôm nay: 14
Hôm qua: 106