Sản phẩm dưa lưới. Ảnh (nguồn internet)
Thịt quả dưa lưới thường màu vàng da cam nghiêng vàng đỏ, có vị ngọt thanh. trọn lượng quả dưa lưới rơi vào khoảng 1.5 - 3.5 kg. Dưa lưới cung cấp rất nhiều tiền vitamin A (β-carotene), vitamin C, các loại dinh dưỡng như vitamin E và axit folic là những chất chống oxy hóa quan trọng trong quá trình biến dưỡng dinh dưỡng của con người.
Dưa lưới có nguồn gốc từ châu Phi và Ấn Độ. Người Ai Cập là người đầu tiên trồng giống cây này, ban đầu dưa lưới nhỏ và ít ngọt, sau thời gian nó không ngừng phát triển cho đến nay trở thành loại trái to và ngọt.
1. Cách tính mật độ trồng dưa lưới
Mật độ trồng dưa lưới phụ thuộc vào phương pháp trồng dưa lưới mà bạn đang áp dụng, có thể là trồng cây dưa bò trên đất, leo giàn,… thì sẽ có mật độ khác nhau. Theo các chuyên gia về nông nghiệp, mật độ phù hợp nhất khi trồng dưa lưới là như sau:
+ Bò trên đất: khoảng cách giữa các cây là 0,5 m x 0,5 m, khoảng cách giữa các hàng là 1,8 m x 2m, mật độ 900 cây/1.000 m2.
+ Leo giàn: khoảng cách giữa các cây là 0,5 m x 0,5 m, khoảng cách giữa các hàng là 1,3 m x 1,4m, mật độ cây 2.900 cây/1.000 m2. Mật độ này được áp dụng cho cả thiết kế gian chữ U hoặc chữ A.
Vườn dưa lưới được trồng với mật độ phù hợp sẽ giúp cây phát triển nhanh, lớn đều và tránh khỏi những lây lan từ sâu bệnh, nấm bệnh ra các cây khác.
Mật độ trồng dưa lưới cao khiến khoảng cách các cây gần nhau, tầng lá xum xuê đan vào dễ lây lan bệnh nhanh hơn và không thể nhanh thoát nước.
2. Quy trình trồng cây dưa lưới
Ngâm ủ hạt giống
Ngâm hạt giống dưa lưới trong nước sạch 2 giờ với nhiệt độ tốt nhất là 28 – 32 độ C, sau đó bạn ủ trong khăn ẩm khoảng 24 – 36 giờ cho hạt nảy mầm rồi ươm với thời gian 10 – 14 ngày, khi cây lên lá thật thứ 2 thì bắt đầu cho vào khay trồng.
Chuẩn bị cây con
Chuẩn bị các khay ươm cây bằng xốp có kích thước dài 50x35x5cm, có 50 lỗ/khay để chuẩn bị gieo hạt.
Sau đó bạn chuẩn bị giá thể bao gồm mụn xơ dừa, phân hữu cơ được xử lý bằng Trichoderma, tro trấu, trộn hỗn hợp theo tỷ lệ là 70% + 20% + 10%. Bạn rải đều giá thể lên mặt khay và gieo 1 hạt vào 1 lỗ, tưới nước cho cây con, che nắng mưa và tránh khỏi côn trùng phá.
Trồng cây và lên luống
Mật độ trồng cây đảm bảo như đã nói ở trên, đất trồng dưa lưới nên được cày bừa kỹ, loại bỏ cỏ dại, tiêu hủy cây bệnh cũ, có thể thêm phân chuồng, tro trấu vào để tăng chất dinh dưỡng cho cây.
Sau đó tiến hành lên luống. Khi bạn trồng cây cần thực hiện nhẹ nhàng, nên trồng vào buổi chiều mát, tưới nước ngay sau đó để cây hồi lại.
3. Bón phân
Phân bón lót cho cây dưa lưới với khối lượng là 3 – 4 tấn/1.000 m2, phân N 8 kg/1.000 m2, phân lân 25 kg/1.000 m2, phân Kali là 8kg/1.000 m2.
Bón thúc được chia làm 4 lần gồm cây có 3 lá thật (2kg đạm + 2kg kali/1.000m2), cây có 6 lá thật (2kg đạm + 2kg kali/1.000m2), cây có hoa cái (4kg đạm + 4kg kali/1.000m2), trái dưa xuất hiện lưới (4kg đạm + 4kg kali/1.000m2).
Ngoài ra, bạn cần phải bổ sung nhiều loại phân bón khác để vườn dưa lưới có đầy đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển, bao gồm các loại phân bón K2SO4, (NH4)2SO4, KNO3, MgSO4, KH2PO4, Ca(NO3)2. Tuy nhiên mỗi loại phân bón sẽ phù hợp với từng thời điểm phát triển của cây.
4. Chăm sóc cây dưa lưới
– Bạn cần bấm ngọn thường xuyên để thúc đẩy nhánh con phát triển, đến khi cây ra quả thì bấm ngọn để cây lấy dinh dưỡng cho quả. Mỗi cây chỉ nên để 1 – 2 quả dù cho hoa ra nhiều, vì quả dưa lưới to và nặng nên chỉ dưỡng 1 quả cho chất lượng hơn. Việc tỉa cây, bấm ngọn nên được thực hiện vào buổi sáng để tránh cho mầm bệnh xâm nhập vào vết thương.
– Các cây dưa lưới nên được sử dụng màng phủ nilon để đảm bảo cỏ dại không mọc lên và hạn chế sâu bệnh, nhộng phát triển và hại cây trồng.
– Tưới nước cho cây dưa lưới cần đảm bảo là nước sông suối hoặc giếng khoan, không mặn, không phèn, có độ pH từ 6 – 7. Lượng nước tưới cho cây vào thời kỳ đậu quả cần giảm đi.
– Cây dưa lưới cần có ong mật thụ phấn, tuy nhiên với các vườn trồng trong nhà màng thì bạn cần sử dụng ong mật bổ sung để đảm bảo ra quả đúng thời kỳ.
– Cây dưa lưới ưa nắng, thích hợp với thời tiết nắng ấm, khô ráo, khi đó cây sẽ lớn nhanh và đậu trái ngọt hơn, khi trời mưa ẩm nhiều, cây thường chậm phát triển và dễ bị bệnh, vì vậy cần có các biện pháp thoát nước cho cây vào mùa mưa.
– Bạn cần thường xuyên kiểm tra tình trạng của cây, khi cây có biểu hiện chớm các loại bệnh hại dưa lưới, cần cắt bỏ lá có vết bệnh, tiến hành bảo vệ cây bằng nhiều phương pháp như tiêu diệt sâu bệnh hoặc phun thuốc bảo vệ thực vật.
Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bạn nhớ tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” để cây phát triển tốt, trái dưa lưới đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng.
5. Thu hoạch dưa lưới
Dưa lưới cho thu hoạch trong khoảng thời gian từ 75 – 80 ngày. Quả dưa khi chín thường có màu trắng ngà hay màu vàng, mùi thơm, gân lưới xuất hiện rõ. Cuốn của dưa lưới nứt xung quanh. Trước khi thu hoạch dưa nên ngừng nước 7 ngày để dưa ráo nước và giòn ngon.
Thanh Hường (t/h)