1. Trồng nấm bào ngư trên mạt cưa, mụn gỗ:
Mạt cưa / mụn gỗ → Ủ đống 1 ngày (trộn nước vôi 1%, nâng độ ẩm đống ủ lên 60%) → Bổ sung dinh dưỡng → Đóng bịch → Hấp thanh trùng → Làm nguội → Cấy giống → Ủ tơ → Rạch bịch →Thu hái.
Mạt cưa được trộn với nước vôi 1% đến độ ẩm 60%, ủ đống khoảng 3 ngày (tùy nguyên liệu, nếu là mụn gỗ như mụn dừa cần xả chát trước), sau đó bổ sung dinh dưỡng là cám hoặc tấm, hay bắp 6% và một ít khoáng vô cơ như đạm, DAP. Cho nguyên liệu vào túi nylon nén chặt vừa phải, trọng lượng trung bình mỗi túi khoảng 1,1 kg. Dùng một khúc cây tròn, đường kính 1,5 cm để nong một lổ ở giữa túi, cách đáy khoảng 1-2cm, sau đó dùng nút nhựa cố định miệng túi như một nút chai và dùng bông gòn chặn kín miệng túi và bao kín bằng giấy. Đem hấp ở nhiệt độ 100oC, 6 giờ (hoặc 120oC, 2 giờ). Làm nguội tự nhiên 24 giờ. Cấy meo bằng dụng cụ vô trùng và nuôi ủ tơ ở nhiệt độ 25-30oC, khoảng 20 ngày tơ đều, màu trắng, dày, không loang lổ, không bị nhiễm nấm mốc, nấm dại là có thể đem ra treo nấm để chăm sóc, tưới sương ít nhưng thường xuyên và thu hoạch.
Nấm mùn cưa (ảnh minh hoạ, nguồn internet)
Ngoài nấm bào ngư mô hình này có thể sản xuất nấm mèo, nấm linh chi
Điều kiện: nguyên liệu (mạt cưa/mụn gỗ); thanh trùng (lò nấu hơi nước 100oC; hoặc nồi hấp áp suất 121oC); nắm vững kỹ thuật (cần dự lớp tập huấn); meo giống (mua nơi có uy tín, tránh mua giống meo cấy chuyền nhiều lần; tự làm meo giống thì phải nắm kỹ thuật và đủ dụng cụ).
(Lưu ý: Mụn gỗ – không phải là mùn gỗ, vì nếu thành mùn thì không thể làm nấm được và mỗi loại nấm cần nguyên liệu có một tỷ lệ C/N thích hợp)
2. Trồng nấm bào ngư trên rơm hoặc bã mía:
Rơm → Xử lý nguyên liệu → Vớt ra → Vô túi và cấy giống → Ủ tơ → Chăm sóc và tưới đón nấm →Thu hái.
+ Xử lý nguyên liệu: Rơm phơi khô, làm ẩm bằng nước vôi 0.5%-1.0%, ngâm trong hồ hoặc ủ đống 3-5 ngày, đống ủ chất cao từ 1-1,5m và phải phủ nilông kín đất.
+ Vô túi và cấy giống: Rơm cho vào túi nilông (30-40) xếp thành từng lớp cao khoảng 4cm, ta cấy 1 lớp meo mỏng. Meo cấy gần bìa để tơ nấm hô hấp.
+ Ủ tơ: Để vào vị trí có ánh sáng hơi tối, nhiệt độ khoảng 25oC. Thời gian ủ khoảng 25-30 ngày (khi meo ăn trắng túi nilông).
+ Chăm sóc và tưới đón nấm: Theo dõi và tạo nhiệt độ thích hợp (nhiệt độ sản xuất: khoảng 27-28oC; nhiệt độ tạo quả thể: 20-25oC), ẩm độ của nhà trồng (70-95%). Thời gian khoảng 1 tuần sau khi rạch bịch nấm sẽ bắt đầu tạo quả thể.
+ Thu hái: Hái nấm ở giai đoạn trưởng thành (mũ nấm mỏng lại và căng rộng ra, mép hơi quằng xuống). Nhiệt độ 5-10oC, nấm bào ngư có thể giữ tươi từ 5-7 ngày.
* Đối với bã mía cách làm cũng tương tự như rơm rạ, nhưng phải phơi khô nghiền nhỏ hoặc chặt vụn ra, rồi xử lý bằng nước vôi hay xông hơi nước nóng để giảm độ acid và đường thừa.
Điều kiện: nguyên liệu (rơm, bã mía); nắm vững kỹ thuật (cần trãi qua lớp tập huấn hoặc tham quan); meo giống (phải mua).
3. Trồng nấm rơm trên rơm:
– Trồng nấm rơm bằng rơm trong bịch: tương tự như trồng nấm bào ngư
– Trồng nấm rơm bằng cách chất rơm trên líp. Đây là cách làm truyền thống của nhân dân ta bao đời nay.
Điều kiện: nguyên liệu (rơm); kỹ thuật (cần tham quan); meo giống (mua nơi có uy tín, tránh mua giống meo cấy chuyền nhiều lần).
Tóm lại, trồng nấm ăn trên nguyên liệu sẵn có là nhu cầu của nông dân, nhưng để đạt được hiệu quả kinh tế cần chọn lựa cách làm thích hợp với hoàn cảnh, điều kiện, mục đích sản xuất và khả năng tiêu thụ sản phẩm.
Ngày nay, các thông tin hướng dẫn trồng nấm được tìm thấy khắp nơi (trên báo, đài, internet, tài liệu của Trung tâm khuyến nông, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề). Để trồng nấm thành công cần tìm hiểu tường tận và thực hành nhằm tích lũy kinh nghiệm, vững tin và hứng thú trước khi bắt tay vào sản xuất lớn.
Nam Giang (t/h)