MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1071829
Số người trực tuyến:1
TIN TỨC - SỰ KIỆN
Kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão kết thúc, các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động trở lại với khí thế mới và tinh thần hăng say lao động, hứa hẹn tạo ra những sản phẩm chất lượng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
 

 Lãnh đạo Công ty Thêu Minh Trang gặp mặt, động viên công nhân tích cực lao động, sản xuất ngày đầu năm.

Đến xã Ninh Vân- nơi có hơn 80% số hộ làm nghề đá, sản xuất các sản phẩm đá mĩ nghệ (lăng mộ, cuốn thư, đá lát, tranh đá, lư hương, lọ hoa, tượng đá…), ngay đầu năm mới Quý Mão, hàng loạt các hộ trong làng nghề đã bắt tay vào sản xuất. 

Anh Nguyễn Quang Vũ, chủ xưởng đá Hợp Vũ, người có kinh nghiệm làm nghề lâu năm chia sẻ: Từ ngày mùng 6 tháng Giêng, xưởng đã khai xuân làm việc ngày đầu tiên. Cho tới nay tất cả công nhân đã có mặt đầy đủ để triển khai khối lượng công việc của năm mới. Hầu hết các công việc hiện tại là trả đơn hàng cũ còn nợ khách và làm hàng mới phục vụ cho dịp Tết thanh minh vào tháng 3 âm lịch. 

"Năm nay, cùng với kế hoạch đầu tư máy móc hiện đại trong sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi chú trọng đào tạo tay nghề nhân công và mở rộng thị trường đi các tỉnh xa." Anh Vũ cho biết. 

Theo ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng ban quản lý làng nghề đá mĩ nghệ Ninh Vân chia sẻ: Ninh Vân có khoảng 2.000 lao động tại địa phương chuyên làm nghề, 2000 lao động thời vụ là nữ, 2000 lao động từ địa phương khác đến làm việc, khoảng 50 người có trình độ cao. Sau những ngày vui xuân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của làng nghề đang hoạt động trở lại, công suất đạt 90% so với trước Tết.

Còn tại xã Ninh Hải những ngày này, làng nghề thêu ren Văn Lâm cũng đang sôi động trở lại. Các cơ sở sản xuất nhộn nhịp người qua lại, những chuyến xe chở hàng chạy khắp nẻo đường. Đến với cơ sở thêu ren truyền thống tại xã Ninh Hải, bất kì ai cũng bị thu hút bởi những sản phẩm áo quần, túi vải, khăn lụa, chăn, ga, đệm, hàng lưu niệm…với kiểu dáng đa dạng, độc lạ, bền đẹp, họa tiết hoàn toàn được thêu tay. 

Bà Vũ Thị Hồng Yến, Phó Giám đốc Công ty thêu xuất khẩu Minh Trang cho biết: Hiện cơ sở có 35 lao động thực hiện những đơn hàng đi các nước như Anh, Pháp, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc…Năm nay, doanh nghiệp dự định triển khai nhiều kế hoạch mới, chủ động tham gia các hội chợ tìm kiếm bạn hàng, mở rộng thị trường trong nước và các thành phố lớn, chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm để hạn chế bị tác động từ bên ngoài, tạo động lực bứt phá trong năm Quý Mão. Đồng thời, giúp nâng cao doanh thu, ổn định nguồn thu nhập, chế độ, quyền lợi cho công nhân viên để người lao động yên tâm gắn bó với nghề, lưu giữ và phát triển được nghề thêu ren truyền thống Văn Lâm.

Trên toàn tỉnh hiện có 250 làng nghề, trong đó 75 làng nghề được công nhận là làng nghề thủ công truyền thống. Sau hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19, nhiều làng nghề gặp khó khăn không ít khi chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, tái kí kết đơn hàng giảm, việc ít, chế độ lương, thưởng của người lao động bị hạn chế. 

Để khắc phục khó khăn, cùng với đó là giữ chữ tín, từng bước xây dựng thương hiệu, các làng nghề đã chú trọng cải tiến, hiện đại hóa công nghệ, quy trình và nguyên vật liệu sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng mẫu mã sản phẩm, coi trọng đào tạo người lao động; tập hợp, tôn vinh đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, tay nghề cao; đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao năng lực quản trị cho chủ cơ sở sản xuất; từ đó tăng hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Ngoài ra, để gìn giữ và phát triển đa dạng làng nghề truyền thống, những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó, việc triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần khai thác và phát huy bản sắc vùng miền, quảng bá sản phẩm, thương hiệu của các làng nghề, nâng cao sinh kế cho người dân, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát triển các làng nghề tại địa phương. 

Các ngành, các cấp tăng cường phối hợp trong việc hướng dẫn các địa phương có làng nghề thành lập các mô hình quản lý phù hợp với quy mô phát triển như các hiệp hội, hội nghề nghiệp, các ban quản lý, tổ tự quản..., từng bước giúp làng nghề thoát khỏi tình trạng phát triển tự phát.  
Minh Trang


 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.