MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1070491
Số người trực tuyến:6
MÔ HÌNH HAY
 Nếp hạt Cau hay Nếp đen là giống lúa cổ truyền quý giá được gieo cấy nhiều ở xã Kỳ Phú (huyện Nho Quan), huyện Kim Sơn và một số vùng khác trong tỉnh. Đây là giống lúa cảm quang, trong năm chỉ cấy được duy nhất một vụ, tuy nhiên chất lượng thì ít loại nếp nào sánh bằng bởi hạt gạo trắng, tròn, xôi nấu lên ăn dẻo, ngọt, mềm và rất thơm.
 
 

 Cánh đồng lúa Nếp hạt Cau ở xã Kỳ Phú (huyện Nho Quan)

Từng đứng trước nguy cơ thoái hóa nguồn gen 
Chúng tôi tìm về bản Thường Sung, xã Kỳ Phú (huyện Nho Quan), nơi được coi là khởi sinh của Nếp hạt Cau, khi Tết Nguyên đán đã cận kề. Trong cái nắng hanh heo của ngày Đông, bà Bùi Thị Vương kê ghế ngồi giữa sân với đám thúng mủng, vừa cặm cụi sàng sẩy, làm sạch hai bao gạo Nếp Cau mới đi xay xát về, vừa vui vẻ trò chuyện: "Đã thành truyền thống, cứ gần Tết là gia đình lại chuẩn bị ít Nếp Cau gửi biếu anh em bạn bè thân thiết. Quà quê ngon, sạch, tự tay cấy hái nên mọi người quý lắm". 
Nói rồi bà Vương lại quay sang bàn với anh con trai, Tết này phải gói thật nhiều bánh chưng vì mấy đứa trẻ trong nhà đứa nào cũng thích ăn. Hơn nữa còn phải nghiền bột làm bánh rán, nấu rượu, ủ rượu cái... Mới thoáng nghe, lũ trẻ chơi gần đó đã chạy lại ríu rít bên bà hỏi bao nhiêu ngày nữa thì đến Tết. Chúng mong Tết đến thật nhanh để được thưởng thức những món ngon từ Nếp hạt Cau quê nhà. 
Quay trở lại câu chuyện Nếp hạt Cau, bà Vương chia sẻ: Cũng chẳng ai khẳng định được giống Nếp hạt Cau ở đây "ra đời" từ bao giờ, chỉ biết từ đời ông cha họ đã cấy giống lúa này rồi. Đây là thứ nếp mà khi chín vỏ hạt có màu hạt cau nên mới có tên gọi là Nếp hạt Cau. Tuy nhiên, sau khi loại bỏ lớp vỏ thì hạt gạo bên trong lại béo tròn và có màu trắng đục. Gia đình nào mà nấu xôi bằng thứ gạo này thì mùi thơm sẽ quấn quýt, neo đậu khắp trong nhà, ngoài ngõ. Xôi dẻo đến mức để qua đêm đến sáng hôm sau vẫn như vừa mới thổi. 
Trước đây, chỉ mỗi khi lễ Tết mới có cơ hội được thưởng thức chứ ngày thường đâu được ăn. Giống lúa ngon như vậy, nhưng ít ai biết được rằng, khoảng 10 năm về trước đã bị thoái hóa nghiêm trọng, sâu bệnh nhiều, năng suất rất thấp. Nông dân chán nản, không còn tha thiết gieo trồng. 
Ông Quách Văn Đức, Trưởng bản Thường Sung thông tin: Giống này rất kén đất, chỉ thơm, ngon và có mùi vị đặc trưng khi gieo cấy trên những thửa ruộng quanh nguồn nước khoáng của bản. Sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, trong khi đó, trước nay, bà con áp dụng phương pháp canh tác lạc hậu, cấy nhiều dảnh, để mạ quá già và tự chọn lọc giống theo trực quan, cảm tính. 
Điều này dẫn tới lai tạp, lẫn giống, và cứ thế từ vụ này qua vụ khác thì giống lúa dần đánh mất sự thuần chủng, màu sắc, kích cỡ hạt lúa không còn đồng nhất. Sâu bệnh hại ngày càng nhiều, năng suất thấp, chất lượng gạo giảm sút. Một sào lúa nhưng khi thu hoạch chỉ được vài chục cân, có nhà phải đi mót từng bông về. Giống lúa quý đứng trước nguy cơ thoái hóa nguồn gen, thất truyền. 
Tương tự như vậy, ông Dương Văn Phái, Giám đốc HTX Ân Hòa, một trong những đơn vị có truyền thống gieo cấy giống lúa Nếp hạt Cau ở huyện Kim Sơn chia sẻ: Vào khoảng những năm 2008 - 2010, khi năng suất lúa được đặt lên hàng đầu, phong trào cấy lúa lai cao sản rầm rộ thì các giống lúa truyền thống như Nếp hạt Cau đã từng bị loại bỏ ra khỏi cơ cấu sản xuất, vắng bóng trên đồng ruộng. 
Tuy vậy, vẫn có không ít "nỗi nhớ thương" dành cho những hạt Nếp cổ truyền này. Đâu đó, một bộ phận nhân dân vẫn âm thầm lưu giữ, duy trì sản xuất, mặc dù diện tích không nhiều. 
"Hồi sinh" nhờ khoa học 
Trước những biến đổi khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội, đặc biệt là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều giống lúa quý có nguy cơ mất đi. Tuy vậy, khi khoa học kỹ thuật tiến bộ, kinh tế phát triển, an ninh lương thực được đảm bảo thì nhu cầu quay về sử dụng các giống lúa cổ truyền, chất lượng cao lại tăng lên. Do đó, việc bảo tồn, phục tráng lưu giữ các nguồn gen quý lại đặt ra một cách cấp thiết.
Nhận thức được điều này, từ năm 2017, lãnh đạo tỉnh đã giao cho ngành chuyên môn thực hiện đề tài "Nghiên cứu phục tráng và phát triển giống lúa "Nếp hạt Cau" cổ truyền tại huyện Nho Quan". Để hiểu rõ hơn về quá trình phục tráng, chúng tôi tìm gặp chủ nhiệm đề tài này, ông Lã Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh. 
Ông Tuấn chia sẻ: Năm 2017, khi mới thực hiện đề tài, chúng tôi đã tìm xuống tận các hộ dân để điều tra, khảo sát tình hình sản xuất và thu thập vật liệu nguồn. Điều khó khăn nhất là ở mỗi hộ dân, mỗi địa phương khác nhau thì lại có cách chọn lọc và để giống khác nhau. Có hộ chọn cây cao, hộ lại chọn cây thấp, có hộ chọn hạt to, vỏ đậm, có hộ chọn hạt vừa, vỏ nhạt hơn... Tuy nhiên, có một điều may mắn là trước đó, giống lúa này đã có sẵn bản mô tả giống. Chúng tôi chỉ việc thu thập các cây lúa giống đúng với bản miêu tả nhất. Ấy thế mà cũng mất đến hơn 3 năm kiên trì chọn lọc mới có thể đưa ra được bộ giống siêu nguyên chủng để tiến hành nhân giống nguyên chủng, chuyển giao cho các HTX và bà con nông dân sản xuất, đồng thời hoàn thiện quy trình kỹ thuật giống. 
Được biết, sau thành công của Đề tài khoa học, giống lúa Nếp hạt Cau không chỉ được khôi phục về năng suất và chất lượng mà đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Vì vậy, danh tiếng, giá trị kinh tế tăng lên so với trước đây.
Ông Quách Văn Đức, Trưởng bản Thường Sung, xã Kỳ Phú cho biết: Từ khi được tiếp nhận nguồn giống đã phục tráng, đồng thời được cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn cấy thưa, không để mạ già, phòng trừ sâu bệnh đúng thời điểm, đúng loại thuốc... Nếp Cau ở bản liên tục được mùa, năng suất trung bình khoảng 1,5-1,7 tạ/sào (trước đây chỉ trên dưới 1 tạ/ sào). Đặc biệt, lúa làm ra không đủ để bán, giá cao ngất ngưởng 17-18 nghìn đồng/kg, nông dân lãi trên dưới 1 triệu đồng/sào (gấp 2-3 lần lúa thường). 
 
Cánh đồng lúa Nếp hạt Cau ở Kim Sơn
Tại Kim Sơn, nơi có diện tích gieo cấy Nếp hạt Cau lớn nhất tỉnh Ninh Bình, liên tiếp mấy vụ sản xuất trở lại đây, địa phương đã xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết sản xuất lúa Nếp hạt Cau theo hướng hữu cơ. Đây là một bước tiến vượt bậc giúp nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống. 
Ông Lê Văn Thắng, Phó Giám đốc HTX Thượng Kiệm (Kim Sơn) hồ hởi khoe với chúng tôi: Vụ Mùa vừa qua, gần 100 hộ nông dân đã phối hợp với ngành chuyên môn, các nhà khoa học, doanh nghiệp cùng nhau sản xuất lúa theo một phương thức hoàn toàn mới. Không thuốc trừ cỏ, không phân bón hóa học nhưng năng suất lúa vẫn cao, trên hết là môi trường, sức khỏe người nông dân được đảm bảo vì không phải tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại như trước kia nữa. 
Giờ đây, chúng tôi tự tin với sản phẩm lúa gạo mình làm ra, gạo không chỉ ngon mà còn sạch và lành. Người tiêu dùng ưa chuộng, giá lúa cao, những hộ nông dân cấy với diện tích lớn sẽ có thu nhập cao, có một cái Tết đủ đầy hơn. 
Được biết, trên địa bàn huyện Kim Sơn, lúa Nếp hạt Cau có sự phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây. Nếu như năm 2016, diện tích cấy giống lúa này chỉ khoảng hơn 500 ha thì nay đã tăng lên 2.500 ha. Đã hình thành nhiều vùng sản xuất lúa Nếp hạt Cau hàng hóa, canh tác theo hướng hữu cơ với quy trình khép kín, từ khâu chọn giống đến liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm để chế biến, đóng gói và bán đến tay người tiêu dùng. 
Thăm những cánh đồng cấy lúa Nếp hạt Cau, tôi cảm thấy vui và ấm áp hơn khi biết rằng công sức của những người nông dân tảo tần làm ra hạt gạo đó giờ đây đã được đền đáp xứng đáng với một mức thu nhập tốt hơn. Tin rằng, tới đây sản phẩm Nếp hạt Cau của Ninh Bình sẽ tiếp tục được mở rộng, đưa hương mùa nối mùa...
TTBCXB


 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.