MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1071312
Số người trực tuyến:6
MÔ HÌNH HAY
Với vị trí địa lý 18 km bờ biển, 2 cửa sông lớn là sông Đáy và sông Càn cùng hàng nghìn héc ta cồn bãi liên tục được phù sa bồi đắp đã tạo lợi thế rất lớn để huyện Kim Sơn phát triển nghề nuôi ngao cho năng suất cao.
 
 

Nông dân Kim Sơn thu hoạch ngao

 

Những bước tiến quan trọng

 

Nghề nuôi ngao đến với người dân ven biển Kim Sơn muộn hơn nhiều địa phương khác trong toàn quốc. Ở các huyện ven biển tỉnh Nam Định, ngay từ năm 1992, nông dân đã bắt đầu nuôi ngao, còn ở Kim Sơn phải đến những năm 2006-2007 mới có một số hộ nuôi thử nghiệm với diện tích rất nhỏ. Tuy nhiên, ngay từ những vụ nuôi đầu tiên, con ngao đã thích hợp với điều kiện nguồn nước, đất đai ở đây, cho sản lượng, chất lượng rất tốt. 

 

Ông Nguyễn Văn Môn (xã Kim Đông) nhớ lại: Ngày đó, nhờ thị trường tiêu thụ thuận lợi nên giá trị kinh tế mà con ngao đem lại rất cao, nghề nuôi ngao được ví như nghề nuôi "vàng trắng". Dẫu vậy, khó khăn lớn nhất của người nuôi ngao lúc bấy giờ là con giống. Do giống ngao chủ yếu được khai thác ngoài tự nhiên hoặc đưa từ các tỉnh phía Nam về nên số lượng hạn chế, kích cỡ không đồng đều, đến khi thu hoạch rất vất vả và khó phân loại. Điều này đã thôi thúc những nông dân như chúng tôi tìm tòi, nghiên cứu để tự sản xuất được con giống. 

 

Khoảng năm 2010-2012, những con ngao giống đầu tiên được sinh sản nhân tạo thành công trên vùng đất Kim Sơn. "Đi sau nhưng về trước", từ chỗ phải nhập giống, đến nay, toàn huyện có trên 300 cơ sở sản xuất giống ngao, cung ứng ra thị trường mỗi năm trên 90 tỷ con, đưa Kim Sơn trở thành thủ phủ sản xuất giống nhuyễn thểở miền Bắc, sản phẩm xuất bán đi khắp các tỉnh Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh... và cả một số tỉnh phía Nam. 

 

Giải quyết được khâu đầu vào quan trọng là giống, nghề nuôi ngao ở Kim Sơn càng có cơ hội để mở rộng và phát triển. Giữa năm 2012, Bộ Nông nghiệp & PTNT chính thức bổ sung vùng thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ tại huyện Kim Sơn vào chương trình giám sát quốc gia. Năm 2014, ngao Kim Sơn là 1 trong 2 sản phẩm đầu tiên được UBND tỉnh lựa chọn hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận. Đến nay, diện tích nuôi toàn vùng đã mở rộng ra trên 1.200 ha, sản lượng 25-30 nghìn tấn ngao thương phẩm/năm. Sản xuất, khai thác và chế biến ngao dần trở thành nguồn sinh kế quan trọng của người dân vùng ven biển. 

 

Điểm nhấn quan trọng mở ra cơ hội lớn cho nghề nuôi ngao của địa phương là mới đây, vùng nuôi ngao Kim Sơn đã chính thức được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu Control Union cấp giấy chứng nhận ASC, trở thành vùng nuôi ngao thứ 2 ở Việt Nam cũng như thế giới có được chứng nhận cấp quốc tế này. 

 

ASC là chữ viết tắt của Aquaculture Stewardship Council (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản). Đây là một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận, được thành lập năm 2009 bởi Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan (IDH), nhằm quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu đối với việc nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm. ASC xây dựng bộ tiêu chuẩn chứng nhận dựa trên bốn nền tảng chính là: môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm. ASC là chứng nhận rất có ý nghĩa trên thị trường thế giới. Với chứng nhận ASC, sắp tới, sản phẩm ngao của Ninh Bình sẽ có cơ hội xuất đi nhiều quốc gia. Đây là những tiền đề quan trọng để thúc đẩy nghề nuôi ngao ở Ninh Bình nói riêng, Việt Nam nói chung phát triển lên một tầm cao mới. 

 

Cơ hội đi kèm thách thức

 

Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ Nông nghiệp & PTNT) đánh giá: Nhu cầu của thị trường quốc tế đối với các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ rất cao. Trong khi đó, vùng nuôi ngao Kim Sơn đã đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế ASC, điều này sẽ mở ra cơ hội phát triển bền vững cho nghề nuôi ngao ở đây. Khi con ngao được xuất khẩu sang những thị trường lớn, khó tính, bà con sẽ thu được nguồn lợi cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên cũng theo ông Khôi, đạt được chứng nhận đã khó, giữ được chứng nhận còn khó hơn, bởi vậy, chính quyền địa phương phải quy hoạch vùng ngao một cách chi tiết để ổn định sản xuất. Đồng thời, cần làm tốt công tác quản lý, quan trắc môi trường, kiểm soát chặt không để các nguồn ô nhiễm xâm nhập vào vùng nuôi. Bà con nuôi ngao cũng phải tuân thủ các bước mà ASC đã đề ra trong quy trình nuôi, chỉ thả với mật độ cho phép, không nên nuôi dày quá. 

 

Ông Vũ Minh Hoàng, Chi cục phó Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, nghề nuôi ngao ở Kim Sơn cũng còn một số tồn tại, khó khăn như: Thời tiết khí hậu ngày càng diễn biến bất thường; trong khi đa số bà con thả nuôi theo kinh nghiệm, việc tiếp thu các tiến bộ khoa học còn hạn chế, thiếu sự liên kết, hợp tác giữa các cơ sở ương nuôi và người nuôi thương phẩm, có lúc, có nơi xảy ra hiện tượng thừa, thiếu giống cục bộ. Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường biển đang là mối đe dọa rất lớn đến sự phát triển bền vững của nghề nuôi ngao. 

 

Trước những cơ hội cũng như thách thức đó, ông Phạm Văn Quang, Giám đốc HTX ngao Kim Sơn khẳng định: Để có được chứng nhận ASC là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực của cộng đồng nuôi ngao. Do vậy, đương nhiên chúng tôi sẽ có trách nhiệm cùng nhau bảo vệ, gìn giữ môi trường để con ngao sống tự nhiên, khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. 

 

Cùng đồng hành với người nuôi ngao Kim Sơn để xây dựng vùng nuôi ngao đạt chứng nhận ASC, ông Lê Quý Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa chia sẻ: Công ty sẽ thường xuyên gắn bó với HTX nuôi ngao Kim Sơn trong việc kiểm soát về môi trường, tuân thủ các quy định để bảo vệ được chứng nhận ASC. Chúng tôi cũng cam kết thu mua hết sản lượng ngao mà bà con sản xuất ra với giá cao hơn thị trường, giúp thu nhập của bà con ngày một tốt hơn. Đặc biệt, trong tương lai tới đây, Công ty dự định xây dựng một nhà máy chế biến thủy hải sản ngay tại Kim Sơn để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Tiến Đạt


 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.