MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1069821
Số người trực tuyến:1
KHUYẾN NÔNG

Chính Tâm (Kim Sơn) là xã thuần nông, có gần 200 ha đất nông nghiệp. Những năm trước đây, thu nhập của người dân chủ yếu từ cây lúa, đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhằm tăng thu nhập và nâng cao đời sống, Chính Tâm đã tìm tòi và đưa vào trồng cây trạch tả - một cây thuốc nam có hiệu quả kinh tế cao.
 

Anh Trần Văn Tuyến chăm sóc thửa ruộng trạch tả mới trồng.

Trạch tả còn có tên gọi khác là Mã đề nước, thích nghi rộng rãi ở điều kiện khí hậu, đất đai nhiều vùng. Là cây trồng dưới nước, nhất là ruộng có bùn sâu, nhiều màu như chân ruộng chiêm, ven hồ, đầm, ao... nên rất thích hợp với ruộng 2 lúa trũng ở xã Chính Tâm.

Theo y học cổ truyền, trạch tả có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng lợi thủy, thẩm thấp, thanh nhiệt. Cây thuốc này được dùng chủ yếu để chữa bệnh thủy thũng, viêm thận, tiểu tiện khó, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt... Ngoài ra, trạch tả còn được dùng trong các bài thuốc chữa cao huyết áp, lipt máu cao...

Đồng chí Vũ Văn Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Chính Tâm cho biết: Những năm gần đây, cây thuốc nam là nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh với nhu cầu ngày càng cao. Trạch tả là cây dễ trồng, thích ứng rộng, có thời gian sinh trưởng ngắn mà hiệu quả kinh tế lại cao hơn nhiều so với các cây trồng khác.

Đặc biệt, giống cây này rất phù hợp với loại đất 2 lúa trũng, nên thuận lợi cho người dân trong việc canh tác, cải tạo đất, nâng cao giá trị kinh tế. Ngoài cây trạch tả trồng vào vụ đông, thời gian khác trong năm, các hộ dân ở đây còn trồng thêm một số loại cây thuốc nam trên diện tích đất vườn.

Vụ đông 2014 - 2015, toàn xã có trên 10 ha trồng trạch tả. Sau khi thu hoạch xong lúa vụ mùa, người dân nơi đây lại hối hả “tay cuốc, tay bừa”, dọn đồng, làm đất để chuẩn bị cấy trạch tả. Có hộ cấy hơn 1 mẫu, có hộ ít hơn, khoảng 4 - 5 sào. Cũng giống như cây lúa, trạch tả được cấy từ cây con. Hạt được gieo từ giữa tháng 9, sau khoảng 30 - 35 ngày là có thể nhổ lên đem cấy với mật độ 8 - 10 cây/m2. Thời vụ cấy tốt nhất là từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 10 tháng 10.

Gia đình anh Trần Văn Tuyến, xóm 2, xã Chính Tâm trồng gần 1 mẫu trạch tả cho biết: Chăm bón cây trạch tả cũng cần bón phân kết hợp với làm cỏ và phòng trừ sâu bệnh thường xuyên. Đến vụ thu hoạch, củ trạch tả được đào lên, rửa sạch. Lấy cót quây tròn, dùng diêm sinh để hun đến khi củ chín mềm, rồi đem phơi hoặc sấy khô. Với gần 1 mẫu trồng trạch tả, sau khi trừ chi phí, ước tính gia đình anh Tuyến có thể “bỏ túi” từ 15 - 20 triệu đồng.

Về hiệu quả kinh tế tính trên 1 vụ, trạch tả thu lợi nhuận gấp đôi so với cây lúa. Mỗi kg của trạch tả khô có giá khoảng 40 nghìn đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi sào thu lợi nhuận gần 2 triệu đồng. Thuận lợi hơn là đầu ra cho sản phẩm khá ổn định. Xã có Tổ hợp tác trồng cây thuốc nam được thành lập từ năm 2009, với nhiệm vụ chính là chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, cung ứng giống cây và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Cùng với sự phát triển mạnh của phong trào trồng cây thuốc nam tại xã, một số đầu mối thương lái của huyện cũng nhận thu mua sản phẩm. Với đầu ra ổn định, người dân xã Chính Tâm đang hình thành nếp nghĩ, nếp làm, hy vọng gắn bó lâu dài với giống cây này.

Đồng chí Vũ Văn Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Chính Tâm phấn khởi cho biết thêm: Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ việc trồng cây trạch tả vụ đông năm 2015 này, ước tính diện tích trồng cây trạch tả trên đất 2 lúa là khoảng 25 - 30 ha. Trong thời gian tới, xã tiếp tục định hướng nhân rộng diện tích trồng trạch tả trên đất 2 lúa, từng bước thay cây đậu tương bằng cây trạch tả.

Bài, ảnh: Thái Học (baoninhbinh.org.vn)

 



 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.