MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1070659
Số người trực tuyến:12
CÁCH LÀM SÁNG TẠO
 Thực hiện Nghị quyết số 04, ngày 24/10/2016 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016 - 2020, các ngành, địa phương trong tỉnh đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận và chung tay của các giai tầng xã hội, thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, cải thiện đáng kể đời sống nhân dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi.
 

 Lãnh đạo huyện Nho Quan tặng quà cho các công nhân nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán.

 
Để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo theo tinh thần của Nghị quyết số 04, ngay từ đầu nhiệm kỳ, UBND huyện Nho Quan đã xây dựng kế hoạch sát với tình hình thực tế, cụ thể của địa phương, từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể, lộ trình thích hợp, phân công trách nhiệm rõ ràng cho các cấp, các tổ chức, đoàn thể và mỗi cán bộ, đảng viên. Nhờ đó, công tác giảm nghèo đã đạt những kết quả vững chắc. 
 
Được biết, để giảm nghèo hiệu quả, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Nho Quan đã thực hiện nghiêm túc công tác rà soát hộ nghèo, từ đó xác định nguyên nhân nghèo để có phương án hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt chỉ đạo các tổ chức hội đoàn thể đứng ra tín chấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên, đoàn viên, hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất; tạo điều kiện về đất sản xuất, dạy nghề để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo... Các chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm và Chương trình 135 đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn các xã vùng dân tộc, miền núi, nhất là các xã đặc biệt khó khăn. Trong giai đoạn 2016-2019, huyện Nho Quan có 7 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (hiện nay còn 24 thôn đặc biệt khó khăn), chiếm 22,58%, đạt chỉ tiêu đề ra, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 8,55% năm 2015, ước còn 3,2% vào cuối năm 2020. Như vậy trong nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm 5,3 %.
 
Những năm qua, để giảm nghèo hiệu quả, với phương châm "cho cần câu hơn xâu cá", các ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Đặc biệt, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tích cực, chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành các chính sách đặc thù nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ thuộc địa bàn 55 xã đặc thù của tỉnh đã được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi đi xuất khẩu lao động, du học nghề nhằm từng bước ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 103.935 người (bình quân mỗi năm tạo việc làm cho 20.787 lao động, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI), trong đó có 6.252 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. 
 
Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo, cận nghèo, hộ có khó khăn được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. 5 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hơn 32 nghìn hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn phát triển sản xuất; 2 nghìn học sinh, sinh viên có khó khăn được đi học; xây dựng và cải tạo gần 100 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh; giải quyết việc làm cho gần 10 nghìn lao động; xây mới và cải tạo trên 500 ngôi nhà cho hộ nghèo... với tổng doanh số cho vay đạt 2.921 tỷ đồng.
 
Nhiều giải pháp làm tốt công tác giảm nghèo
 
Hội Chữ thập đỏ huyện Kim Sơn và các nhà hảo tâm tặng quà Tết cho người nghèo trên địa bàn huyện.
Đặc biệt, phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" bước đầu đã lan tỏa tới các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư. Các xã, phường, cộng đồng dân cư thi đua đoàn kết giúp, hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và cùng nhau vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Từ năm 2015 đến nay, có trên 50 nghìn lượt học sinh thuộc hộ nghèo được miễn giảm học phí với tổng số tiền trên 8 tỷ đồng; cấp trên 600 nghìn thẻ BHYT cho người nghèo, người cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn và người dân sống tại vùng KT-XH đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí 185,8 tỷ đồng. Người nghèo được hưởng 100% chi phí thanh toán dịch vụ khám chữa bệnh, được hỗ trợ tiền ăn và chi phí đi lại tại các cơ sở khám, chữa bệnh; trên 140 nghìn lượt hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện, với số tiền trên 19 tỷ đồng…
 
Trong công cuộc giảm nghèo ở Ninh Bình, MTTQ và các đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… đã phát huy vai trò, trách nhiệm, bám sát Nghị quyết, sâu sát cơ sở, tận tình vận động, hướng dẫn người nghèo biết cách làm ăn, xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Hội Nông dân xây dựng hàng trăm mô hình phát triển kinh tế trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp. 100% số cơ sở của Hội phụ nữ tổ chức hướng dẫn kiến thức khoa học- kỹ thuật cho hội viên; Đoàn thanh niên có dự án làng thanh niên nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ bò sinh sản, đưa giống ngô mới vào sản xuất… Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể còn bảo lãnh cho hội viên nghèo được vay vốn tín chấp với lãi suất ưu đãi giải quyết việc làm. Nguồn vốn này đã giúp những người nghèo trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán nhỏ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, phát triển kinh tế gia đình.
 
Công cuộc giảm nghèo của tỉnh còn nhận được sự đồng hành, hưởng ứng tích cực của các đơn vị, tổ chức và các nhà hảo tâm. Truyền thống "lá lành đùm lá rách" của dân tộc đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, hun đúc thành những việc làm cụ thể, thiết thực, ý nghĩa dành cho người nghèo. Tiêu biểu như Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup đã tham gia tích cực vào các hoạt động nhân đạo từ thiện. 5 năm qua, vào dịp lễ, Tết, Quỹ đã tặng trên 5 nghìn suất quà, giá trị khoảng 600 nghìn đồng/suất cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo; mua tặng 2.983 con bê giống, với tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng, đến nay đã sinh sản thêm 4.286 bê con, góp phần giúp các hộ nghèo tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo…
 
Với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm đều qua các năm. Từ 7,46% (năm 2015) đã giảm xuống còn 5,77% (năm 2016), 4,53% (2017), 3,63% (2018),  2,57% vào cuối năm 2019 và phấn đấu giảm xuống còn 2% vào cuối năm 2020. 
 
Bài, ảnh: Đào Hằng - Minh Quang (baoninhbinh.org.vn)


 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.