MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1070606
Số người trực tuyến:18
MÔ HÌNH HAY
 Xã Xuân Viên (huyện Yên Lập) có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới gần 95% dân số. Xuất phát điểm kinh tế thấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới trên 23% (năm 2016), đến nay đời sống người dân từng bước được cải thiện nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo định hướng tập trung phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm. Đến nay, thu nhập bình quân đạt trên 34 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm còn hơn 8%. 

 Vài năm trở lại đây, nghề chăn nuôi gia cầm phát triển khá mạnh ở Xuân Viên. Không chỉ dừng lại ở những mô hình nuôi quy mô nhỏ lẻ, hiện toàn xã đã có hơn 20 hộ chăn nuôi gà quy mô lớn với số lượng từ 1.000 trở lên theo chuỗi liên kết. Từ đó, đã trở thành phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. 


Sở hữu diện tích đất đồi trước kia chỉ là vườn tạp, giá trị kinh tế thấp, cách đây 4 năm, gia đình anh Trần Văn Công ở khu 2 đã chặt bỏ vườn tạp để xây dựng chuồng chăn nuôi gà với quy mô khoảng 3.000 con gà thịt Lạc Thủy (Hòa Bình) và gà Mía (Sơn Tây). Nhờ chăm sóc tốt, tích cực phòng dịch bệnh, nên đàn gà của gia đình anh đảm bảo về chất lượng, được thương lái đến tận nhà thu mua. Trừ chi phí mỗi năm gia đình anh thu lãi khoảng 170-200 triệu đồng. Nhận thấy mô hình chăn nuôi gà của gia đình anh Công mang lại hiệu quả cao, nhiều gia đình trong khu cũng học hỏi và làm theo và trở thành nhóm hộ liên kết chăn nuôi bền vững. Các thành viên tham gia nhóm liên kết đều tuân thủ nguyên tắc hoạt động như xuất nhập đàn cùng thời điểm; sử dụng cùng loại con giống được thị trường ưa chuộng; sử dụng cùng thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi để thuận lợi trong việc quản lý; chăm sóc đàn gà và tuân thủ đúng quy trình chăn nuôi an toàn. Đây là mô hình kinh tế tiêu biểu ở địa phương, ngoài việc mang đến nguồn thu nhập ổn định, giúp tổ viên nâng cao đời sống kinh tế còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Ông Trần Khải Hoàn - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Chăn nuôi gà đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đặc biệt là chăn nuôi giống gà ri thả vườn, các chủ trang trại tự liên kết với nhau hỗ trợ nhau từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Từ đó, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ vươn lên làm giàu”.

 
Chăn nuôi trâu, bò vỗ béo đã mang lại cho gia đình ông Đinh Văn Học thu nhập cao, ổn định.
 

Cùng với chăn nuôi gà, những năm gần đây chính quyền xã cùng Hội Nông dân đã xác định phát triển chăn nuôi trâu, bò là một trong những hướng đi quan trọng giúp người dân xoá đói, giảm nghèo. Do đó, các lớp tập huấn khuyến nông liên tiếp mở ra thu hút hàng trăm lượt hội viên nông dân theo học. Từ đó, khai thác tối đa nguồn lực tại chỗ, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững. Nếu như trước đây, gia đình ông Đinh Văn Học ở khu Đồng Xuân đầu tư xây dựng chuồng trại phục vụ chăn nuôi lợn là chính, còn nuôi trâu, bò chủ yếu là thả rông trên đồi rừng. Do vậy, việc chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh không được thường xuyên. Từ khi dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, ông đã tìm cách chuyển đổi hướng phát triển kinh tế gia đình. Được sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ chuyên môn huyện cùng với tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng, gia đình ông quyết định đầu tư làm chuồng trại, trồng  cỏ voi để nuôi trâu, bò vỗ béo bán lại cho các thương lái. Ông Học chia sẻ: “Tôi chuyển hướng sang chăn nuôi trâu, bò vỗ béo nay cũng được hơn 2 năm thấy hiệu quả kinh tế cao, giá cả tương đối ổn định. Tính ra một năm nuôi trâu, bò gia đình thu lãi khoảng 200 triệu đồng”. 

Từ mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo của gia đình ông Đinh Văn Học đang được nhiều hộ chăn nuôi trong xã học tập. Để góp phần giảm nghèo bền vững, Chủ tịch UBND xã Trần Khải Hoàn mong muốn thời gian tới, UBND huyện tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ thường xuyên hơn nữa về nâng cao năng lực giảm nghèo cho cán bộ xã và cơ sở; đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác giảm nghèo được theo học các lớp đào tạo ngắn và dài hạn nhằm tăng cường nghiệp vụ chuyên môn trong công tác giảm nghèo. Cùng với đó, các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho người dân vay vốn giải quyết việc làm, vốn hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu lao động… sẽ góp phần mở rộng sản xuất, thu hút lao động tại chỗ và tăng thu nhập cho hộ dân.   

Sơn Lâm, Báo Phú Thọ (mic.gov.vn)


 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.