MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1066021
Số người trực tuyến:2
MÔ HÌNH HAY
  Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) đã có nhiều giải pháp đồng bộ giải quyết việc làm và giúp người dân thoát nghèo bền vững, trong đó có việc tập trung phát triển các mô hình HTX, tổ hợp tác.

  Theo đại diện UBND huyện Vũng Liêm, từ năm 2015 đến nay, huyện đã thành lập được 25 HTX, nâng tổng số HTX đến nay là 37, trong đó, HTX hoạt động khá chiếm 81%. Ngoài ra, huyện còn xây dựng và phát triển được 99 tổ hợp tác, trong đó, tổ hợp tác hoạt động khá, tốt chiếm gần 70%.

Nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm
 
Việc tập trung phát triển HTX, tổ hợp tác có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững bởi các HTX, tổ hợp tác chính là nơi giúp người dân phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
 
Tiêu biểu như HTX Xoài cát núm Quới An (xã Quới An) đang trồng 9ha xoài núm theo tiêu chuẩn VietGAP và liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu xoài sang Hàn Quốc. Nhờ sản xuất theo chuỗi, HTX góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập 10 thành viên và 8 lao động. Hiện, thu nhập bình quân của người lao động dao động 5-6 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra người dân còn có thể làm thêm các việc khác để nâng cao thu nhập.
 
 
HTX Quới An nâng cao thu nhập người dân từ phát triển trồng xoài cát núm.
 
Chẳng hạn như HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (xã Trung Ngãi) đang sản xuất hàng trăm ha lúa hữu cơ và an toàn, đồng thời đầu tư xây dựng nhà xưởng chế biến lúa gạo khép kín. Đến nay, sản phẩm gạo của HTX xuất ra thị trường có tem nhãn rõ ràng và có giá cao hơn so với những hộ dân sản xuất thông thường. Hoạt động của HTX không chỉ giải quyết bà toán đầu ra cho sản phẩm lúa gạo mà còn giúp hàng trăm hộ dân, người lao động có việc làm và nâng cao thu nhập nhờ tham gia chuỗi giá trị hàng hóa.
 
Có thể thấy, mô hình kinh tế hợp tác đang trở thành thành phần kinh tế có vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm, giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên và đông đảo người dân trên địa bàn huyện.
 
Đi cùng với đó là chất lượng hoạt động của khu vực kinh tế hợp tác ngày càng được nâng lên, quy mô được mở rộng, hình thức hoạt động đa dạng hơn. Hiện, huyện đã có các tổ hợp tác, HTX phát triển trên tất cả các lĩnh vực ngành nghề, đặc biệt là phát triển chuỗi ngành hàng nông sản. Theo Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, đến nay, huyện có 15 HTX nông nghiệp - thủy sản, 10 HTX tiểu thủ công nghiệp, 8 HTX xây dựng, 1 HTX thương mại dịch vụ và 1 HTX giao thông vận tải, 2 HTX dịch vụ chợ.
 
Đồng thời, các HTX, tổ hợp tác đã phát huy tiềm năng lợi thế, đẩy mạnh liên doanh, liên kết nhằm phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Tiêu biểu như: HTX Thủ công mỹ nghệ Thiên Tân (xã Trung Thành), HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (xã Trung Ngãi), HTX chiếu lác Thành Đông (xã Trung Thành Đông)…
 
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc HTX Chiếu lác Thành Đông, cho biết lao động làm việc tại HTX có việc làm xuyên suốt, nếu chịu khó gắn bó thì sẽ có thu nhập ổn định cải thiện cuộc sống rất tốt.
 
Gắn bó với HTX Chiếu lác Thành Đông từ lúc thành lập đến nay, chị Nguyễn Thị Út lúc trước nhận xe lõi lác làm thêm ở nhà, giờ chị vào HTX làm công đoạn dệt quanh năm, thu nhập được trung bình 4 triệu đồng/tháng. “Nhờ có việc làm thường xuyên vậy nên đời sống kinh tế ổn định, có dư để mua sắm đồ đạc sinh hoạt trong nhà”, chị Út vui vẻ cho biết.
 
Giảm tỷ lệ hộ nghèo
 
Ngoài phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, trong quá trình thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, huyện đã tổ chức và thực hiện phong trào “Vì người nghèo”. Qua đó, các biện pháp hỗ trợ về sản xuất và đời sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được triển khai hiệu quả thông qua các chương trình, dự án, các chính sách ưu đãi...
 
Huyện cũng kết nối các HTX, hộ nghèo, cận nghèo với các ngân hàng để giúp họ vay vốn với lãi suất ưu đãi để có điều kiện sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo hiệu quả.
 
 
 
 
Người dân thu hoạch lác sau đó cung cấp cho HTX Chiếu lác Thành Đông.
 
Song song đó, Vũng Liêm triển khai thực và hiện các chính sách chăm lo cho người có công với cách mạng và các đối tượng bảo trợ xã hội. Nổi bật, huyện vận động quỹ Đền ơn đáp nghĩa đạt trên 4,3 tỷ đồng, xây dựng và sửa chữa 786 căn nhà tình nghĩa với kinh phí trên 30 tỷ đồng, xây dựng 977 căn nhà đồng đội và nhà đại đoàn kết, nhà mái ấm công đoàn với kinh phí 22 tỷ đồng. Song song đó, Vũng Liêm đẩy mạnh giải quyết dứt điểm hồ sơ chính sách tồn đọng sau chiến tranh, đến nay cơ bản không còn gia đình chính sách khó khăn về nhà ở.
 
Theo UBND huyện Vũng Liêm, từ năm 2015 đến nay, đời sống kinh tế của người dân được nâng lên đáng kể. Hàng năm, công tác giảm nghèo đều đạt chỉ tiêu, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6,59% (năm 2015) xuống còn 1,26% (cuối năm 2019), tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 1,06%/năm. Thu nhập bình quân đầu người dự kiến đến cuối năm 2020 đạt 45,2 triệu đồng/người/năm.
 
Huyền Trang, Thời báo kinh doanh (mic.gov.vn)

 



 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.