MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1066153
Số người trực tuyến:1
CÁCH LÀM SÁNG TẠO
 Địa hình của huyện Nho Quan phức tạp, được phân thành 3 vùng rõ rệt là vùng núi đá vôi, vùng bán sơn địa và vùng đồng chiêm trũng đã gây rất nhiều khó khăn cho việc phát triển nông nghiệp. Những năm qua, biến khó khăn thành lợi thế, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với đặc thù của địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực.
 

 Mô hình trồng thanh long tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan.


Thuận lợi, khó khăn đan xen cả về điều kiện tự nhiên và xã hội đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong huyện cần có quyết tâm lớn để vươn lên. Trong nhiều năm qua, quyết tâm ấy đã được thể hiện bằng chính những chủ trương, chính sách, chương trình hành động cụ thể của cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện. Đồng chí Hoàng Khắc Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Nho Quan đã định hướng, tạo điều kiện để vùng cao, vùng bán sơn địa phát triển trồng trọt với cây trồng chính là cây công nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả, rau, củ, quả an toàn, cây lấy gỗ...; chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại với các vật nuôi chủ lực như trâu, bò, lợn, dê, gà và các con nuôi đặc sản như ong, lợn rừng, hươu; vùng chiêm trũng phát triển trồng lúa; nuôi trồng thủy sản kết hợp với chăn nuôi thủy cầm; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, giá trị gia tăng cao...

Hiện nay, Nho Quan đang tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp, mạnh dạn chuyển đổi, áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, gắn sản xuất với tiêu thụ và từng bước xây dựng nhãn hiệu nông sản. Một số địa phương đã khẳng định được thương hiệu con nuôi đặc sản như xã Đồng Phong với mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học, chủ yếu là gà lai Đông Tảo với sự góp mặt của 12 thành viên, trung bình mỗi hộ nuôi 1.000-3.000 con gà/lứa.

Huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị gắn với việc phát triển các nhóm cây trồng chủ lực theo lợi thế của từng địa phương, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản phẩm an toàn. Tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các khâu sản xuất, đặc biệt là giống, kỹ thuật thâm canh, cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch sản phẩm. Nhiều mô hình đã được triển khai mang lại hiệu quả cao như mô hình áp dụng kỹ thuật gieo thẳng, áp dụng giống lúa kháng bệnh bạc lá, mô hình tưới tiết kiệm trên cây ăn quả, cây dược liệu, cơ giới hóa khâu làm đất, bón phân, thu hoạch... Đến nay, cơ bản diện tích làm đất trồng lúa đã thực hiện bằng máy, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hoàn đạt trên 90%, góp phần giảm chi phí, tăng giá trị sản phẩm. 

Đối với vùng chiêm trũng, huyện đã tập trung phát triển thủy sản theo hướng khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước, diện tích lúa vùng trũng. Do vậy, diện tích nuôi trồng thủy sản hàng năm tăng dần, đến nay ước đạt 3.600 ha, tăng 1.000 ha so với năm 2015, sản lượng ước đạt 8.250 tấn, tăng 2.706 tấn so với năm 2015. Huyện đã tập trung mở rộng diện tích ở các xã Thượng Hòa, Sơn Thành, Thanh Lạc, Phú Lộc, Quỳnh Lưu. Các vùng nuôi, trồng thủy sản đã chuyển từ hình thức quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh. Một số con nuôi được đưa vào thâm canh như chạch sụn, ếch đồng, cá trắm đen...

Huyện cũng khuyến khích phát triển các hình thức kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ... Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ liên kết sản xuất có hiệu quả như Hợp tác xã chăn nuôi gà thôn Phong Thành, xã Đồng Phong; Hợp tác xã rau củ an toàn xã Lạng Phong; Hợp tác xã cây dược liệu Cúc Phương, xã Cúc Phương; tổ hợp tác chăn nuôi dê, các tổ hợp tác thủy sản, HTX chăn nuôi thỏ xã Gia Tường... Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, các tổ hợp tác đi vào hoạt động đã tạo điều kiện giúp các thành viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thực hành chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng các chế phẩm vi sinh nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời nâng cao ý thức cho người chăn nuôi về bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Có thể nói, với những giải pháp, chính sách phù hợp và hướng đi hiệu quả, huyện Nho Quan đã từng bước đẩy nhanh mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững. Do đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất đến năm 2020 ước đạt 5,07%, tăng 4,07% so với mục tiêu Đại hội; ước tính khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 24,42% trong cơ cấu kinh tế. Giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đến cuối nhiệm kỳ đạt 100 triệu đồng. Trong chăn nuôi, những đặc sản của Nho Quan được nhiều người biết đến, lưu thông rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh đó là: hươu, nai, ong, lợn bản địa, vịt siêu trứng, gà thả đồi, khoai sọ, nếp cau. Bên cạnh đó, hiệu quả của kinh tế đồi rừng đã góp phần tích cực vào việc giảm nghèo và giữ vai trò quan trọng trong việc phòng hộ, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái...

Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, thời gian tới, huyện Nho Quan sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, giá trị trên 1 ha đất canh tác. Tạo điều kiện để tích tụ ruộng đất, khắc phục sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, từng bước hình thành vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp hàng hóa với quy mô phù hợp. Củng cố, phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện thành lập các hợp tác xã chuyên ngành, tổ hợp tác liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. 

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm (baoninhbinh.org.vn)


 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.