MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1071947
Số người trực tuyến:2
MÔ HÌNH HAY
  Với lợi thế diện tích rừng lớn, vài năm trở lại đây, phong trào nuôi dê ở tỉnh Bắc Giang đang phát triển mạnh với quy mô từ vài chục đến vài trăm con, góp phần không nhỏ giúp xóa đói giảm nghèo cho các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh.

  Từ chăn nuôi quy mô nhỏ

 
 Với quy mô nhỏ từ 60-80 con/ lứa việc nuôi dê chăn thả đã giúp nhiều hộ nông dân ở các huyện của Bắc Giang thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.
 
Theo báo Bắc Giang, từ một gia đình nằm trong danh sách hộ nghèo của huyện, 5 năm trở lại đây gia đình ông Nguyễn Công Tân, dân tộc Hoa, thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã dần ổn định kinh tế và có của ăn của để nhờ mô hình chăn nuôi dê.
 
 Ông Tân cho biết, diện tích đất vườn của gia đình rất rộng nhưng từ trước đến nay chỉ biết đến chăn nuôi gà và lợn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh và giá cả thị trường bấp bênh nên việc chăn nuôi của gia đình gặp nhiều khó khăn. Đang đau đầu tìm hướng đi mới thì vô tình ông được xem một mô hình chăn nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Hòa Bình qua kênh truyền hình. Nhận thấy sự giống nhau về điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng địa phương, ông Tân cùng gia đình đã mạnh dạn chuyển hướng chăn nuôi.
 
Bước đầu, gia đình ông bỏ ra 10 triệu đồng để mua chục con dê giống. Qua quá trình vừa nuôi vừa học hỏi kiến thức một cách tỉ mỉ, lứa đầu tiên đàn dê nhanh lớn và khỏe mạnh. Thời điểm nhiều nhất đàn dê nhà ông Tân lên đến 60 con. Vừa rồi gia đình ông đã xuẩt bán 30 con dê thương phẩm với giá 120,000 đồng /kg, thu về 78 triệu đồng.
 
Tại huyện Lục Nam, ông Phạm Văn Sơn – một trong những hộ nuôi dê quy mô nhỏ tại thôn Dùm, xã Nghĩa Phương. Hiện tại, gia đình ông đang chăn nuôi dê với số lượng 60 con trên 1 lứa (một năm nuôi 2 lứa). Ông Sơn chia sẻ, thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm chăn thả nên đàn dê hay bị bệnh, ông Sơn lỗ hơn 30 triệu đồng. Sau đó nhờ tìm kiếm học hỏi thêm kiến thức từ sách báo và kinh nghiệm của những người đi trước, dần dần việc chăn nuôi trở nên thuận lợi, mang lại hiệu quả kinh tế.
 
Cũng theo ông Sơn, một con dê xuất chuồng sẽ đạt trọng lượng từ 20-25kg với giá thị trường như hiện giờ thì mỗi con dê sau khi trừ chi phí sẽ cho lãi khoảng 2 triệu đồng. Mỗi lứa bán trung bình gia đình ông thu về 100-120 triệu đồng tiền lãi.
 

Đàn dê nhà ông Phạm Văn Sơn thôn Dùm, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang – Ảnh: Công Danh (Báo Bắc Giang)
 
Hướng đến chăn nuôi dê quy mô tập trung, phát triển thương hiệu
 
Hai năm trở lại đây, UBND huyện Yên Thế đã tiến hành triển khai thực hiện đề án “ Phát triển đàn dê thương phẩm, gắn với xây dựng nhãn hiệu chứng nhận dê Yên Thế giai đoạn 2019-2020” tại một vài xã trên địa bàn huyện. Đến nay, dự án đã đem lại hiệu quả tích cực cho bà con nông dân huyện Yên Thế.
 
Xã Hồng Kỳ – một trong những xã tiêu biểu áp dụng thực hiện đề án phát triển dê thương phẩm- hiện trên địa bàn toàn xã có trên 40 hộ nuôi dê thương phẩm. Tham gia đề án, các hộ dân được hỗ trợ giá, con giống, vacxin tiêm phòng và tập huấn  quy trình kỹ thuật. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư chuyển đổi đã thu được hiệu quả kinh tế cao.
 
Gia đình anh Nông Trần Hiên, thôn Trại Hồng, xã Hồng Kỳ (Yên Thế) là một trong nhiều hộ được hỗ trợ mở rộng mô hình nuôi dê thương phẩm. Mỗi năm gia đình anh duy trì tổng đàn từ 300-400 con với doanh thu đạt khoảng 800 triệu đồng. Trừ chi phí, gia đình anh thu lãi gần 200 triệu đồng.Được biết, giống dê của gia đình anh Hiên nuôi là dê Bách Thảo được lai tạo từ dê bản địa với dê lai nên có chất lượng thịt ngon, được thị trường ưa chuộng. Anh Hiên cho biết: “Thời gian nuôi dê từ nhỏ đến khi xuất bán khoảng 6 tháng, trung bình mỗi con nặng từ 22 – 25 kg, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Thức ăn chủ yếu của dê là lá cây, cỏ voi nên giảm chi phí đầu vào”.
 
Mục tiêu của đề án là đến năm 2020 tỷ trọng giống dê lai có năng suất, chất lượng đạt 60 – 65%, nâng quy mô tổng đàn dê của huyện đến năm 2020 đạt 9.500 con. Số hộ chăn nuôi dê sinh sản quy mô từ 30 con trở lên đạt 50 hộ; số hộ chăn nuôi dê thương phẩm quy mô từ 50 con trở lên đạt 50 hộ; thành lập từ 1 đến 2 HTX chăn nuôi, tiêu thụ liên kết giết mổ chế biến sản phẩm…
 
 
Nuôi dê đang được nhiều hộ nông dân ở Yên Thế xác định là hướng đi chính trong phát triển kinh tế
 
Theo PGS TS Đinh Văn Bình – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Dê và Thỏ Việt Nam, để chăn nuôi dê bền vững, nên có từ vài chục con và thành lập các HTX chăn nuôi dê để hỗ trợ, liên kết với nhau. Cần thiết chú ý: thông tin kỹ thuật làm chuồng trại; nhận biết về bệnh tật, chẩn đoán và điều trị bệnh dê; dinh dưỡng, tạo nguồn thức ăn và hệ thống chăn nuôi dê, nên bao gồm phần kỹ thuật chế biến bảo quản thức ăn, trồng cỏ; vấn đề sinh sản, giống và quản lý giống; kinh tế và thị trường của sản phẩm chăn nuôi dê…
 
Huệ Tây Tạp chí Chăn nuôi VN  (mic.gov.vn)


 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.