MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1066200
Số người trực tuyến:25
THÔNG TIN TỪ CƠ SỞ
 An toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay đang trở thành vấn đề nóng và là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Đây cũng chính là lý do khiến cho Thực – chàng kỹ sư nông nghiệp trẻ, con trai duy nhất của gia đình ông Sỹ bà Vui quyết tâm từ bỏ công việc ổn định trên thành phố để về quê tìm hiểu loại hình nông nghiệp sạch. Điều này cho thấy một sự chuyển động đáng khích lệ, không chỉ là hướng đi mới để tìm kiếm giá trị kinh tế mà còn là sự thay đổi trong quan niệm về nghề nông và khát khao gắn bó lâu dài với đồng đất quê hương của những người trẻ - họ là những nhân tố không thể thiếu trong công cuộc xây dựng nền nông nghiệp sạch trong tương lai.

 (Cảnh nhà Thực)

Ông Sỹ và bà Vui đang đợi Thực về với tâm trạng hết sức lo lắng.
 
Bà Vui: Ông này, thế nó nói với ông cụ thể như thế nào, tôi nghi tai ông nghễnh ngãng lắm.
 
Ông Sỹ: Bà chỉ được cái nghi thì không ai bằng, chuyện gì thì tôi có thể nghễnh ngãng được nhưng riêng chuyện này thì nhất định là không. Tưởng anh ấy làm ăn tốt ở trên thành phố thì đón bố đón mẹ lên an dưỡng tuổi già, ai dè anh ấy lại giở trò bán hết nhà cửa về quê ở với bố mẹ, thế có chán không cơ chứ.
 
Bà Vui: Thì nó nói cụ thể với ông như thế nào?
 
Ông Sỹ: Nó nói là bây giờ nó sẽ bán hết nhà cửa xe cộ gì đó để đầu tư về nhà.
Bà Vui: Nhưng mà nó đầu tư cái gì mới được chứ?
 
Ông Sỹ: Thì ai biết nó đầu tư cái gì, tôi mà biết thì chắc chẳng phải ngỡ ngàng như bà. Chỉ thấy nó bảo là đầu tư làm nông nghiệp sạch gì gì đó. Mà cũng chẳng hiểu được cái thằng này, cả cái vùng nông thôn bao nhiêu năm nay toàn người già, thanh niên trai tráng bỏ đi làm ăn xa hết, giờ nó lại bảo quay lại làm nông, đúng là ngược đời.
 
Bà Vui: Thì ông cứ để cho con nó về rồi hỏi ngọn ngành đã, con trai mình nó là người có học, nó làm gì chắc cũng phải toan tính kỹ rồi mới quyết định chứ.
 
Ông Sỹ: Tính với chả toán cái gì, tính cái con khỉ ấy, tôi lạ gì cái thằng này, lúc nào nó chẳng thích làm ngược đời với người khác.
 
Thực: Dạ vâng ạ, con là như thế mà bố.
 
Bà Vui: Thực đã về đấy à con.
 
Ông Sỹ: Ối giời mày về lúc nào đấy mà mày im hơi lặng tiếng thế hả.

Bà Vui: Cái thằng này làm bố mẹ giật cả mình, này thế về sao không đánh tiếng mà cứ lặng lẽ thế hả con.
 
Thực: Dạ con về được một lúc rồi, thấy bố mẹ nói chuyện con đứng ngoài kia nghe mà không nhịn được cười đâu.
 
Ông Sỹ: Mày lại còn cười nữa, thế vợ con đâu sao không đưa về, có mỗi mình về thế này.
 
Bà Vui: Ừ thế vợ con đâu mà đi một mình thế con.
 
Thực: Vợ con với các cháu vài bữa nữa sẽ về mẹ ạ, con có việc gấp với mấy anh ở Sở NN của tỉnh nên về trước.
 
Bà Vui: Con này, thế mẹ hỏi thật nhé, con quyết định về sống với bố mẹ ở quê thật à?
 
Thực: Vâng, không những con mà cả vợ, con con nữa. Tóm lại gia đình con quyết định bán hết nhà cửa, xe cộ trên thành phố để về quê sống với bố mẹ.
 
Ông Sỹ: Đấy, bà thấy chưa.
 
Bà Vui: Ơ thế…
 
Thực: Để tiện chăm sóc bố mẹ lúc tuổi già luôn, thế bố mẹ không thích chúng con về à?
 
Ông Sỹ: Không, không phải là bố mẹ không thích anh về, mà là bố mẹ thấy nó… nói tóm lại là nó không bình thường. Cả cái làng này thanh niên trai tráng bằng tuổi con đều đi ra ngoài mong thoát khỏi cái nghiệp làm nông, tìm cuộc sống tốt hơn. Con giờ thành đạt rồi, bây giờ trên thành phố lại bỏ hết về quê thế này, bố mẹ và bà con làng xóm suy nghĩ lắm con ạ. Này hay là hai vợ chồng con có vấn đề gì ở trên thành phố à.
 
Bà Vui: Ừ này con, hay là có chuyện gì trên đó mới phải bỏ phố về làng hả con?
Thực: Giời ơi, bố mẹ thật là, bố mẹ chỉ nghĩ một chiều thôi. Về quê cũng có cái hay ở quê mà bố mẹ.
 
Ông Sỹ: Ờ thì thì hay, nhưng mà này hay thì chưa thấy nhưng bố lại thấy lo lo, bố lo cho vợ chồng mày lắm cơ. 
 
Thực: Dạ bố mẹ cứ yên tâm, vợ chồng chúng con cũng tính kỹ cả rồi mới quyết định về quê làm kinh tế. Con cũng xin lỗi là đã không nói rõ với bố mẹ để bố mẹ lo lắng ạ.
 
Ông Sỹ: Ờ thế thì bây giờ anh… anh… anh, ờ bà nói đi.
 
Bà Vui: Thế con nói đi xem nào.
 
Thực: Kể từ lúc con tu nghiệp ở Israel con cũng đã hợp tác rồi chuyển giao công nghệ cho một số đơn vị làm nông nghiệp cao trong tỉnh, hiệu quả cực kỳ bố mẹ ạ.
 
Ông Sỹ: Ờ thế nhưng mà con chuyển giao là chuyển giao cái gì, trồng cây gì hả con. Mày nói bố chẳng hiểu gì cả, càng nói bố lại càng rối tinh cả lên.
 
Bà Vui: tôi cũng chẳng hiểu nó nói cái gì cả.
 
Thực: Bố mẹ bình tĩnh, thế này bố mẹ ạ. Con chuyển giao kỹ thuật trồng nông nghiệp sạch trong nhà kính, cụ thể là hai giống cây cà chua và hoa hồng cho tỉnh nhà. Sau 2 năm thử nghiệm, cách làm này đều cho kết quả cực kỳ cao, không kém gì bên Israel họ làm đâu ạ.

Ông Sỹ, bà Vui: Thế cơ à…
 
Thực: Ví dụ cà chua trồng theo cách truyền thống của ta chỉ cho 20 – 30 tấn/ ha/ năm nhưng trồng trong nhà kính cho năng suất gấp 10 lần. Tức là 250 – 300 tấn/ ha/ năm đấy bố mẹ ạ.
 
Ông Sỹ: Ối giời ơi, thật thế hả con.
 
Thực: Hay như cách trồng hoa hồng theo phương pháp mới cũng vậy, nếu làm theo truyền thống chỉ cho khoảng 1 triệu cành/ ha/ năm nhưng mà trồng trong nhà kính nhá sẽ gấp 15 lần, tức là 15 triệu cành.
 
Bà Vui: thật thế hả con.
 
Thực: Dạ vâng ạ. Đầu năm vừa rồi con đi hội thảo ở nước ngoài và ký kết hợp đồng với các đối tác, họ nhận bao tiêu và phân phối toàn bộ sản phẩm của các đơn vị nông nghiệp sạch ở tỉnh mà con đã chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp cao. Hiện nay nhu cầu của họ lớn, số lượng đáp ứng của các đơn vị làm nông nghiệp cao của tỉnh nhà không đủ nên con mới quyết định về đầu tư.
 
Bà Vui: Nhưng con định đầu tư như thế nào, có nhiều không hả con?
 
Ông Sỹ: Ờ mẹ con hỏi đúng đấy, có nhiều không.
 
Thực: Dạ chắc cũng khoảng 5 – 10ha bố mẹ ạ, ngoài số vốn vợ chồng con có, thì con cũng kêu gọi đầu tư từ nhiều đơn vị trong nước muốn làm và nhận chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp cao.

Ông Sỹ: Nhưng đầu tư nhiều như thế liệu nó có an toàn, nhỡ nó mất mùa rồi hạn hán, lơ mơ mất cả chì lẫn chài đấy con ạ. Bố thấy nó mạo hiểm lắm.
 
Thực: Dạ bố mẹ cứ yên tâm, đây là đầu tư công nghệ cao, cây trồng trong nhà kính nên không sợ tác động của thời tiết, đảm bảo môi trường bố mẹ ạ.
 
Bà Vui: Thế cây trồng mà cũng trồng được trong nhà kính cơ à, sao bây giờ trồng cây cầu kỳ thế?
 
Thực: Dạ vâng ạ, đây chính là công nghệ làm nông nghiệp hiện đại đấy mẹ ạ, ngoài trồng cây trong nhà kính, để đảm bảo môi trường con còn có công nghệ tưới nhỏ giọt nữa.
 
Ông Sỹ: Tưới… tưới nhỏ giọt là như thế nào. Thế trồng cây kiểu đó, tưới như nông dân mình tưới nước chứ gì.
 
Thực: Dạ tưới nhỏ giọt là hệ thống tưới được nối ống dẫn tới tận gốc cây trồng bố ạ, công nghệ tưới này tránh lãng phí tài nguyên nước mà lại kiểm soát hiệu quả lượng nước tưới cần thiết cho cây sinh trưởng, nói chung với cách làm này sẽ thay đổi hoàn toàn nền nông nghiệp cũ bố ạ.

Ông Sỹ: À, bây giờ bố hiểu rồi, bố nhất trí với cái cách làm của con và hoàn toàn ủng hộ ý tưởng của hai vợ chồng con.
 
Thực: Hiệu quả của công nghệ nông nghiệp sạch ý hoàn toàn thành hiện thực, đang phát huy hiệu quả ở quê mình rồi chứ không còn là ý tưởng nữa đâu bố mẹ ạ. Con về là để nhân rộng mô hình, chuyển giao kỹ thuật cho nhiều hộ nông dân quê mình. Còn mẹ, mẹ có trách con trai mẹ nữa không ạ?

Bà Vui: Nào mẹ dám trách anh đâu, chỉ là mẹ lo cho anh thôi… Muộn rồi vào nghỉ đi con.
 
Ông Sỹ: Ờ vào nhà nghỉ đi.
 
Bà Vui: Con trai mẹ từng đây tuổi rồi, trưởng thành rồi, mẹ hết phải lo lắng rồi.
 
Thực: Dạ…
 
-HẾT-
 


 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.