MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1070469
Số người trực tuyến:1
MÔ HÌNH HAY
 Dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo” thuộc Chương trình 135 của Chính phủ được triển khai trên địa bàn xã Bảo Thuận, huyện Di Linh đã mang lại hiệu quả tích cực. Qua đó, góp phần tác động đến nhận thức, tính chủ động, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của các hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương.

 

  Nhờ nuôi thỏ, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã trang trải cuộc sống sinh hoạt gia đình

 Nhận thấy mô hình nuôi thỏ ở địa phương phát triển rất tốt, dễ nuôi, xoay vòng nhanh, giá cả và đầu ra thị trường khá ổn định…, nên UBND xã Bảo Thuận chọn mô hình nuôi thỏ để thực hiện Tiểu dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo” trên địa bàn xã. Thực hiện mô hình này, năm 2019, trên địa bàn xã Bảo Thuận có 14 hộ nghèo, cận nghèo ở các thôn đặc biệt khó khăn trong xã đăng ký tham gia nuôi thỏ và được hỗ trợ 42 lồng sắt, 42 thỏ nái sinh sản với tổng kinh phí đầu tư 100 triệu đồng.
 
Ông K’Lôl - Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận, cho biết: “Chương trình 135 triển khai trên địa bàn xã trong những năm qua đã tác động tích cực, giúp bà con dân tộc thiểu số ở địa phương thay đổi tập quán canh tác, nâng cao nhận thức trong phát triển kinh tế gia đình. Ngoài hỗ trợ phân bón, cây giống, thời gian qua địa phương đã hỗ trợ cho các hộ nghèo và cận nghèo thực hiện mô hình nuôi thỏ. Hiện mô hình này phát triển rất tốt, đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao”. 
 
Cũng theo ông K’Lôl, vì đây là mô hình mới được triển khai tại địa phương, nên ngoài việc hỗ trợ thỏ nái sinh sản, các nông hộ tham gia dự án còn được tập huấn kiến thức khoa học - kỹ thuật nuôi thỏ. Đồng thời, UBND xã cử lực lượng khuyến nông viên, thú y trực tiếp giúp đỡ; phân công đảng viên sinh hoạt chi bộ ở các thôn có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ các hộ nuôi thỏ, hướng dẫn về khoa học - kỹ thuật, liên kết tiêu thụ sản phẩm với các địa phương trong huyện cũng như ở TP Bảo Lộc và huyện Đức Trọng.
 
Đến thăm mô hình nuôi thỏ của gia đình chị Ka Mỵ ở thôn Ta ly được biết, gia đình chị Ka Mỵ là hộ cận nghèo, ít đất sản xuất, cuộc sống gia đình chủ yếu dựa vào vài sào cà phê nên vẫn chưa thoát khỏi cuộc sống nghèo khó. Với mong muốn sớm thoát nghèo, năm 2019, khi có dự án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển chăn nuôi, gia đình chị Ka Mỵ đã đăng ký thực hiện mô hình nuôi thỏ. “Gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 3 con thỏ nái sinh sản và đến nay đã phát triển lên 6 thỏ nái. Thỏ sinh trưởng, phát triển nhanh, dễ nuôi và có thể chủ động được nguồn giống, thức ăn, nên chi phí đầu tư thấp. Lúc đầu do chưa nắm vững khoa học - kỹ thuật nên thất thoát nhiều, nhưng hiện nay đàn thỏ của gia đình phát triển tốt, có thời điểm cao nhất phát triển lên đến khoảng 300 con. Từ khi nuôi thỏ gia đình tôi đã có thêm thu nhập, cơ bản đảm bảo chi tiêu trong sinh hoạt hàng ngày”, chị Ka Mỵ chia sẻ.  
 
Hiện nay, xã Bảo Thuận đã thành lập HTX chăn nuôi, nên việc phát triển chăn nuôi trên địa bàn xã bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực, chẳng những nuôi thỏ, nhiều hộ đã đầu tư kinh phí nuôi gà, nuôi cút. 
 
Là cán bộ khuyến nông viên kiêm Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi xã Bảo Thuận, anh K’Brao đã nỗ lực vượt khó đi đầu trong phát triển chăn nuôi. Sau khi thành công mô hình nuôi gà Lạc thủy được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ cho các hộ dân trong xã, anh K’ Brao tiếp tục mở rộng chuồng trại, vừa nuôi 400 con gà Lạc thủy vừa nuôi khoảng 300 con thỏ nái, thỏ đực giống và thỏ thương phẩm.  
 
Không chỉ làm đầu tàu trong phát triển chăn nuôi ở địa phương, anh K’Brao đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại; phát huy tính chủ động, dám nghĩ, dám làm, thay đổi thói quen canh tác lạc hậu để chuyển sang áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất… Ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm, khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, anh K’Brao còn hỗ trợ con giống và nhận bao tiêu sản phẩm cho bà con có nhu cầu.
 
Có thể khẳng định rằng, mặc dù mới triển khai, nhưng chương trình hỗ trợ mô hình chăn nuôi, trong đó có mô hình nuôi thỏ phát triển rất tốt và đã được địa phương tiếp tục nhân rộng cho các hộ nghèo, cận nghèo và người trên địa bàn xã có nhu cầu. 
 
Anh K’Brao phấn khởi: “Mô hình nuôi thỏ trên địa bàn xã Bảo Thuận phát triển tốt và đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, thu hút nhiều bà con trên địa bàn xã tham gia. Từ 16 hộ nuôi ban đầu đến nay đã phát triển 42 hộ với số lượng đàn thỏ lên đến trên 3.000 con. Nếu so với nuôi gà, chi phí đầu tư nuôi thỏ thấp hơn và xoay vốn nhanh hơn. Thỏ nuôi trong vòng 3 tháng và đạt khoảng 2,5 kg là có thể xuất bán. Với giá thị trường dao động khoảng 70 - 80 ngàn đồng/kg, nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở Bảo Thuận đã chủ động và đảm bảo được chi phí trang trải trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của gia đình”. 
 
LAM PHƯƠNG Báo Lâm Đồng (mic.gov.vn)


 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.