MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1070144
Số người trực tuyến:20
MÔ HÌNH HAY
  Những năm gần đây, nhờ chính quyền địa phương định hướng đúng và triển khai hỗ trợ thiết thực nên người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã chuyển đổi các mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập cao. Trong đó, vai trò của khu vực kinh tế hợp tác, HTX được đặc biệt coi trọng, tạo ra sự liên kết giúp bà con từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

  Thống kê cho thấy, năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của huyện Buôn Đôn đạt 31 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,39% so với năm 2018.

Xây dựng mô hình sinh kế thiết thực
 
Sau 5 năm thực hiện, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Buôn Đôn với tổng kinh phí hơn 105 tỷ đồng đã hỗ trợ trực tiếp người dân thực hiện các mô hình sinh kế thông qua 258 tiểu dự án sinh kế với loại hình trồng trọt hoặc chăn nuôi nhằm tự chủ và đa dạng hóa thu nhập, cũng như phát triển liên kết thị trường.
 
 
Người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã chuyển đổi các mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập cao (Ảnh: TL)
 
Người dân được dự án hướng dẫn tự thành lập 205 nhóm cải thiện sinh kế để liên kết các hộ có cùng mục tiêu và loại hình trồng trọt hoặc chăn nuôi…, trong đó 44 tổ nhóm là tổ nhóm liên kết thị trường.
 
Đến đầu năm 2020 đã có hơn 8.000 hộ được hưởng lợi từ dự án, chiếm 78% dân số vùng dự án; trong đó gần 3.800 hộ được hưởng trực tiếp từ các hoạt động sinh kế, bao gồm con giống như bò, dê, heo, gà… để nuôi sinh sản và cây giống như lúa, ngô, gấc, đinh lăng, đậu… kèm theo vật tư nông nghiệp cho năm đầu tiên và tập huấn kỹ thuật chăm sóc cho nông dân.
 
Trên thực tế, huyện biên giới Buôn Đôn đất đai vốn cằn cỗi, nguồn nước khan hiếm, diễn biến thời tiết phức tạp thường xuyên tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhờ chính quyền địa phương định hướng đúng và triển khai hỗ trợ thiết thực nên người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã chuyển đổi các mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập cao.
 
Điển hình như gia đình ông Lục Văn Tuyên, 53 tuổi, dân tộc Tày, ở thôn 8, xã Ea Wen, từng là một hộ nghèo thuộc diện kinh niên, nhưng nay vươn lên có của ăn của để.
Ông Tuyên cho biết, gia đình có hơn 1ha đất sản xuất nhưng những năm trước đây chỉ trồng cây ngắn ngày, thời tiết thất thường nên năng suất thấp, thu nhập hằng năm không đủ nuôi con ăn học.
 
Nhờ nguồn thu từ mô hình nuôi, trồng kết hợp, gia đình ông có thu nhập khá, nuôi 2 người con ăn học đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định. Đến nay, gia đình ông có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
 
Những năm gần đây, huyện Buôn Đôn khuyến khích và hỗ trợ người dân khó khăn phát triển kinh tế hộ gia đình, chuyển đổi các mô hình phù hợp, hiệu quả; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, huyện còn đứng ra liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ người dân con giống, thức ăn chăn nuôi và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm.
 
Nhờ vậy, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng đa canh, đa con, áp dụng khoa học - kỹ thuật để phát triển sản xuất.
 
Đẩy mạnh liên kết hợp tác
 
Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai nhân rộng các mô hình, dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả, trong đó có các tổ hợp tác và HTX; chú trọng công tác đào tạo nghề; cải thiện giao thông nông thôn, nước sinh hoạt, kỹ thuật canh tác, hỗ trợ tư liệu sản xuất, vốn đầu tư phục vụ phát triển sản xuất của đồng bào các dân tộc thiểu số.
 
 
Các HTX hoạt động hiệu quả tạo công ăn việc làm, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương (Ảnh: TL)
 
HTX Nông nghiệp và Du lịch Sêrêpốk 3 (thôn 9, xã Tân Hòa) ra đời vào giữa năm 2019 với 38 thành viên, vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Mục đích thành lập của HTX là nâng cao tinh thần đoàn kết của các hộ dân thuộc địa bàn xã Tân Hòa, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, hướng tới áp dụng nền khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển nhân rộng ra cộng đồng và cùng chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề xã hội, giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình.
 
Hiện nay, HTX đang canh tác 120ha cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP và đã có đầu ra tương đối ổn định.
 
“Gia đình tôi hiện có 2,4ha đất trồng các loại trái cây như: cam, quýt, bưởi da xanh. Vườn cây ăn trái của gia đình đã qua năm thứ 4 và bắt đầu cho thu đại trà. Ước tính với giá thấp nhất là 10.000 đồng/kg cam, quýt thì gia đình tôi sẽ thu về lợi nhuận từ 180 - 200 triệu đồng/ha/năm, cao hơn hẳn nhiều loại cây trồng khác”, chị Nguyễn Thị Mai ở thôn 9, xã Tân Hòa, một trong 38 thành viên của HTX cùng tham gia liên kết sản xuất cây ăn trái cho biết .
 
Trong khi đó, nhận thấy tiềm năng khai thác du lịch sinh thái - văn hóa tại vùng ven hồ thủy điện Sêrêpốk 3, 22 thành viên là nông dân, ngư dân tại thôn Tân Phú (xã Ea Nuôl) đã liên kết thành lập HTX Nông nghiệp và Du lịch Phú Nông - Buôn Đôn vào tháng 5/2019, thống nhất định hướng phát triển nông nghiệp sạch để phục vụ du lịch.
 
Một mặt, HTX phổ biến kế hoạch, vận động các hộ trồng trọt xây dựng vườn cây theo định hướng du lịch như: có lối đi nội bộ thuận lợi, trồng đa dạng cây ăn trái theo phương pháp an toàn sinh học kết hợp với trồng cây cảnh quan phân thành các tầng cao - thấp. Mặt khác, HTX tích cực đầu tư phát triển nghề cá và phối hợp cùng địa phương vận động người dân khu vực làng chài sắp xếp lại chỗ ở, khu vực khai thác đảm bảo an toàn, mỹ quan. HTX cũng duy trì và thành lập mới 5 tổ hợp tác theo từng nhóm ngành nghề để các nông dân có thêm cơ hội học hỏi, bàn bạc, chia sẻ thông tin theo đúng nguyện vọng.
 
Trong năm 2019, HTX đã được huyện Buôn Đôn hỗ trợ 390 triệu đồng từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới của huyện và Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng từ nguồn xây dựng nông thôn mới của Trung ương, làm tiền đề để triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) kết hợp với phát triển du lịch nông thôn. Toàn bộ nguồn hỗ trợ đều được HTX sử dụng để cấp cá giống và thức ăn chăn nuôi cho các hộ nuôi cá lồng bè, tạo điều kiện cho bà con yên tâm phát triển nghề cá.
 
Nhờ đó, các thành viên của HTX đã mạnh dạn mở rộng quy mô nuôi cá từ 20 lồng lên 60 lồng với những loại cá chủ lực như: rô phi, diêu hồng, rô đầu vuông, cá lóc... xuất bán hàng tấn cá tươi cho thị trường mỗi ngày. Hệ thống lồng bè, nhà nổi cũng được đầu tư kiên cố, sạch đẹp hơn.
 
HTX cũng bước đầu định hướng thành viên trồng trọt theo phương pháp an toàn, chuyển đổi dần sang canh tác hữu cơ, sinh học để chuẩn bị cho việc xây dựng các vườn cây đạt chuẩn VietGAP. Khi các nông sản đã có chứng nhận, việc liên kết tiêu thụ sẽ trở nên dễ dàng, khách du lịch có thể trải nghiệm cùng làm vườn với nông dân và trực tiếp mua những nông sản sạch ngay tại vùng sản xuất. Sau đó, HTX sẽ phát triển chế biến sâu các sản phẩm cây ăn trái, thịt, cá theo hình thức sấy khô, sấy dẻo, tẩm ướp gia vị…
 
Những nỗ lực của HTX trong hơn một năm hoạt động đã tạo nên sự chuyển mình đáng ghi nhận ở một vùng đất còn nhiều khó khăn. Đến nay, HTX đã có 37 thành viên, tất cả đều yên tâm chuyển đổi, mở rộng sản xuất theo đúng định hướng của HTX.
 
Đức Nguyễn theo Thời báo Kinh doanh (giamngheo.mic.gov.vn)

 



 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.