MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1066050
Số người trực tuyến:31
MÔ HÌNH HAY
 Những năm qua, cùng với việc triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ để người nghèo vươn lên, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh cũng chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm huy động sự chung tay, góp sức của cộng đồng, tạo nguồn lực để hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, giúp họ có chốn an cư, lạc nghiệp.
 

 Gia đình bà Phạm Thị Tuất ở xã Khánh Thượng (huyện Yên Mô) được hỗ trợ xây dựng nhà ở.


Ngoài 70 tuổi, bà Trịnh Thị Ôn, tổ 11, phường Trung Sơn, thành phố Tam Điệp không dám nghĩ có ngày được ở trong một ngôi nhà kiên cố. "Tôi là thanh niên xung phong. Lập gia đình rồi sinh 5 người con, nhưng các con có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phải đi lập nghiệp ở xa. 

Cách đây 10 năm, chồng tôi mất. Một mình tôi ở lại ngôi nhà nhiều kỷ niệm nhưng cũng ngày một xuống cấp trầm trọng. Ngày mưa nhà dột ẩm ướt, ngày nắng nóng bức… nhưng chưa khi nào tôi dám nghĩ có được một ngôi nhà kiên cố ở cái tuổi đã gần đất xa trời"- bà Ôn nhớ lại. Nhưng cuộc sống luôn có những điều kỳ diệu. Điều kỳ diệu ấy đã đến với bà Ôn từ những tấm lòng thơm thảo của cộng đồng. 

Năm 2019, bà Ôn được thành phố Tam Điệp và CLB Tình người ở Hà Nội hỗ trợ kinh phí xây dựng ngôi nhà có diện tích 50m2. Các tổ chức, đoàn thể ở địa phương, bà con hàng xóm sang phụ giúp ngày công lao động cho gia đình bà… Ngôi nhà được hoàn thiện, tuy nhỏ nhưng ấm cúng, kiên cố đã giúp bà Ôn yên vui tuổi già.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Tam Điệp cho biết, công tác chăm lo, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, có sự đóng góp lớn từ nguồn lực xã hội hóa. Tính riêng trong năm 2019, toàn thành phố đã hỗ trợ 33 hộ xây mới, sửa chữa nhà ở. 

Với phương châm không để chủ hộ phải nợ nần thêm vì tiền xây nhà, thành phố trích kinh phí từ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" hỗ trợ mỗi hộ 40 triệu đồng, các tổ chức từ thiện hỗ trợ từ 30-50 triệu đồng, ngoài ra còn huy động sự đóng góp sức người, sức của của các xã, phường và bà con làng xóm. Mỗi ngôi nhà có diện tích 50m2, lợp tôn lạnh. Trong năm 2020, thành phố thực hiện rà soát các đối tượng là hộ nghèo có khó khăn về nhà ở để có phương án hỗ trợ, phấn đấu hỗ trợ được 30 hộ xây dựng, sửa chữa nhà ở trong năm nay.

ở huyện Yên Mô, công tác xã hội hóa các hoạt động chăm lo cho người nghèo cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị trên địa bàn huyện Yên Mô cũng có nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả trong việc tích cực vận động ủng hộ, tăng cường nguồn lực xã hội hóa giúp đỡ người nghèo, hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Ông Bùi Văn Vợi, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Mô cho biết: Cùng với các chính sách hỗ trợ của nhà nước, phong trào "tương thân, tương ái" đã lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng dân cư, tạo nên nguồn lực để hỗ trợ cho người nghèo vươn lên, nổi bật là hoạt động hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở. Từ nguồn lực xã hội hóa, trong năm 2019, toàn huyện đã xây mới, sửa chữa được 197 ngôi nhà, trong đó có 86 nhà cho hộ nghèo. Tổng kinh phí huy động từ nguồn lực xã hội hóa đạt gần 5 tỷ đồng. 

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, huyện đã khởi công xây mới, sửa chữa nhà ở cho 70 hộ nghèo, hộ khó khăn do doanh nghiệp Vĩnh Phúc là nhà tài trợ chính với mức hỗ trợ 70 triệu đồng/hộ. Đến cuối tháng 6, đã có 64/70 hộ hoàn thiện và nhận hỗ trợ với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng.

Trong những năm qua, tỉnh ta đã dành nhiều sự quan tâm thiết thực, cụ thể, tạo động lực để người nghèo bứt phá vươn lên. Từ năm 2015 đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hơn 32 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn phát triển sản xuất; 2 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được đi học; xây dựng và cải tạo gần 100 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh; giải quyết việc làm cho gần 10 nghìn lao động, trong đó chủ yếu là lao động có hoàn cảnh khó khăn… với tổng doanh số cho vay đạt gần 3 nghìn tỷ đồng. Sự hỗ trợ thiết thực ấy đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,46% (năm 2015) xuống còn 2,57% vào cuối năm 2019. Nhiều hộ đã thoát nghèo, phát huy nội lực xây dựng được nhà ở khang trang, sạch sẽ.

Cùng với nỗ lực giúp người nghèo vươn lên, tỉnh ta cũng có nhiều hoạt động để huy động sức mạnh cộng đồng, giúp đỡ người nghèo có chốn an cư. Từ mọi nguồn lực tài chính được huy động, trong giai đoạn từ 2015-2020, toàn tỉnh đã xây mới, sửa chữa trên 3.600 ngôi nhà cho hộ nghèo và hộ chính sách. 

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta đã ban hành Quyết định số 1475/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 phê duyệt Đề án "Hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015". Đề án có hai mục tiêu, đó là huy động nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ người nghèo về nhà ở và cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi để xây dựng nhà ở. 

Qua 4 năm thực hiện Đề án (từ 2016-2019), đã có trên 538 hộ có nhu cầu được vay vốn để xây dựng nhà ở với mức vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội với mức lãi suất 3%/năm. Thời hạn vay vốn là 15 năm, trong đó thời gian gia hạn là 5 năm, thời gian trả nợ tối đa là 10 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay. Trong năm 2020, đã có 33 hộ nghèo tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để xây mới, sửa chữa nhà ở.

Bài, ảnh: Đào Hằng (baoninhbinh.org.vn)


 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.