MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1066130
Số người trực tuyến:17
CÁCH LÀM SÁNG TẠO
 Giáp sông Tu và hồ Yên Thắng, phường Yên Bình, thành phố Tam Điệp có thế mạnh để phát triển thủy sản. Tại đây, đang có khoảng 30 hộ nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích ao khoảng 30 ha. Đặc biệt, hầu hết người dân đã chuyển từ nuôi quảng canh sang nuôi thâm canh theo hướng an toàn sinh học, đưa nhiều trang thiết bị, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra giá trị kinh tế khá cao.

 

 Các thành viên của Tổ Thủy sản, HTX nông nghiệp Yên Bình bắt giống, sang ao.


Có hơn 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, vài năm trở lại đây, anh Phạm Văn Đoàn (thôn Đồi Cao, xã Yên Bình) đã quen với việc vận hành các trang thiết bị, máy móc hiện đại trong sản xuất như: máy tạo sóng, máy sục khí, quạt nước, máy hút chất thải đáy, máy bắn thức ăn… Theo anh Đoàn, nhờ đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nuôi theo hướng thâm canh nên dù thả với mật độ cao cá vẫn lớn nhanh, ít bị bệnh, năng suất đạt cao (khoảng 40 tấn/ha), cho thu nhập từ 200 đến 250 triệu đồng/năm. Trước đây, vẫn diện tích này nhưng nuôi theo phương pháp quảng canh, năng suất chỉ đạt 5-6 tạ/ha...

Cũng chọn thủy sản làm hướng đi để phát triển kinh tế gia đình, anh Vũ Quang Hiệp (cùng thôn) đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để sửa chữa, cải tạo ao nuôi, mua sắm máy móc, con giống, thức ăn công nghiệp, chế phẩm sinh học phát triển sản xuất thủy sản theo hướng thâm canh, bước đầu áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

Anh Hiệp cho biết: gia đình anh nuôi cá hơn chục năm nay nhưng trước chỉ nuôi quảng canh, mật độ thưa, cho ăn các loại thức ăn tận dụng quanh vườn nhà vì thế mà năng suất và hiệu quả không cao. Sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, học hỏi thêm từ nhiều kênh thông tin, đặc biệt là được Chi cục Thủy sản tỉnh hỗ trợ, anh chuyển hướng nuôi cá thâm canh theo hướng an toàn sinh học. 

Theo đó, để bảo vệ môi trường sống cho cá, anh lắp đặt hệ thống máy đảo nước, sục khí ở tất cả các ao. Ngoài ra anh còn kết hợp sử dụng men vi sinh định kỳ để tạo môi trường nước trong sạch, vừa ức chế các vi khuẩn gây bệnh cho cá và đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đầu tư giải pháp bảo vệ môi trường nuôi, anh còn rất chú trọng đến chương trình dinh dưỡng cho cá, cho cá ăn thêm thức ăn công nghiệp có bổ sung các vitamin khoáng chất thiết yếu. "Nuôi theo hình thức này, dù chi phí đầu tư ban đầu cao hơn song lợi nhuận thu về cũng gấp từ 2 - 3 lần so với trước đây.

Đặc biệt, chất lượng cá tốt, cá to nên việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn với mức giá nhỉnh hơn từ 2 - 3 nghìn đồng/kg. Vụ cá năm 2019, tôi đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Riêng năm nay, gia đình đang tiếp tục cải tạo ao, thả giống và với kinh nghiệm và hướng sản xuất mới này tôi khá tự tin vào kết quả sắp tới"- anh Hiệp cho hay.

Về hiệu quả của nuôi trồng thủy sản tại địa phương, ông Vũ Văn Tấn, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Yên Bình, Tổ trưởng Tổ Thủy sản cho biết: với lợi thế diện tích mặt nước lớn, nguồn nước quanh năm, độ sâu phù hợp, những năm gần đây, nghề nuôi thủy sản trên địa bàn phường phát triển khá ổn định. Mới đây, chúng tôi đã thành lập Tổ Thủy sản với 27 thành viên, quy mô diện tích là hơn 30 ha. Do các thành viên trong Tổ chủ yếu nuôi cá theo hình thức thâm canh và bán thâm canh với đa dạng các loại như: trắm cỏ, trôi, rô phi, chép... nên lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường khá ổn định, kéo dài suốt các tháng trong năm, sản lượng lớn (khoảng 1.600 tấn/năm).

Cũng nhờ nuôi thâm canh mà thu nhập của các hộ nuôi trồng thủy sản tăng lên rõ rệt. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đầu tư, cải tạo hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất; đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ tín dụng, tạo điều kiện để khuyến khích các thành viên mở rộng diện tích nuôi thả…

Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Chi cục Thủy sản tỉnh thực hiện giám sát ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất trong thủy sản, giám sát dịch bệnh trong vùng nuôi, hướng dẫn người nuôi cá áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật, từ khâu sản xuất con giống đến chăn nuôi và thu hoạch. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền đảm bảo vệ sinh trong nuôi thả thủy sản, hạn chế tình trạng đưa chất thải chăn nuôi, sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống ao hồ cũng như sử dụng thức ăn chăn nuôi chưa hợp vệ sinh; khuyến cáo các hộ nuôi sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học đúng quy định; tránh lạm dụng hóa chất, kháng sinh để chữa trị bệnh cho thủy sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng theo các tiêu chuẩn chất lượng cao.

Bài, ảnh: Hà Phương (baoninhbinh.org.vn)


 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.