MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1072130
Số người trực tuyến:13
TIN TỨC - SỰ KIỆN
 Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là một trong 5 lĩnh vực được ngành Ngân hàng xác định ưu tiên đầu tư tín dụng. Thời gian qua, cùng với các cấp, các ngành thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành Ngân hàng Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách giúp các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng ưu đãi. Qua đó các doanh nghiệp đã có chuyển biến mạnh mẽ, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
 H? tr? doanh nghi?p nh? và v?a ti?p c?n tín d?ng hi?u qu?

 Giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Ảnh: TG

 
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện có trên 5.300 doanh nghiệp, trong đó DNNVV chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động; thu hút khoảng 80% tổng lao động thuộc các thành phần kinh tế; đóng góp khoảng 90% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Qua đó, góp phần quan trọng huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách Nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Điều đó có thể thấy, DNNVV ngày càng lớn mạnh cả về số lượng, quy mô và ngành nghề đầu tư. Các DNNVV đã có sự chủ động, linh hoạt và nhạy bén trong phát triển sản xuất, kinh doanh, thích ứng kịp thời với những biến động của thị trường và cơ chế kinh doanh.

Theo ông Vũ Văn Nga, Chủ tịch HĐQT Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng Công ty giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình cho biết: DNNVV có thế mạnh là vốn đầu tư ban đầu thấp, thu hồi vốn nhanh; bộ máy tổ chức, quản lý sản xuất gọn nhẹ; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đa dạng, khả năng ứng biến linh hoạt…

Tuy nhiên, DNNVV cũng bộc lộ những mặt hạn chế, như phát triển tự phát, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết; trình độ quản lý và năng lực tài chính yếu, khả năng cạnh tranh không cao. Đặc biệt, do quy mô "vừa và nhỏ", nên bất lợi trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Tài sản thế chấp không đáp ứng được nhu cầu của ngân hàng, vì vậy khó huy động nguồn vốn khi doanh nghiệp thực hiện các dự án mới.

Nắm bắt được nhu cầu thiết thực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng Nhà nước với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng, tiền tệ đã tạo điều kiện thuận lợi đưa nhóm DNNVV vào nhóm ưu tiên bao gồm: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao để hỗ trợ tín dụng.

Theo Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Ngân hàng Nhà nước đã quy định trần lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển, trong đó có DNNVV được hưởng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ thấp hơn 1%-2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường. Hiện các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đã áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên phổ biến mức 6%/năm đối với các ngân hàng và 7% đối với các quỹ tín dụng nhân dân. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã hướng dẫn các chi nhánh trong tỉnh phối hợp với Ngân hàng Phát triển, Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương cho vay có bảo lãnh của các tổ chức này.

Cùng với đó, ngành Ngân hàng đã tích cực thu thập các thông tin về doanh nghiệp để đánh giá mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp, từ đó chủ động tiếp cận khách hàng, hỗ trợ nguồn vốn hợp lý thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi. Đồng thời thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV, các ngân hàng cũng đã tích cực cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp.

Chính vì thế trong 2 năm 2018-2019, toàn tỉnh đã có trên 2.000 DNNVV được vay vốn. Tính riêng trong quý I năm nay, dư nợ cho vay đối với DNNVV đạt 14.000 tỷ đồng, chiếm 18,8% tổng dư nợ cho vay, với 1.350 DNNVV còn dư nợ, tăng 1,8% so với đầu năm. Dư nợ xấu cho vay DNNVV là 240 tỷ đồng, chiếm 1,7% dư nợ cho vay DNNVV. 

Ngoài ra, các ngân hàng đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp ở các lĩnh vực ưu tiên khác được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng như: dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 27.600 tỷ đồng, chiếm 37% tổng dư nợ cho vay, tăng 0,4% so với đầu năm. 

Dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới đạt 17.160 tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ cho vay, tăng 0,98% so với đầu năm. Dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 1.450 tỷ đồng, chiếm 1,9% tổng dư nợ của các chi nhánh ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng hợp tác xã. Dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 310 tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng dư nợ của các chi nhánh ngân hàng. Dư nợ cho vay phát triển du lịch đạt 1.235 tỷ đồng, chiếm 1,6% tổng dư nợ của các chi nhánh ngân hàng thương mại.

Đặc biệt, ngành Ngân hàng đã, đang và tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp cho trên 200 doanh nghiệp với số tiền cam kết hỗ trợ là 4.100 tỷ đồng. Mỗi năm tỉnh cũng tạo điều kiện cho 3 doanh nghiệp thụ hưởng chương trình cho vay bình ổn thị trường... nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là DNNVV trong quan hệ tín dụng ngân hàng.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục ưu tiên nguồn vốn cho các chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với các khách hàng. Đồng thời thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tín dụng nông nghiệp và hạn chế tín dụng đen.

Các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng cần phối hợp tốt hơn nữa để thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng là DNNVV theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng cấp trên về lãi suất, phí dịch vụ; áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
 
Nguyễn Thơm (baoninhbinh.r0g.vn)


 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.