MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1070680
Số người trực tuyến:15
CÁCH LÀM SÁNG TẠO
 Trong sản xuất nông nghiệp, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là yếu tố quyết định để tăng năng suất, chất lượng. Xác định được tầm quan trọng đó, Tổ hợp tác dịch vụ gieo mạ khay, cấy máy xã Khánh Trung (Yên Khánh) đã được thành lập và đi vào hoạt động. Nhờ vậy đã góp phần giảm sức lao động, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
 

 Máy cấy của Tổ hợp tác xã Khánh Trung làm dịch vụ trong vụ đông xuân năm 2020.


Tổ hợp tác dịch vụ gieo mạ khay, cấy máy xã Khánh Trung được thành lập từ tháng 6/2019 với 10 thành viên, vốn góp là 500 triệu đồng. Được sự quan tâm của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, Tổ hợp tác đã được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 39 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Với nguồn kinh phí đó, Tổ hợp tác đã đầu tư mua 5 máy cấy và giàn gieo mạ khay tự động, với mục tiêu đề ra là cung cấp dịch vụ gieo cấy bằng máy cho nông dân trong xã, hướng tới làm dịch vụ cho các HTX nông nghiệp trong toàn tỉnh.

Ông Phạm Văn Sỹ, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: Trong vụ mùa năm 2019, tổ hợp tác đã nhận được hợp đồng gieo cấy hơn 30ha tại xã Khánh Trung và 20ha của HTX Phong Hòa (xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư). Chất lượng mạ tốt, gieo cấy đúng quy định kỹ thuật, lúa sinh trưởng và phát triển thuận lợi, cho vụ lúa bội thu đã giúp người nông dân tin tưởng vào dịch vụ của Tổ hợp tác. Tới vụ đông xuân 2020 này, Tổ hợp tác nhận thêm được hợp đồng dịch vụ, tổng diện tích là trên 100ha, trong đó diện tích tại xã Khánh Trung là 60ha, HTX Hợp Tiến (Khánh Nhạc), và một HTX của xã Trường Yên (Hoa Lư) với tổng diện tích hơn 40ha.
Tính cả chi phí sản xuất mạ và công cấy, Tổ hợp tác chỉ thu 250 nghìn đồng/sào, trong khi đó, thông thường bà con thuê lao động cấy thủ công hiện nay khoảng 300 nghìn đồng/sào, chưa tính chi phí mua mạ, công sức ngâm, gieo mạ. Như vậy, sử dụng dịch vụ máy cấy giúp giảm chi phí khoảng 2 triệu đồng/ha so với thuê cấy thủ công.

Mặt khác, tốc độ gieo cấy bằng máy cũng vượt trội gấp nhiều lần so với phương pháp thủ công. “Với dòng máy cấy có người ngồi lái Kubota, công suất có thể đạt từ 3-5ha/ngày, gấp khoảng 50-70 lần so với lao động thủ công, nhờ đó tiết kiệm lao động và chi phí đầu tư. Đặc biệt khi cấy máy, mạ khay đã được xử lý sâu bệnh rất tốt trước khi đưa ra ruộng cấy, khoảng cách hàng sông, hàng tay của lúa đều, bảo đảm kỹ thuật, vì vậy diện tích lúa cấy máy thường hạn chế sâu bệnh hơn so với lúa cấy thủ công, chi phí đầu tư thuốc trừ sâu giảm xuống, năng suất lúa nâng lên” - ông Sỹ cho biết thêm.

Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà xã Khánh Trung đã đề ra. Mục tiêu của xã là cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch cho đến bảo quản và chế biến, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng thương hiệu gạo chủ lực như nếp cau, huyết rồng, nếp cẩm. Hiện nay, mỗi năm xã Khánh Trung xuất bán ra thị trường hơn 3.000 tấn lúa gạo. Nhiều loại gạo đặc sản của địa phương đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Để đạt được mục tiêu là xây dựng thương hiệu lúa gạo đặc sản, xã Khánh Trung xác định nhiệm vụ đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp là trọng tâm, tiên quyết.

Đến nay, xã đã chủ động cơ giới hóa được khâu làm đất và thu hoạch. Về gieo cấy lúa, nông dân xã Khánh Trung hầu hết sử dụng phương pháp gieo sạ lúa. Sau một thời gian, gieo sạ đã gây những tác động xấu đến môi trường tự nhiên. Do đó, sự ra đời của Tổ hợp tác gieo mạ khay, cấy máy là rất cần thiết, góp phần thay đổi tập quán canh tác của nông dân. Hướng đến mục tiêu đến năm 2021, 100% diện tích của xã Khánh Trung sẽ được gieo cấy bằng máy. Hiện nay, khó khăn của Tổ hợp tác là chưa có nhà kho, bến bãi để giúp nâng cao chất lượng sản xuất, bảo quản mạ khay và máy cấy. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục rà soát quỹ đất, nghiên cứu phương án sử dụng đất để tạo điều kiện cho Tổ hợp tác.

Xã Khánh Trung hiện có hơn 50% người lao động làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong cả nước; 20% người lao động tham gia các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại địa phương. Trong bối cảnh lao động công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng cao, các khoản chi phí đầu tư giống, nhân công tăng cao, lao động nông nghiệp giảm mạnh thì việc ứng dụng mô hình máy cấy, mạ khay vào sản xuất là phù hợp với thực tế địa phương và xu thế chung của đất nước.

Với niềm tin tưởng vào sự chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền và sự ủng hộ của nhân dân, việc mạnh dạn ứng dụng công nghệ của Tổ hợp tác dịch vụ gieo mạ khay, cấy máy xã Khánh Trung là bước làm tiên phong trong sản xuất nông nghiệp, tạo động lực để mô hình được nhân rộng và phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: Thái Học (baoninhbinh.org.vn)


 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.