MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1071345
Số người trực tuyến:14
TIN TỨC - SỰ KIỆN
 Ngành nông nghiệp hiện đang đối mặt thách thức kép, đó là: dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; biến đổi khí hậu và dịch bệnh trong chăn nuôi. Với Ninh Bình, tuy sản xuất nông nghiệp chủ yếu tiêu thụ nội địa, song cũng đang gặp khó khăn nhất định như: đầu ra tiêu thụ chậm, giá cả vật tư tăng, việc tái đàn trong chăn nuôi chậm… Tìm mọi giải pháp, thúc đẩy sản xuất để có đủ lương thực đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong mọi trường hợp là yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay.
 

Nông dân phường Ninh Sơn (thành phố Ninh Bình) tích cực chăm sóc rau màu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Nhiều thách thức
 
Thời điểm này, những người chăn nuôi thủy cầm đang phải chịu lỗ nặng vì giá xuống thấp, thu không đủ chi. Trại nuôi vịt của gia đình anh Phạm Văn Luận, xã Gia Tường (huyện Nho Quan) mỗi lứa nuôi 2-3 nghìn con. Tưởng chừng đàn vật nuôi được bán sẽ cho anh khoản tiền kha khá sau bao ngày chăm bẵm. Ai dè, đến lúc xuất chuồng, giá vịt lại “rơi tự do” chỉ còn 25-28 nghìn đồng/kg. Trong khi đó thời điểm anh vào đàn, giá vịt giống cao ngất ngưởng tới gần 10 nghìn đồng/con. Bán xô cả đàn, anh lỗ gần 40 triệu đồng.

Anh Luận cho biết: “Vịt đến lứa là phải xuất chuồng, nếu không càng nuôi càng lỗ. Với 3 nghìn con vịt mà nuôi cầm chừng thì mỗi ngày chi phí vài triệu đồng tiền thức ăn, không thể cáng nổi nên dù giá rẻ chúng tôi cũng phải bán”.

Chị Nguyễn Thị Hoa, một thương lái chuyên buôn bán gia cầm cho biết: trước Tết, giá gà thả vườn tăng mạnh lên 70.000 -75.000 đồng/kg nhưng hai tuần nay giảm chỉ còn 55.000 - 60.000 đồng/kg. Cũng theo chị Hoa thì giảm mạnh nhất vẫn là giá vịt thịt và trứng vịt, giảm tới 50% so với trước Tết, còn 22-25 nghìn đồng/kg vịt hơi và 15.000 -17.000 đồng/1 chục trứng. Với giá thành chăn nuôi cao thì người chăn nuôi đang lỗ nặng. Không những giảm về giá mà theo chị Hoa, sản lượng tiêu thụ gia cầm cũng giảm ít nhất một nửa. Riêng trứng vịt do tiêu thụ đặc biệt khó khăn nên nhiều hộ chăn nuôi bất đắc dĩ đã phải mang trứng đi bán rong.

Không chỉ giá gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm mà hiện nay khá nhiều mặt hàng nông sản khác cũng đang gặp khó trong tiêu thụ. Nguyên nhân được xác định là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, phía Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu các sản phẩm hàng hóa từ Việt Nam, đồng thời sản lượng tiêu thụ nội địa cũng giảm mạnh do ngành du lịch giảm cầu.

Song song với vấn đề tiêu thụ, một thách thức khác mà ngành Nông nghiệp cả nước cũng như Ninh Bình đang phải đối mặt đó là vấn đề dịch bệnh. Bệnh tả lợn châu Phi diễn ra trên địa bàn tỉnh hơn 1 năm vẫn chưa chấm dứt thì lại xuất hiện dịch cúm gia cầm A/H5N6.

Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp&PTNT, tính từ khi xuất hiện ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi đầu tiên cho đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 1.200 thôn ở 142 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố xảy ra dịch. Tổng số lợn phải tiêu hủy bắt buộc là gần 109.500 con, tương đương với gần 6.400 tấn lợn hơi. Hiện nay, dịch bệnh vẫn đang diễn ra tại 3 xã của 3 huyện.

Ngoài ra, Ninh Bình cũng là một trong những tỉnh đang có dịch cúm gia cầm với một ổ dịch xuất hiện ngày 16/2 ở xóm 4, xã Lạc Vân, huyện Nho Quan, chủng H5N6, gần 2.000 con vịt đã phải tiêu hủy. Với tình hình như vậy thì việc tái đàn hay mở rộng quy mô chăn nuôi là rất mạo hiểm.

Ông Nguyễn Văn Thể, hộ chăn nuôi ở thôn Đoàn Kết, xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp chia sẻ: “Trong thôn, những hộ nhỏ lẻ nuôi vài chục con bây giờ không dám tái đàn, vào đàn ồ ạt mạnh. Sản xuất ra con giống bao nhiêu thì bây giờ chúng tôi nuôi bấy nhiêu thôi chứ chưa dám tái đàn mạnh. Lo ngại nhất là dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin phòng dịch, nên người dân vẫn còn hoang mang”.

Thực tế thời gian gần đây cho thấy, không chỉ khan hiếm mà giá lợn giống đang ở mức rất cao, khoảng 2 triệu đồng/con. Việc nhập lợn giống giá cao về nuôi thương phẩm vào thời điểm này khiến hộ chăn nuôi có nguy cơ “thiệt hại kép” nếu chẳng may dịch bệnh quay trở lại hoặc mua phải lợn giống không an toàn.

Đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong mọi hoàn cảnh

Nông nghiệp là ngành rất đặc thù, tạo ra khối lượng lương thực đáp ứng cho nhu cầu con người. Nếu sức sản xuất không tốt, không huy động được tổng lực trong bối cảnh dịch Covid-19 thì vấn đề cân đối lương thực, thực phẩm rất khó khăn. Những ngày qua, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19, ở một vài nơi xảy ra hiện tượng người dân đổ xô đi mua tích trữ các nhu yếu phẩm thiết yếu. Tuy nhiên, thực tế, các mặt hàng nói chung và sản phẩm nông nghiệp nói riêng của chúng ta vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

Minh chứng cho điều này là năm 2019, nông nghiệp Việt Nam có tăng trưởng khá với tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt 2,01%; sản lượng lương thực có hạt đạt 48,2 triệu tấn; trong đó, sản lượng thóc ước tính đạt 43,45 triệu tấn. Về chăn nuôi, tuy chăn nuôi lợn gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi nhưng bù lại, chăn nuôi bò và gia cầm tiếp tục tăng trưởng cao. Sản lượng thịt gia cầm đạt gần 1,3 triệu tấn, tăng 16,5%; thịt bò ước đạt 0,35 triệu tấn, tăng 4,4%; trứng ước đạt 13,3 tỷ quả, tăng 14%.

Riêng với Ninh Bình, năm 2019, chúng ta đã sản xuất thành công cả 2 vụ lúa đông xuân và lúa mùa với năng suất bình quân đạt 61,02 tạ/ha (cao hơn 0,62 tạ/ha so với năm 2018), sản lượng đạt gần 449 nghìn tấn. Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản của tỉnh cũng đạt gần 54,8 nghìn tấn (tăng 3,5 nghìn tấn so với năm 2018).

Riêng ngành chăn nuôi, nhờ tổ chức dập dịch tốt cùng với định hướng, hỗ trợ chuyển hướng chăn nuôi đúng đắn, kịp thời nên đàn trâu bò, dê, gia cầm đều tăng so với năm 2018.  2 tháng đầu năm, nông nghiệp Ninh Bình tiếp tục duy trì sản xuất ổn định. Toàn tỉnh đã hoàn thành gieo cấy trên 40 nghìn ha lúa trong khung thời vụ tốt nhất, dự kiến năng suất sẽ đạt 66 tạ/ha.

Nhiều diện tích rau màu, cây ăn quả trên địa bàn cũng đã được nông dân kịp thời xuống giống và đang sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Chúng ta cũng đang làm tốt công tác phòng, khống chế dịch bệnh trên đàn vật nuôi, hầu hết các xã đã không còn dịch sau 30 ngày, người dân và doanh nghiệp đang đầu tư tái đàn khôi phục sản xuất. Do vậy, có thể khẳng định, người dân hoàn toàn có thể yên tâm là nguồn cung các nông sản, thực phẩm thiết yếu không thiếu.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với các địa phương tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Thực hiện chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh tốt cho diện tích lúa đông xuân. Giám sát, quản lý tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi, rà soát các điều kiện thực tế để có kế hoạch tái đàn lợn phù hợp, không để giá thịt lợn tăng quá cao.

Ngoài việc duy trì sản xuất để đảm bảo an ninh lương thực, sẽ nghiên cứu để điều chỉnh một số loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường. Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để đưa nông sản vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị; chú trọng hơn đến khâu bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản, bảo quản đông lạnh để đảm bảo chất lượng cũng như kéo dài thời gian sử dụng. Tiếp tục cơ cấu lại sản xuất theo hướng hàng hóa…

Thực tế, dịch Covid-19 khiến kinh tế nông nghiệp của Ninh Bình gặp khó, nhưng hy vọng từ trong khó khăn đó, chúng ta lại có cơ hội để cơ cấu lại sản xuất, nâng cao chất lượng hàng nông sản.
 
Hà Phương (baoninhbinh.org.vn)


 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.