MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1070689
Số người trực tuyến:24
CÁCH LÀM SÁNG TẠO
 Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội nông dân trong tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ thành lập mới 13 Tổ hợp tác và 7 Hợp tác xã. Các mô hình kinh tế tập thể này được xây dựng theo tiêu chí phù hợp với từng địa bàn, ngành nghề và trình độ phát triển ở mỗi khu vực để giải quyết những khâu, việc mà từng hộ không làm được hoặc làm không có hiệu quả.
 Mô hình tr?ng sen, nuôi cá rô t?i xã Tru?ng Yên, huy?n Hoa Lu. ?nh: T.G

 Mô hình trồng sen, nuôi cá rô tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Ảnh: T.G

Với “điểm tựa” là Hội Nông dân huyện, Hợp tác xã chăn nuôi và thủy sản Sông Đằng, xã Yên Đồng (Yên Mô) đã được thành lập với 52 thành viên, chủ yếu là phát triển mô hình ương nuôi cá giống, nuôi cá thương phẩm kết hợp trồng cây ăn quả.

Đồng chí Phạm Thúc Kinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Trong quá trình triển khai, Hợp tác xã đã phối hợp với Hội Nông dân huyện và một số ngành, đơn vị khác tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh, cung cấp nguồn giống có chất lượng và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Đồng thời tiếp nhận nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh cho 7 hộ vay với tổng số tiền 500 triệu đồng để thực hiện cải tạo ao, xây dựng hạ tầng phục vụ cho sản xuất nuôi trồng thủy sản. Nhờ đó đã xuất hiện những hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.
Chị Lê Thị Huế, một thành viên của Hợp tác xã Sông Đằng phấn khởi nói: Trước đây làm theo kiểu nhà nào biết nhà đấy thì hiệu quả không cao, thường xuyên bị thương lái ép giá. Sau khi tham gia vào Hợp tác xã, chúng tôi được tiếp cận những kiến thức khoa học, kỹ thuật mới để ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, do đó việc nuôi trồng đã thuận lợi hơn, đặc biệt thị trường tiêu thụ cũng ngày càng ổn định bởi việc mua bán phần lớn đã được Hợp tác xã đứng ra thỏa thuận, ký kết từ trước đó.

Không chỉ riêng Yên Đồng, hiện nay việc xây dựng, nhân rộng những mô hình kinh tế tập thể mà ở đó các hộ nông dân liên kết với nhau để cùng phát triển sản xuất và có sự hỗ trợ thường xuyên, tích cực từ các cấp hội nông dân đã cho thấy những chuyển biến tích cực.

Số mô hình tăng cả về lượng và chất, nội dung hoạt động thiết thực, thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia. Thường thì mỗi tháng, các tổ hợp tác, hợp tác xã tổ chức họp ít nhất 1 lần để trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ sâu bệnh; cử những người năng động và có kinh nghiệm tìm kiếm đơn hàng, ký hợp đồng bán sản phẩm.

Thậm chí ở khâu thu hoạch, nhiều tổ đã có thể đứng ra điều chỉnh lịch vào thời điểm phù hợp nhằm giúp sản phẩm có giá cao nhất, sắp xếp lịch thu mua cụ thể cho các hộ, nhắc nhở các thành viên tuân thủ nội dung của hợp đồng đã ký kết với cơ sở thu mua… Thực tế, các tổ hợp tác này đã giúp nông dân hạn chế thấp nhất việc trồng trọt, chăn nuôi ồ ạt theo phong trào. Hơn nữa, người nông dân cũng bước đầu chủ động tìm được đầu ra cho sản phẩm ngoài phạm vi chợ quê như trước đây.

Đồng chí Đinh Hồng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Các mô hình kinh tế tập thể phát triển rất nhanh trong những năm vừa qua do phù hợp nhu cầu của bà con nông dân, đặc biệt là những nông dân còn thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn sản xuất. Mô hình này đáp ứng và khắc phục được một số hạn chế, yếu kém của kinh tế hộ như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất; giảm bớt rủi ro và tăng sức cạnh tranh. Cũng nhờ các mô hình này, người nông dân đã tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để cùng vươn lên giảm nghèo và làm giàu bền vững.

Để xây dựng và phát triển các mô hình, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh giao chỉ tiêu thi đua xây dựng mô hình kinh tế tập thể mới cho các Huyện hội, Thành hội thực hiện; tăng cường tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho cán bộ Hội và hội viên nông dân về vai trò của kinh tế tập thể, đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với hoạt động của các mô hình liên kết và hoạt động hỗ trợ nông dân, nhất là phong trào“Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Đặc biệt, Hội đã phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức các hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy phát triển thông qua việc hướng dẫn các thành viên chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tổ chức các dịch vụ phục vụ sản xuất.

Trong hơn 1 nghìn buổi chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi mà các cấp Hội đã tổ chức từ đầu năm đến nay, số lượng thành viên các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn toàn tỉnh tham gia khá đầy đủ và đều đặn. Hội Nông dân tỉnh cũng đã ký chương trình phối hợp với 15 sở, ngành; nhiều chương trình phối hợp hoạt động đạt kết quả tốt như: Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT, Bảo hiểm xã hội, Sở Công thương, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp & PTNT... Tính đến cuối tháng 8/2019, toàn tỉnh thành lập mới và duy trì 574 tổ liên kết vay vốn với 11.112 thành viên, dư nợ cho vay là 1.672 tỷ đồng; thành lập và duy trì 755 tổ tiết kiệm vay vốn với 21.740 thành viên, dư nợ đạt 626 tỷ đồng.

Thời gian tới, để các mô hình kinh tế tập thể ngày càng phát huy được vai trò và hiệu quả hoạt động, các cấp Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hỗ trợ; xây dựng thêm nhiều mô hình kinh tế tập thể mới và nhân rộng các mô hình tiêu biểu, nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con.

Đào Duy (baoninhbinh.org.vn)


 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.