MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1066206
Số người trực tuyến:2
KHUYẾN NGƯ
 Nghề nuôi cá lóc bông đã hình thành từ nhiều năm nay, sớm nhất là ở vùng đồng bằng Nam Bộ. Người ta có thể nuôi cá lóc bông trong ao hoặc bè.
 Kết quả hình ảnh cho cá lóc bông

 1.   Nuôi cá lóc bông trong ao

1.1. Chuẩn bị ao nuôi

Ao nuôi lóc bông có diện tích từ 500m2 trở lên, độ sâu từ 2,5-3m. Bờ ao phải cao trên mực nước cao nhất 0,4-0,5m và phải chắc chắn, để ngăn cá nhảy ra khỏi ao. Cống thoát nước nằm sát đáy ao và có khẩu độ lớn để nước thoát dễ dàng. Trước khi thả nuôi, ao được tát cạn, vét bớt bùn đáy, tu sửa chỗ sạt lở, lấp hết hang hố quanh ao. Rải vôi đáy ao từ 10-15kg/100m2, phơi nắng 2-3 ngày rồi cấp nước vao ao. Nguồn nước cấp cho ao phải chủ động, cấp thoát dễ dàng, nước không bị nhiễm phèn và mặn (pH phải từ 6 trở lên, độ mặn dưới 0,5%).

1.2. Mùa vụ nuôi, cá giống nuôi và mật độ thả nuôi

Ở các tỉnh Nam Bộ có thể thả nuôi quanh năm. Các tỉnh có khi hậu lạnh như miền Bắc nên một vụ, thả cá nuôi vào tháng 3-4 và thu hoạch cá vào trước mùa đông.

Cá giống thả nuôi có kích cỡ đồng đều, khối lượng thân từ 15-20 gam/con. Cá phải khỏe mạnh, nhanh nhẹn, màu sắc sáng, cơ thể cân đối, nhiều nhớt. Trước khi thả xuống ao nuôi, cá giống được tắm nước muối nồng độ 2,5-3%. Nên thả cá vào lúc trời mát, buổi sáng sớm hoặc chiều mát.

Mật độ thả nuôi từ 20-25 con/m2.

1.3. Thức ăn, quản lý và chăm sóc cá nuôi

1.3.1.Thức ăn cho cá nuôi

+ Thức ăn tươi sống

Cá lóc là loài cá dữ có tập tính thích ăn mồi sống và động, nhưng cũng có thể chuyển đổi sang các dạng thức ăn chết.

Nguồn thức ăn là cá, tép, cá biển, cua ốc… 2 tháng đầu thì xay hoặc băm nhuyễn các nguyên liệu và trộn thêm bột gòn (5%), vitamin C, và đưa xuống sàn ăn. Cá càng lớn thì khẩu ăn cũng giảm dần.

Từ tháng thứ 3 trở đi cho cá ăn thức ăn là cá tạp, khẩu phần ăn từ 10-12%.

Những tháng sắp thu hoạch, giảm khẩu phần ăn 8-10%.

Nếu thức ăn là tép vụn thì để nguyên con, cá lớn thì cắt hoặc bằm nhỏ vừa miệng của cá.

Hệ số thức ăn với các thành phần trên dao động từ 3,2 đến 4.

+ Thức ăn chế biến

Với thức ăn hỗn hợp chế biến, được phối chế bằng các loại cá, tép, cá biển, ốc, v.v... xay nhuyễn và trộn với thức ăn có gốc thực vật như cám, bột bắp, bột mì... cung cấp cho cá. Tỷ lệ phối chế thức ăn gốc động vật/ thức ăn gốc thực vật 2/1 đến 3/1. Nói chung hàm lượng đạm trong thức ăn đảm bảo từ 30-35%, thì mới đạt được theo nhu cầu dinh dưỡng của cá. Giai đoạn đầu cho đến 2 tháng nuôi, hàm lượng đạm trong thức ăn đảm bảo 35%, sau đó giảm dần xuống còn 30%. Khẩu phần ăn với thức ăn chế biến từ 5-7% trọng lượng thân. Hệ số thức của thức ăn chế biến dao động từ 4-5.

Sàng ăn của cá có kích thước dài từ 3-4m, rộng 0,5 và đặt gần bờ, ngập sâu trong nước khoảng 10cm. Khi ăn, cá sẽ trườn lên sàn để giành thức ăn. Sau khi cá ăn và trước bữa ăn mới, nên rửa sạch sàng ăn.

+ Thức ăn công nghiệp

Có thể tập cho cá ăn thức ăn viên công nghiệp, giai đoạn đầu khi còn là cá giống đã tập dần đã phải tập dần cho cá quen ăn thức ăn công nghiệp. Hiện nay đã có nhiều đơn vị sản xuất thức ăn viên công nghiệp riêng cho cá lóc như cá lóc bông. Thức ăn viên công nghiệp dạng viên nổi với nhiều loại kích cỡ vừa với cỡ miệng của cá, hàm lượng đạm 28-32% thích hợp cho cá nuôi thương phẩm. Khẩu phần ăn từ 1,5-2%.

Thức ăn viên công nghiệp có hệ số thức ăn từ 1,1­-1,2.

1.3.2. Quản lý môi trường ao nuôi

Hàng ngày theo dõi chặt chẽ mức độ ăn của cá để điều chỉnh kịp thời và hợp lý lượng thứ ăn. Hàng tháng kiểm tra trọng lượng cá để bắt mỗi lần từ 25-30 con để cân.

Nước trong ao cần được thay đổi thường xuyên. Có thể lợi dụng nước thủy triều để thay nước hàng ngày, nhất là những ngày nước lớn thì lượng nước thay được càng nhiều càng tốt. Nếu phải thay nước bằng bơm thì thay nước bằng bơm thì thay nước mỗi tuần một lần 30-40% lượng nước trong ao.

Thường xuyên theo dõi hoạt động của cá và kịp thời phát triển những dấu hiệu khác lạ như cá bỏ ăn như cá bỏ ăn, bơi không bình thường, nhiễm bệnh v.v để có biện pháp xử lý kịp thời.

2.   Nuôi cá lóc bông trong bè

2.1. Kết cấu bè nuôi và vị trí đặt bè

Nuôi cá lóc bông trong bè ở Nam Bộ tập trung ở các tỉnh Đồng Nai (sông La Ngà), Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ. Một số tỉnh khác cũng có nuôi nhưng không nhiều như Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An. Vật liệu đóng bè chủ yếu là gỗ các loại, bình thường như gáo, gỗ tốt như sao, vên vên căm xe… Nếu dùng gỗ tốt,  tuổi sử dụng của bè có thể được từ 10-15 năm. Hiện nay còn có loại bè bằng chất liệu mới như composite hoặc thép không rỉ (khung và lưới inox). Vật liệu phải đảm bảo yêu cầu dễ làm vệ sinh, dễ khử trùng và không gây nhiễm cho cá nuôi. Trên bè cần có một số trang bị và phụ kiện cần thiết để phục vụ cho hoạt động của bè như lò nấu thức ăn, có lắp thêm động cơ để đảo trộn thức ăn khi nấu. Có xuồng nhỏ để vận chuyển thức ăn, vật tư và đi lại khi cần thiết, một máy cắt trộn nguyên liệu và ép đùn thức ăn, máy quạt nước khi nước đứng hoặc những thời điểm hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp. Ngoài ra còn có thêm lưới kéo cá, xô, vợt xúc cá để kéo cá thu hoạch, kiểm tra,…và có một số dây cáp dự phòng để neo bè khi cần thiết.

Thể tích bè nuôi cá lóc bông dao động 80-280m3, độ ngập nước của bè từ 2,5-4m. Một số vùng nuôi trong các bè cỡ nhỏ như lồng nuôi ở vùng Trị An, La Ngà, Dầu Tiếng, sông Đồng Nai có thể đóng bằng tre, nứa và gỗ tạp, kích thước nhỏ hơn bè ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thường là cỡ 4x5x2,5-3m.

Bè được đặt ở những nơi có điều kiện thuận lợi cho quản lý chăm sóc cũng như điều kiện sinh thái phù hợp của cá. Nơi đặt bè không ảnh hưởng đến giao thông trên sông. Phải đặt nơi có mức nước sâu, vận tốc dòng chảy nhẹ 0,2-0,3m, nơi có đủ ánh sáng, gió nhẹ, không có dòng xoáy. Tránh nơi nước chảy quá mạnh, chất lượng nước tốt, không bị ô nhiễm, nơi sóng to gió lớn, tàu bè đi lại nhiều, nơi khúc quanh của sông, kênh, nơi bị bồi lắng, có nhiều rong cỏ, lục bình hoặc cống nước thải chảy ra. Nguồn nước lưu thông sạch, không ô nhiễm, xa các cống nước thải sinh hoạt, xa các khu công nghiệp, các khu ruộng lúa sử dụng nông dược.

Ngoài ra cũng cần chú ý đến vị trí thuận tiện giao lưu, gần các trục lộ giao thông giúp cho vận chuyển thức ăn, đi lại dễ dàng thuận lợi.

2.2 Kỹ thuật nuôi

2.2.1. Mùa vụ nuôi

Có thể thả vào các thời gian khác nhau trong năm, tùy theo mùa vụ cá giống và điều kiện kinh tế từng nông hộ. Ở các tỉnh Nam Bộ, mùa vụ thả giống kéo dài từ đầu tháng 5 đến tháng 9, tập trung vào tháng 7-8 hàng năm. Các tỉnh miền Bắc khí hậu lạnh nên thả giống nuôi từ tháng 3-4 khi nhiệt độ đã cao để có thể thu hoạch cá vào các tháng 9-10 trước mùa đông.

2.2.2. Cá giống nuôi và mật độ thả nuôi

Khi chọn cá giống nuôi cần chú ý:

+ Cá phải khỏe mạnh, không dị hình, không có dấu hiệu bệnh tật, không có thương tích hay xây xát và không bị mất nhớt. Cá khỏe thường bơi chìm và bơi nhanh nhẹn theo đàn.

+ Cá có kích cỡ đồng đều, không chênh lệch về kích cỡ để tránh tình trạng cá lớn ăn thịt cá nhỏ dẫn đến hao hụt đàn cá nuôi khi thu hoạch. Nên chọn cá cỡ lớn, trọng lượng từ 15-20gam/con. Nếu cá nhỏ hơn cần phải tiếp tục nuôi riêng cho đến khi đạt kích cỡ trên mới thả vào bè nuôi.

+ Khi thả cá vào bè, cần thả từ từ để cá quen dần với điều kiện mới, nên ngâm bao chứa cá giống trong nước bè 15-20 phút mới thả cá ra.

+ Trước khi thả cá xuống bè, phải tắm nước muối 2-3% (3-5 phút) để cá chóng lành các vết thương, loại bỏ được cá ký sinh trùng bám trên cơ thể cá.

Mật độ thả từ 100-130con/m3 bè.

2.2.3. Thức ăn cho cá nuôi trong bè

Hiện nay đa số sử dụng dạng thức ăn tươi sống gồm cá biển, cá vụn, tép, cua, ốc, cá linh. Khẩu phần ăn 3-5% trọng lượng thân/ngày. Giai đoạn cá còn nhỏ, khẩu phần ăn cao hơn và cá phải được xay nát. Lượng thức ăn sẽ giảm dần theo độ tăng trọng của cá.

Ngoài thức ăn tươi, sống, có thể cho cá ăn thức ăn hỗn hợp chế biến, được phối chế bằng các loại nguyên liệu như cá, tép, cá biển, ốc, v.v… xay nhuyễn và trộn với các loại nguyên liệu như có gốc thực vật như cám, bột bắp, bột mì… Tỷ lệ phối chế nguyên liệu có gốc động vật nguyên liệu gốc thực vật từ 2/1 và 3/1. Hàm lượng đạm trong thức ăn từ 30-35%. Giai đoạn đầu cho đến 2 tháng nuôi, hàm lượng đạm trong thức ăn đảm bảo 35%, ở các tháng cuối còn 30%. Nên trộn thêm premix khoáng (0,1%), vitamin C (10mg/kg thức ăn) để kích thích cá ăn nhiều và tăng sức đề kháng cho cơ thể. Thức ăn được đưa xuống sàn đặt cách mặt nước 15-20cm.

Hệ số thức ăn của thức ăn chế biến dao động từ 4-5.

Hàng ngày quan sát hoạt động bắt mồi và kiểm tra mức độ ăn, độ lớn của cá để đều chỉnh kịp thời và hợp lý, không được để thức ăn dư thừa trong sàn và đáy bè, vì sẽ làm môi trường đáy bè bị ô nhiễm và cá dễ bị nhiễm bệnh. Nên cho cá ăn vào lúc nước chảy mạnh giúp cho cá ăn tốt và không bị mệt. Khi phát hiện cá bị bệnh, phải giảm hoặc ngưng cho cá ăn và tìm biện pháp để xử lý và trị bệnh.

Để giải quyết tốt và chủ động thức ăn, về lâu đài cần phải dùng thức ăn viên công nghiệp. Thức ăn công nghiệp sẽ đảm bảo đầy đủ và cân đối hàm lượng phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của cá. Loại thức ăn này dễ dàng vận chuyển, bảo quản và dễ sử dụng cho người nuôi. Ở Thái Lan đã giải quyết tốt vấn đề thức ăn công nghiệp cho cá lóc và cá bông. Hiện nay, ở ta cũng đã có một số công ty chuyên sản xuất thức ăn cho cá lóc bông. Để cá lóc bông có thể sử dụng thức ăn công nghiệp, ngay từ giai đoạn ương giống, phải tập cho cá quen dần với loại thức ăn này. Cần kiên trì tập sau khoảng 1-2 tuần thì cá sẽ chấp nhận thức ăn mới và khi chuyển sang giai đoạn nuôi thịt thì rất thuận lợi trong việc sử dụng thức ăn công nghiệp để nuôi cá.

2.2.4. Quản lý chăm sóc bè nuôi

Công tác phải được coi trọng và thường xuyên song song với khâu kỹ thuật nuôi, nhằm đảm bảo cá khỏe mạnh, nâng cao năng suất cá nuôi và giữ cho bè được bền lâu dài. Ngay từ khi chuẩn bị thả cá nuôi và trong quá trình nuôi, cần tuân thủ các khâu sau:

- Phải dọn vệ sinh bè và tẩy trùng sạch sẽ trước khi thả cá nhằm loại trừ các loại vi khuẩn có hại và gây nguồn bệnh cho cá nuôi.

- Phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra đàn cá. Vệ sinh sàn ăn sau khi cá ăn xong. Khi cho ăn phải chú ý quan sát mức độ sử dụng thức ăn và hoạt động v.v để phát hiện những triệu trứng lạ hay bệnh tật nhằm có biện pháp xử lý kịp thời. Có biện pháp kiểm tra đáy bè để giải quyết các thức ăn dư thừa, lăng đọng ở đáy bè thông thoáng, không bị ô nhiễm, hạn chế nguồn gây bệnh cho cá. Hàng tháng kiểm tra đo tăng trưởng của cá để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp. Những con cá bị dị hình, còi cọc, chậm lớn phải được loại bỏ.

- Những vùng nuôi có ảnh hưởng thủy triều, lúc thay đổi giữa 2 con nước, nước trong bè cá thường bị giảm lượng khí o-xy hòa tan nên cá dễ bị ngạt, phải trợ lực dòng chảy bằng bơm quạt nước chảy mạnh qua bè giúp cho cá không bị ngạt do thiếu o-xy.

- Vào mùa mưa, do nước sông phù sa và lắng đọng nhiều ở đáy bè, cần thường xuyên bơm quạt nước đẩy bùn ra khỏi đáy bè.

- Vào mùa mưa lũ, nước chảy mạnh, cần tăng cường dây neo chắc chắn để tránh rủi ro cho bè.

- Hàng tuần phải lặn kiểm tra quanh bè, xem xét lưới chắn, vớt rác và bèo lục bình bám vào bè, kịp thời tu sửa những hư hỏng.

- Thu hoạch

Thời gian nuôi cá lóc bông trong bè từ 8-10 tháng, cá đạt cỡ 0,8-1,5kg. Tùy theo yêu cầu thị trường, giá cả, người nuôi có thể chủ động thu hoạch để bán khi có lợi nhất.

Trước thu hoạch 1-2 ngày, giảm thức ăn và không nên cho ăn vào ngày thu hoạch. Có thể dùng vợt mềm (không có gút) để bắt cá ở bè nhỏ. Thu hoạch cá ở bè lớn phải dùng lưới để kéo. Sau khi thu hoạch, vận chuyển cá đi tiêu thụ bằng thuyền thông thủy (ghe đục), hoặc đựng cá trong thùng tole và chuyển đi xa bằng ô tô.

3.     Biện pháp lưu giữ cá lóc qua đông (ở các tỉnh phía Bắc)

Có thể lưu giữ tránh rét cho cá lóc bông quâ đông bằng các biện pháp đơn giản sau:

- Ao giữ cá:

Ao cần có độ sâu, càng sâu càng tốt, nhưng tối thiểu có mực nước từ 1,5m nước trở lên (sâu hơn càng tốt). Dành khoảng 70% diện tích ao để thả nuôi bèo tây (lục bình) và cần chăng dây hoặc ngăn bằng cây tre để bèo không lan phủ hết diện tích ao.

Cá thả trong ao sẽ nhờ bèo tây giữ được độ ấm cho nước ao và do đó cá khộng bị chết rét.

-         Làm mái nhà che trên ao giữ cá

Bên trên mắt ao làm mái che và dưới ao cũng thả bèo tây. Sử dụng cây tre làm khung nhà trên mặt ao, làm hai mái và mép của mái sát với bờ ao đề ngăn gió lùa. Có thể dùng tấm bạt và tấm nylon để lợp mái. Hai mái có thể làm khoảng 70% diện tích mặt thoáng của ao hoặc cả diện tích ao. Thả bèo tây 70% diện tích mặt ao.

Với biện pháp trên có thể giữ được cá trong ao qua mùa đông giá lạnh. Tuy nhiên do nhiệt độ thấp nên cá hầu như không ăn thức ăn nên cá sẽ bị gầy. Nên tranh thủ những ngày nắng ấm thì cho cá ăn để giữ sức cho cá.

 Nguồn: NXB Nông nghiệp Việt Nam



 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.