MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1071859
Số người trực tuyến:2
TIN TỨC - SỰ KIỆN
 Những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh luôn quan tâm và xác định rõ tầm quan trọng nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước, xem đây là một trong những giải pháp hiệu quả giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở địa phương phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Nhờ chính sách này đã giúp cho các hộ nghèo trên địa bàn được tiếp thêm nguồn lực kịp thời, qua đó cải thiện và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
 

 Nguồn vốn chính sách giúp cho các hộ nghèo trên địa bàn được tiếp thêm nguồn lực kịp thời, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống

  Đến nay, ngân hàng CSXH tỉnh đang triển khai thực hiện 10 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt trên 2.145 tỷ đồng với 96.034 hộ còn dư nợ, tăng gấp 16,8 lần so với khi mới thành lập. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn bình quân hàng năm đạt 21,4%/năm. Riêng trong năm 2018, số dư nợ thông qua các chương trình tín dụng chính sách của ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh là gần 540 tỷ đồng, cho gần 19.500 lượt hộ vay vốn.
 
Để nguồn vốn tín dụng đến đúng tay các đối tượng chính sách và phát huy hiệu quả, phía ngân hàng đã chủ động tổ chức tốt hoạt động giao dịch; niêm yết công khai đầy đủ thủ tục giải quyết công việc của ngân hàng; công khai dư nợ; thông báo chính sách tín dụng ưu đãi… tại các điểm giao dịch xã theo đúng quy định. Đồng thời, trước khi giải ngân, ngân hàng CSXH các huyện tích cực phối hợp với các Hội, đoàn thể mở nhiều lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hộ nghèo; cử cán bộ ngân hàng đến từng hộ kiểm tra năng lực để từ đó định hướng cho các hộ phương án đầu tư vốn vay vào các loại cây, con, ngành nghề phù hợp, sau đó mới tiến hành giải ngân.

 Bên cạnh đó, ngoài việc thực hiện tốt công tác cho vay, nâng cao chất lượng tín dụng, những năm qua, ngân hàng CSXH tỉnh, phòng giao dịch các huyện, thành phố cũng đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Hội, đoàn thể trên địa bàn thực hiện tốt công tác vận động nhân dân tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua các Tổ TK&VV. Qua đó, nhằm tạo ý thức cho hội viên, nông dân biết tiết kiệm hàng tháng; đồng thời tạo thêm nguồn vốn tự có để tái đầu tư sản xuất kinh doanh, giúp đỡ được nhiều lượt hộ khó khăn khác.

 Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ đã được triển khai rộng rãi và bao phủ đến từng địa bàn thôn, xã trong tỉnh thông qua mạng lưới của 2.557 Tổ TK&VV. Việc xếp loại đánh giá chất lượng các Tổ được tiến hành nghiêm túc hàng năm, theo đó, đã có 2.276 Tổ xếp loại tốt (chiếm 89% tổng số Tổ TK&VV).

 Công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về giao dịch xã được tăng cường, đẩy mạnh. Qua đó, nhằm phát hiện kịp thời các sai sót, tồn tại, vi phạm để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giao dịch ở cấp xã, góp phần đưa hoạt động tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả.

 Nhiều hộ trước đây khó khăn, nay được hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ ngân hàng CSXH để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng các gia trại, trang trại chăn nuôi, thủy sản, nhờ đó cải thiện được thu nhập, cuộc sống khá lên trông thấy. Trên địa bàn đã có nhiều tấm gương hội viên, nông dân thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống nhờ nguồn vốn ưu đãi.

 Điển hình như mô hình VAC khép kín của gia đình anh Đào Quang Đạt ở xóm 8, xã Khánh Tiên- huyện Yên Khánh giúp đem lại nguồn thu nhập ổn định với giá trị kinh tế cao mỗi năm. Quyết định rời bỏ thành phố để trở về quê làm nông nghiệp, với 4 mẫu ruộng nằm ven dòng sông Đáy, vợ chồng anh đã chăm chỉ chịu khó và tiến hành cải tạo một cách cơ bản để quyết chí tạo dựng cơ nghiệp. Theo đó, một phần diện tích anh đào ao thả cá; phần quây chuồng trại để nuôi gà, vịt đẻ; phần được vun xới cẩn thận để trồng các loại cây ăn quả…

 Ban đầu, gia đình anh cũng gặp phải rất nhiều khó khăn bởi vừa thiếu kinh nghiệm lại nhất là thiếu vốn để mở rộng sản xuất. Được sự tư vấn, giới thiệu của các đoàn thể, anh tham gia Tổ TK&VV và được xét vay số tiền 50 triệu đồng, cộng thêm với số tiền tích lũy được, anh Đạt đã đầu tư để mở rộng thêm chuồng trại, lựa chọn và mua con giống tốt về chăn nuôi.
 
Nhờ chăm chỉ làm ăn, đến nay, gia đình anh xuất bán khoảng 3 tấn cá, 6- 7 tấn gà thương phẩm và hàng vạn quả trứng vịt mỗi năm, trừ hết mọi chi phí còn thu lãi gần 100 triệu đồng.

 Hay như gia đình Phạm Văn Nhật ở xã Khánh Tiên- huyện Yên Khánh cũng được đánh giá là một trong những điển hình phát triển kinh tế giỏi ở địa phương. Với diện tích 5 ha mặt nước, anh tập trung đầu tư quy mô để nuôi 8.000 con vịt trời đẻ trứng. Anh Nhật cho biết: Việc đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại, ao nuôi rất tốn kém nên dù gia đình anh có bao nhiêu vốn cũng không thấm vào đâu.
 
Năm 2017, được ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng, anh đã mua thêm một lò ấp trứng, nhờ vậy, gia đình anh đã chủ động hơn trong việc tự sản xuất con giống. Hiện nay, trang trại nuôi vịt trời của anh Nhật không những phát triển kinh tế bền vững mà còn giúp tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên cùng hàng chục lao động thời vụ khác ở xã với mức thu nhập bình quân từ 3- 5 triệu đồng/người/tháng.

 Gia đình chị Bùi Thị Lưu ở thôn Ngọc, xã Thạch Bình- huyện Nho Quan cũng là một trong những tấm gương hội viên, nông dân năng động, chịu khó, tích cực vươn lên làm kinh tế.

 Được tạo điều kiện hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ nguồn ngân hàng CSXH, chị đầu tư toàn bộ tiền vốn để phát triển sản xuất. Theo đó, chị đã tập trung cải tạo, chuyển đổi hơn 1 mẫu đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, khoai, cỏ voi… để tạo nguồn thức ăn tại chỗ phục vụ cho chăn nuôi. Đồng thời, chị còn đầu tư xây dựng khu chuồng trại khép kín, mua con giống để tổ chức chăn nuôi 10 con lợn nái, 50 con lợn thương phẩm và 10 con trâu, bò. Hiện nay, nhờ lựa chọn hướng phát triển kinh tế phù hợp, mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình chị Lưu duy trì được nguồn thu nhập ổn định từ 100 triệu- 150 triệu đồng/năm.
 
Với mục tiêu đồng hành cùng hội viên, nông dân trong phát triển kinh tế, thời gian tới, ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường sự phối hợp với các tổ chức Hội, đoàn thể triển khai tốt các công đoạn nhận ủy thác nguồn vốn; nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ giao dịch tại xã để nắm chắc tình hình nợ đến hạn, nợ quá hạn; phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách về vay vốn, hướng dẫn và giúp bà con nông dân được vay vốn có kinh nghiệm sản xuất, nâng cao hiệu quả đồng vốn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo 100% nguồn vốn được bà con sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.


Như Cương (quyhotronongdan.vn)


 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.