MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1070298
Số người trực tuyến:2
TIN TỨC - SỰ KIỆN
 

Với những chính sách hỗ trợ thiết thực, phù hợp, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi (gọi tắt là Chương trình 135) thực sự trở thành “lực đẩy” để huyện Nho Quan thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo ở vùng khó. Nếu như năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo thuộc đối tượng dân tộc thiểu số chiếm 9,24% thì đến cuối năm 2018, tỷ lệ này đã giảm còn 4,99%.

 Thu hoạch mía ở xã Phú Long (Nho Quan).

   Khởi nguồn từ Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020, đến nay Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về giảm nghèo một cách kịp thời, đồng bộ, tính khả thi cao. Các chính sách, trong đó điển hình là Chương trình 135 đã dần đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số và đồng bào vùng khó khăn, góp phần giảm nhanh, bền vững tỷ lệ hộ nghèo theo từng năm, mang lại diện mạo mới cho các địa phương này.

Phú Long là một trong 5 xã thuộc Chương trình 135 của huyện Nho Quan. Đồng chí Lương Mạnh Tường, Chủ tịch UBND xã chia sẻ, Trạm y tế xã là một trong những công trình có ý nghĩa nổi bật nhất trong hệ thống cơ sở hạ tầng mà xã được hỗ trợ đầu tư từ chương trình 133 của Chính phủ. Trước đây, do Trạm y tế bị xuống cấp, lại thiếu các trang, thiết bị phục vụ cho việc khám, chữa bệnh nên việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân còn nhiều hạn chế. Năm 2016, xã Phú Long được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình 135 để sửa chữa, nâng cấp trạm y tế, đến nay, Trạm đã đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Ngoài ra, cũng từ nguồn hỗ trợ của Chương trình 135, hệ thống giao thông của xã được nâng cấp, cải tạo, tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận lợi, qua đó thu hút các doanh nghiệp về đầu tư tại xã, góp phần giải quyết việc làm cho bà con nhân dân. Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, công tác hỗ trợ công cụ để người nghèo vươn lên cũng ngày càng phát huy hiệu quả. Riêng năm 2018, xã được nhận và cấp 51 con bê cho hộ nghèo, cận nghèo có lao động và 1.500 con gà; luân chuyển 6 con bò của Tập đoàn Vingroup… Đến cuối năm 2018, xã Phú Long còn 69 hộ nghèo, chiếm 3,76% và 62 hộ cận nghèo, chiếm 3,38%.

Đồng chí Bùi Văn Thể, Trưởng phòng Dân tộc huyện Nho Quan cho biết: Huyện Nho Quan có 5 xã, 24 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số là 9,24%. Qua phân tích cho thấy, nguyên nhân nghèo chủ yếu là do các hộ thiếu lao động tham gia sản xuất, thiếu vốn sản xuất và gia đình có người ốm đau dài ngày… Từ việc nắm vững nguyên nhân nghèo là cơ sở để huyện Nho Quan triển khai, áp dụng linh hoạt, sáng tạo các giải pháp hỗ trợ từ Chương trình 135 một cách có hiệu quả để tạo nguồn lực cho người nghèo vươn lên. Trong giai đoạn 2016-2018, tổng nguồn vốn thực hiện trên 333 tỷ đồng để đầu tư xây mới, duy tu bảo dưỡng 71 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, giáo dục, văn hóa, trụ sở UBND xã, chợ xã. Các dự án khác cũng được thực hiện như: hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện chương trình… Những chính sách giảm nghèo thuộc Chương trình 135 đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới ở các xã vùng dân tộc, miền núi. Đến nay, 100% số xã thuộc diện 135 có đường ô tô đến trung tâm xã, tỷ lệ xã có lưới điện quốc gia đến trung tâm xã chiếm 100%, trên 80% trường học đạt chuẩn về cơ sở vật chất. Nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo điều kiện cho hàng hóa thông thương, góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình xóa đói giảm nghèo của địa phương, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn… Tỷ lệ hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số tính đến cuối năm 2018 còn 4,99%.

Mặc dù vậy, theo đồng chí Đinh Văn Trang, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan, hiệu quả công tác giảm nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn vẫn chưa được như mong muốn, do chính sách vẫn còn dàn trải, chưa thực sự tạo được đòn bẩy để hộ nghèo vươn lên. Vì vậy, huyện Nho Quan sẽ tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vừa để người dân nắm vững, hiểu rõ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mặt khác vừa giúp người nghèo có thêm ý thức, nhận thức để từng bước vươn lên thoát nghèo. Một thuận lợi nữa cho công tác giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số Nho Quan, đó là bắt đầu từ năm 2018, Chương trình hỗ trợ có một thông điệp rất rõ ràng, đó là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không cào bằng, dàn trải theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh “Về việc quy định mức hỗ trợ thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, da dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phương tiện nghe-xem thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” tại kỳ họp thứ 7 ngày 17/4/2018. Mục tiêu của Nghị quyết là thay thế cách hỗ trợ dàn trải bằng phương pháp hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, thực sự tạo đà cho người nghèo vươn lên với mục tiêu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5-2,5% đối với các xã 135.

Để việc hỗ trợ thực sự có hiệu quả, Phòng Dân tộc đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai đến các xã 135, đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai, đúng đối tượng. Các hộ nhận hỗ trợ phải sử dụng máy móc, vật nuôi để phát triển sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình chứ không được bán, chuyển nhượng cho hộ khác và phải cam kết vươn lên thoát nghèo khi tham gia dự án này. Theo dự án, 306 hộ nghèo có lao động được nhận hỗ trợ dự án phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế; 71 hộ nghèo có lao động được nhận hỗ trợ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo. Đối với những hộ không có lao động hoặc có lao động nhưng chưa tham gia dự án thì được hỗ trợ gà giống, thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y với mục tiêu cải thiện cuộc sống cho những hộ thuộc đối tượng này. Phương thức hỗ trợ mới sẽ là cơ sở để các hộ nghèo, hộ cận nghèo của các xã 135 vươn lên thoát nghèo.

Đào Hằng (baoninhbinh.org.vn)

 

 



 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.