MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1072099
Số người trực tuyến:3
TIN TỨC - SỰ KIỆN
 Kết quả hình ảnh cho truy cập internet

 

Với những chủ trương đúng, giải pháp toàn diện, đồng bộ nhằm phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, tăng cường an sinh xã hội, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, và một trong những giải pháp xóa đói giảm nghèo đó chính là việc phổ biến Internet ngày càng sâu rộng, thực chất đến bà con sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…

Các thành quả điển hình

Tại tỉnh miền núi khó khăn Lào Cai, ở các huyện vùng cao, mạng Internet đã và đang vươn tới từng thôn bản, giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tầng lớp thanh niên, các em học sinh kết nối thông tin, học tập nâng cao kiến thức, phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo. Tại huyện Sa Pa, có nông dân Lý Láo Lở, ở xã Tả Phìn đang sở hữu bãi tắm lá thuốc của người Dao đỏ được nhiều người tin dùng. Theo lời anh Lở, người Dao đỏ nhiều đời nay đã quen với việc tắm nước thuốc từ những lá, hoa, cây, củ, quả… mọc tự nhiên trên rừng. Ngày xưa, chỉ có người giàu, quan lại mới có điều kiện để tắm lá thuốc thường xuyên. Còn người nghèo thì, mỗi năm chỉ có điều kiện tắm vào dịp Tết, vừa để sạch người, vừa để tăng cường sức khỏe cho 1 năm tiếp theo…

Với mục đích ngày càng có nhiều người biết và tắm thuốc lá này, anh Lở đã thành lập công ty SapaNanpro. Tuy nhiên, Tả Phìn là xã vùng sâu, vùng xa ít người biết tới nên thời gian đầu, Công ty gặp nhiều khó khăn do thông tin bị hạn chế. Để từng bước quảng bá, giới thiệu sản phẩm, công dụng khi tắm lá thuốc, anh Lở và mọi người trong công ty tìm đủ mọi cách, trong đó theo anh Lở mạng Internet đã đóng vai trò vô cùng quan trọng.

“Bây giờ mọi người chỉ cần vào mạng sẽ có đầy đủ thông tin về Công ty mình, từ chỉ dẫn đường đi, các sản phẩm rồi giá cả, tác dụng của các bài thuốc tắm ra sao… tất cả đều có trên mạng hết. Có thể nói, Công ty mình phát triển đến ngày hôm nay cũng nhờ một phần không nhỏ của mạng Internet”, anh Lở chia sẻ.

Những năm gần đây, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Lào Cai là một trong những đơn vị có thành tích tốp đầu của giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Góp phần làm nên thành quả này là, nhà trường đặc biệt quan tâm, giúp các em học sinh tiếp cận với công nghệ thông tin. Thông qua môn tin học, các em được trang bị kiến thức, hiểu biết để khai thác hiệu quả mạng Internet phục vụ cho việc học tập. Vào những dịp nghỉ hè, thông qua mạng internet các em còn có thể tìm hiểu được nhiều kiến thức bổ ích trong sản xuất, chăn nuôi để hướng dẫn lại cho gia đình, cha mẹ và người thân thực hiện…

Cũng ở khu vực miền núi phía Bắc như Lào Cai, tại huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn có 5 điểm truy cập internet công cộng với 30 máy tính được kết nối internet phục vụ miễn phí. Các điểm này hoạt động trong giờ hành chính. Ở huyện có 12 đại lý internet. Theo bà Nông Thị Nga, những điểm internet đã phần nào giúp bà mở mang hiểu biết “Muốn biết thông tin gì thì vào đây xem, như về sức khỏe, trồng trọt, chăn nuôi, thuận tiện mà biết được thông tin nhanh. Những thông tin xem trên máy tính về áp dụng dễ mang lại hiệu quả hơn. Trước đây, tôi không học về chăn nuôi nên không có kinh nghiệm gì nhưng giờ lên máy tính tìm hiểu và áp dụng thì ang lại hiệu quả tốt hơn”.

Theo ông Phạm Gia Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Hạ, dịch vụ internet đến với xã rất hiệu quả, đồng bào có thể truy cập tìm hiểu về hoạt động sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp, các chương trình giải trí, tình hình thời sự của đất nước. Với các hộ đang xây dựng mô hình sản xuất trồng cam, trồng quýt thì xem công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, ở các tỉnh khác có nhiều mô hình hay về phát triển kinh tế thì đồng bào học hỏi.

Một ví dụ điển hình khác, mô hình khai thác thông tin internet phục vụ phát triển kinh tế- xã hội địa phương tại các điểm chùa Khơme tỉnh Sóc Trăng (Mô hình khai thác thông tin internet) được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng triển khai từ tháng 6/2012. Đến nay, mô hình đang từng bước phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng dân tộc Khơme..

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Sà Kha, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Sóc Trăng là tỉnh có ưu thế trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua công nghệ thông tin đã thể hiện vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từ những thông tin chính thống trên internet, người nông dân có thể học hỏi cách làm ăn, tìm nơi tiêu thụ sản phẩm”.

Từ khi mô hình Khai thác thông tin internet đi vào hoạt động, chùa Som Rông (phường 5, TP. Sóc Trăng) thường xuyên có từ 10-15 lượt bà con Khơ –me vào mạng mỗi ngày. Các nhà sư cho biết, bà con khi tìm hiểu thì tìm cán bộ chuyên môn nhờ giải đáp.

Ông Lâm Tạo (khóm 3, phường 5) vui mừng thông báo “Trước đây, tôi chỉ trồng độc mỗi rau thơm, bán chẳng được bao nhiêu tiền. Nhờ đọc thông tin trên internet mà gia đình tôi quyết tâm mở rộng sản xuất, tận dụng mặt nước trồng thêm rau nhút. Hơn 1.000m2 ra nhút nay đã cho thu nhập ổn định khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng. Bà con hỏi tôi kinh nghiệm sản xuất ở đâu, tôi chỉ vào chùa, cái máy tính nho nhỏ trong đó bày ra cách làm ăn”.

Ông Điền ở ấp Tâm Trung, phường 10, TP Sóc Trăng tâm đắc:”Bà con ở đây thường sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ màu. Ở vụ màu, nếu trồng dưa hấu thì lo nhất là bệnh vàng lá chết dây. Bệnh này tuy mọi người đều có kinh nghiệm nhưng chưa thể khắc phục triệt để. Biết trong chùa Trà Tiêm trên địa bàn có lắp đặt internet chúng tôi cũng tìm được cách phòng ngừa và chữa bệnh hiệu quả cho cây dưa hấu”.

Hòa thượng Lý Đức, trụ trì chùa Som Rông kể: “Hôm Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, bà con tới chùa tìm hiểu đông lắm. Chưa thỏa mãn với những thông tin, hình ảnh được xem trên máy tính, nhiều người còn nhờ tôi tải xuống, in ra mang về để gia đình cùng đọc. Mùa thi vừa qua, nhiều gia đình cũng hay ghé tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường cao đẳng, đại học mà con em mình đăng ký dự thi”.

Từ những thông tin hướng dẫn qua internet đã có nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cho nông dân. Tin rằng, việc đưa internet về miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng là giải pháp đưa tiến bộ khoa học- kỹ thuật để người dân tiếp cận nhanh và hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Gia Bách (tổng hợp)

 



 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.