MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1072034
Số người trực tuyến:6
TIN TỨC - SỰ KIỆN
 

   Một lớp dậy nghề thêu cho lao động nông thôn tại xã Gia Thanh (Gia Viễn).

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ được xem là “cơ hội vàng” giúp người lao động có thêm việc làm, cải thiện cuộc sống, nhất là vào thời điểm nông nhàn. Trong năm qua, với phương châm “đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm”, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh ta đã thu hút được nhiều lao động nông thôn tham gia học nghề, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, tạo việc làm, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

 Trước khi đến với lớp dạy nghề đan cói, bèo bồng do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện tổ chức, chị Bùi Thị Vui ở xã Khánh Thủy (Yên Khánh) không nghỉ có việc gì làm thêm lúc nông nhàn. Vì vậy mà cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ và hai đứa con đang tuổi đến trường thêm khó khăn. Chẳng những riêng chị Vui mà hầu hết phụ nữ xã Khánh Thủy đều chờ đợi một nghề phù hợp sẽ sớm về với bà con để có thêm cơ hội cải thiện cuộc sống. Mong ước của bà con xã Khánh Thủy nay đã trở thành hiện thực. Gia đình chị Bùi Thị Vui cũng là một trong những gia đình tích cực làm nghề sau khi được đào tạo. Chị Vui phấn khởi nói, nếu làm việc chăm chỉ thì mỗi tháng tôi cũng có thêm hai triệu đồng từ nghề đan bèo bồng. ở quê, có thêm hai triệu đồng/tháng đã góp phần tích cực vào việc cải thiện cuộc sống. Chúng tôi mong rằng sẽ duy trì nghề được lâu dài.

Đồng chí Đỗ Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Khánh Thủy cho biết, trước đây, địa phương đã đưa một số nghề về cho bà con song hiệu quả không cao nên bà con không mặn mà với nghề. Thu nhập phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp nên tỷ lệ hộ nghèo của xã còn khá cao, gây khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, thời gian qua, xã Khánh Thủy đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào công tác xóa đói, giảm nghèo, trong đó tích cực tuyên truyền nhằm làm thay đổi nhận thức của nhân dân về công tác giảm nghèo, từ đó khơi dậy được tinh thần tự lực, tự giác tham gia các hoạt động giảm nghèo. Hướng giảm nghèo hiệu quả và bền vững nhất đó chính là tạo việc làm cho người nghèo, từ đó duy trì nguồn thu nhập ổn định từ nghề đã học giúp người nghèo cải thiện cuộc sống. 

Theo đó, xã đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên và Công ty TNHH Thành Hóa đưa vào dạy nghề đan bèo bồng cho lao động địa phương. Khi được dạy nghề bà con thực sự hào hứng tham gia. Bởi lẽ, đây là nghề thủ công, phù hợp với trình độ và điều kiện sống ở nông thôn. Thêm vào đó, doanh nghiệp trực tiếp tham gia truyền nghề và bao tiêu sản phẩm nên bà con không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm. Tham gia lớp học, học viên được cấp dao, kéo và nguyên liệu bèo bồng phục vụ trực tiếp vào quá trình học. Với hình thức cầm tay chỉ việc, các giảng viên đã hướng dẫn cách làm các mặt hàng từ đơn giản đến hàng có yêu cầu kỹ thuật cao… 

Với sự tận tình của đội ngũ giáo viên, sự chăm chỉ của học viên nên chỉ sau 2 tháng, 100% học viên đã nắm được các kỹ thuật đan từ đơn giản đến phức tạp và đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận nghề. Kết thúc lớp học, các học viên đã làm ra gần 4 nghìn sản phẩm đạt yêu cầu. Tất cả học viên sau khi tốt nghiệp đã được tạo việc làm tại địa phương với mức thu nhập ổn định. Đây là cơ hội lớn giúp người dân có nghề và ổn định cuộc sống nhờ nguồn thu nhập ổn định từ nghề đã học, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương xuống còn 2,7% trong năm 2018. Theo thống kê của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Khánh, trong năm 2018, huyện Yên Khánh đã tổ chức 6 lớp dạy nghề cho trên 200 lao động nông thôn. Bên cạnh đó, huyện Yên Khánh cũng tiếp tục chỉ đạo thực hiện phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, đầu tư mở rộng nghề truyền thống như: thêu, may, bún bánh, nghề cói… nhằm thu hút thêm nhiều lao động. Trong năm 2018, huyện đã giải quyết việc làm cho 3.700 lao động, vượt kế hoạch đề ra.

Cũng như huyện Yên Khánh, trong năm qua các địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực vượt khó để thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng chí Vũ Đức Dương, Phó trưởng phòng dạy nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 36 đơn vị có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: 5 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 9 cơ sở khác tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 3 doanh nghiệp đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp một cách bài bản. Để tạo được bước đi đột phá trong công tác đào tạo nghề thì trong năm qua, tỉnh ta đã chú trọng tới việc huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động. Khi các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, người học được tiếp cận thực tế nhanh chóng, thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành cũng như khả năng thích ứng với sự thay đổi công nghệ trong thực tế sản xuất. 

Đối với người lao động, khi được các doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề một cách bài bản họ sẽ tiếp thu được các kiến thức tại cơ sở đào tạo và phát triển kỹ năng nghề nghiệp thông qua thực tập tại doanh nghiệp; tiếp xúc, làm việc với những thiết bị tiên tiến, kỹ thuật hiện đại do doanh nghiệp đầu tư giúp cho người lao động không bị tụt hậu với sự phát triển của khoa học kỹ thuật… Khi tham gia đào tạo nghề, doanh nghiệp cũng có nhiều lợi ích khi nắm bắt được khả năng của người học, từ đó cùng tham gia đào tạo nguồn lao động có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp mình. 

Với những giải pháp thiết thực, hiệu quả, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong năm 2018, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho 17.250 lao động (đạt 103% kế hoạch năm), trong đó: Đào tạo nghề dài hạn trình độ trung cấp, cao đẳng nghề là 4.710 người; trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 12.540 người; 39 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ ngân sách Nhà nước. Tỷ lệ lao động có việc làm mới hoặc vẫn làm công việc cũ nhưng có năng suất và mức thu nhập cao hơn đạt trên 80%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 49%.

Đào Hằng (baoninhbinh.org.vn)

 



 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.