MENU
THỜI TIẾT NINH BÌNH
Nhiệt độ trung bình: 19°C
Cao nhất: 24°C
Thấp nhất: °C
Độ ẩm: %
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 1066022
Số người trực tuyến:3
MÔ HÌNH HAY

 

Với cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, những năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh huyện Kim Sơn đã đã tích cực, chủ động đưa nguồn vốn đến với người dân. Nhờ nguồn vốn này, nhiều hộ dân có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần cùng địa phương thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
 
Giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh huyện Kim Sơn.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại,  sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả, nhu cầu về vốn trên địa huyện Kim Sơn là rất lớn. 

Để đáp ứng nhu cầu về vốn, các ngân hàng, tổ chức tín dụng, đặc biệt là Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện đã và đang triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả các chương trình tín dụng, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế và các hộ nông dân được vay vốn để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. 

Theo thống kê từ năm 2008 đến hết năm 2017, trên địa bàn huyện có  5.129 hộ được vay vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn với tổng dư nợ là 1.367,7 tỷ đồng, trong đó chủ yếu cho vay theo Nghị định số 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; cho vay theo Nghị định số 67 ngày 07/6/2014 và Nghị định số 89 ngày 07/10/2015 về chính sách phát triển thủy sản; cho vay theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất mua máy móc thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. 

Riêng 8 tháng đầu năm 2018, doanh số cho vay trên địa bàn huyện đạt 1.200 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 90%. Tổng dư nợ đến hết 28/08/2018 là 1.416 tỷ đồng với 5.029 hộ còn dư nợ.

Với sự đồng hành của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Sơn, người dân có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Điển hình như hộ chị Đinh Thị Giang, xã Thượng Kiệm đã phát triển thành công mô hình tổng hợp trồng rau, cây ăn quả an toàn từ nguồn vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn. 

Chị Giang cho biết: Cách đây 7 năm khi bắt đầu triển khai mô hình, gia đình chị đã được Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Sơn tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất. Làm ăn có hiệu quả, trả nợ gốc và lãi đúng hạn, chị tiếp tục được Ngân hàng cho vay vốn mở rộng sản xuất. 

Hiện nay chị còn vay của Ngân hàng 400 triệu đồng. Từ nguồn vốn này hiện chị có 2 ha trồng thanh long, mít, chanh, mướp đắng, mướp nhật, mướp ta, cà chua, dưa lê, dưa hấu... Mỗi năm chị cung ứng ra thị trường chục tấn dưa các loại, 30 tấn cà chua, vài chục tấn mướp ta, mướp nhật....Sau khi trừ chi phí, gia đình chị có lãi trên 400 triệu đồng/năm.

Theo đánh giá của đại diện lãnh đạo phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Sơn, trong những năm qua Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Sơn luôn sát cánh và đồng hành, tạo nguồn vốn cho lĩnh vực nông nghiệp phát triển. 

Đặc biệt, nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT đã hỗ trợ đắc lực để huyện thực hiện tốt các Chương trình, các Nghị quyết, các Đề án... về lĩnh vực nông nghiệp như: Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

Nhờ nguồn vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Kim Sơn phát triển khá toàn diện, có những đột phá trong một số lĩnh vực, tạo nguồn thu nhập, nâng cao dần đời sống vật chất cho nông dân. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt đạt được một số kết quả quan trọng trong việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, năng suất, chất lượng giá trị sản xuất/ha canh tác. 

Trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất, mô hình trồng cây ăn quả, cây dược liệu có hiệu quả kinh tế cao, có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 

Chăn nuôi trên địa bàn huyện đang từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá, sử dụng các giống năng suất cao, chất lượng tốt, áp dụng  kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Chăn nuôi nhỏ lẻ đang từng bước chuyển sang chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại, gia trại và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chăn nuôi như sử dụng hệ thống chuồng kín, hệ thống  làm mát, chế phẩm sinh học. 

Hiện nay trên địa bàn huyện có 12 trang trại, trong đó có 9 trang trại chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chí tại Thông tư 27/BNN-PTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT. 

Nuôi trồng thủy sản hình thành một số khu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, trên ao nổi, nuôi tôm sinh thái trong rừng ngập mặn; sản xuất ngao giống, phù hợp, thích nghi với đặc điểm thời tiết khí hậu vùng ven biển... Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện có 23 mô hình sản xuất thuỷ sản theo hướng áp dụng công nghệ cao, công nghệ sử dụng vi sinh đảm bảo an toàn thực phẩm.

Thảo Nguyên  (TH)



 CÁC TIN KHÁC
VIDEO - AUDIO
VĂN BẢN-CHÍNH SÁCH
 
Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông Ninh Bình
Chịu trách nhiệm: Đ/c Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Địa chỉ: Đường Phạm Văn Nghị, phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Điện thoại: 0229.3889237, Fax:0229.3889239, Email: Soninhbinh@mic.gov.vn.